Học sinh nơi đây chưa có đủ sách vở, nhiều em không có đủ quần áo để mặc. Không chỉ điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy còn rất thiếu thốn, các thầy, cô giáo còn phải vào từng nhà để vận động học sinh đến lớp.
Vật lộn với con chữ vùng cao
Bản Sán Séo Tỷ có 84 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc H’Mông. Lương thực của bà con nơi đây là cây ngô. Do cây ngô trồng trên đất đá khô cằn, phụ thuộc vào khí hậu nên tình trạng đói nghèo là điều không thể tránh khỏi. Chính vì lẽ đó nên việc cho con đến lớp học cũng là một điều khó, không phải gia đình nào cũng làm được.
Thầy giáo Ma Công Tấn (giáo viên cắm bản) cho biết: “Những ngày đầu lên đây mọi thứ còn khó khăn lắm, bản chưa có điện, chỗ ăn ở cho giáo viên chỉ là mái nhà tạm bợ. Mọi thứ sinh hoạt như lấy củi, nước chúng tôi đều phải dựa vào người dân. Các thầy cô giáo trẻ như chúng tôi lên đây đều phải học tiếng H’Mông hết. Nếu mình không biết tiếng H’Mông thì việc truyền dạy kiến thức cho các em rất khó. Ngoài dạy kiến thức ở lớp, chúng tôi còn phải dạy kèm cả tiếng phổ thông cho các em”.
Đối với bản vùng cao này, do người dân sinh 7 đến 8 người con nên nhiều hộ chỉ cho con trai đi học. Đồng bào quan niệm rằng, nếu cho con gái đi học thì các em cũng đi lấy chồng, đẻ con, quanh quẩn ở trong nhà. Chính vì lý do đó nên tình trạng mù chữ thất học, không biết tiếng phổ thông là điều không thể tránh khỏi. Những hôm rảnh rỗi, thầy Tấn phải đi đến từng hộ để làm công tác tuyên truyền.
Các em học sinh lớp một thầy Tấn chủ nhiệm. |
Mặc dù khó khăn nhưng thầy giáo trẻ này lúc nào cũng tràn đầy nhiệt huyết, mong cho con chữ của mình sẽ nảy mầm xanh tốt trên đá. Vừa nói chuyện, thầy Tấn vừa đưa ra những bức hình được chụp bằng điện thoại về lớp học. Trong hình là một phòng học đơn sơ, và dù lớp học còn nghèo nàn thiếu thốn nhưng các em vẫn ánh lên sự hồn nhiên, ngây thơ thể hiện qua từng ánh mắt. Nhiều em học sinh có áo nhưng lại không có quần, hoặc đi những đôi dép phải khâu vá nham nhở từng miếng.
Buổi tối hôm ấy, chúng tôi ở lại bản, cùng ăn cơm với thầy giáo. Trong ngọn đèn bình ắc quy, thầy Tấn chia sẻ: “Ở đây điện yếu lắm nên tôi phải dùng bình ắc quy để dự phòng”. Cảm nhận và thấu hiểu những khó khăn này, các thầy, cô giáo nơi đây vẫn giữ lửa nhiệt huyết biến những trang sách thành ước mơ cho các em nhỏ.
Sáng hôm sau, bản Sán Séo Tỷ lại hiện ra với những ngôi nhà H’Mông. Khung cảnh chờn vờn sương sớm tựa như một bức tranh kỳ vĩ nơi núi rừng. Thấy chúng tôi chuẩn bị kẹo cho các em, thầy Tấn nói: “Các em ở trên đây khát kẹo, thèm những đồ ở miền xuôi. Do là lớp học nằm heo hút trong thung lũng nên hàng năm các đoàn từ thiện từ tỉnh đến Trung ương cũng không biết để mà vào”.
Không gian bên trong lớp học thầy Tấn giảng dạy. |
Lầm lũi những em nhỏ H’Mông
Men theo con đường mòn là những dải sương mù của buổi sáng bình minh đang tan dần. Xa xa là tiếng gà gáy vọng lại, những âm thanh của buổi sáng bình minh thật trong trẻo khiến cho chúng tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Theo thầy Tấn, có nhiều hôm sương mù dày đặc, thậm chí hai người ở gần cũng không nhìn thấy nhau.
Nhìn lên những sườn đồi, đồng bào H’Mông họ đi lấy củi từ rất sớm. Do mưa nắng thất thường nên người dân thích ứng rất nhanh. Nếu bầu trời u ám, sương mù dày đặc là kiểu gì cũng có mưa. Ở đây củi ngô được đồng bào bó lại hoặc chụm xung quanh các hòn đá cho khô mới mang về. Dưới những viền đá là những mầm xanh của ngô đang đua nhau mọc lên xanh tốt. Do đất ít, đá nhiều nên người dân phải lấy những viên đá xếp thành hàng để che chắn đất.
Có lẽ các em nhỏ của bản Sán Séo Tỷ cũng tựa như nhưng mầm xanh đang đua nhau nảy nở. Các em khát tình yêu thương, sự gần gũi và cả những sự sẻ chia vật chất… Vượt qua nỗi thèm khát, các em nhỏ trong bản Sán Séo Tỷ đang được các thầy, cô giáo cắm bản dạy chữ, biến những trang sách trở thành ước mơ, hoài bão để các em bay xa, bay cao, tựa như những đám mây phiêu bồng trên bầu trời…
Hút sâu vào con đường mòn, chúng tôi còn thấy có cả những bụi rau tam giác mạch được bà con trồng xen lẫn cùng với ngô. Theo người dân, lá non của cây tam giác mạch ăn có vị chua, hạt có tinh bột nên đây chính là nguồn lương thực cứu đói cho dân bản, nhất là những năm mất mùa. Đi bộ được một nửa chặng đường, bất chợt có một cơn mưa ùn ùn kéo đến. Mưa ướt thẫm trên những nếp đá xám. Mưa mỗi lúc một nặng hạt khiến cho cung đường vào lớp học trở nên trơn trượt.
Thầy Tấn thở dài và nói: “Mưa thế này thì không có học sinh đến lớp rồi. Lớp mình có nhiều học sinh ở xa lắm, mãi ngọn đồi tít bên chợ Khâu Vai, đi bộ hơn hai tiếng đồng hồ”. Trong sâu thẳm, có lẽ thầy giáo lại lo cho các em nhỏ, bởi có nhiều hôm khi thầy giáo đến lớp học thì đã thấy các em ướt đẫm. Lớp của thầy Tấn có 4 em học sinh ở xa nhất là Hờ Thị Súa, Sùng Thị May, Già Mỹ Nu, Hờ Thị Cáy.
Các em học sinh là những mầm xanh trong bản Sán Séo Tỷ. |
Câu chuyện về lớp học khiến cung đường trở nên ngắn lại. Lúc này hiện ra trước mắt chúng tôi là một lớp học siêu vẹo. Bên ngoài sân là lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay phấp phới. Bước vào bên trong lớp học là không gian vắng lặng. Những hạt mưa lọt qua tấm vách ngăn, ướt đẫm cả ghế ngồi. Những hôm mưa gió, thầy Tấn lại phải dồn các em ở một góc nhỏ, gần cửa ra vào nhưng trong lòng vẫn thấp thỏm không yên. Thầy Tấn chia sẻ: “Sợ nhất là vào mùa mưa bão, có nhiều hôm gió to, lùa vào trong lớp học nên tôi lại phải hô hào các em chạy ra ngoài”.
Lớp học được ngăn ra làm đôi, một bên là 14 em học sinh mẫu giáo, còn một bên là 9 em học sinh lớp 1. Trò chuyện với thầy Tấn được một lúc thì cô Sùng Thị Dú (giáo viên mầm non) cũng vừa đến. Cô Dú tâm sự: “Mình phải cho các em mẫu giáo làm quen với các con vật, màu sắc và các hiện tượng tự nhiên… Ở đây còn khó khăn lắm, những hôm mưa như thế này là các em không đến lớp được vì đường xa, khổ nhất là vào mùa lạnh và mùa mưa bão. Ở đây nhà nào đủ ăn thì vẫn lo được quần áo cho các em còn nếu không thì vẫn phải ở lỗ, nhìn thương lắm…”.
Nhìn ra sân trường, mưa đã bắt đầu tạnh dần, một số học sinh ở xa cũng đã đến lớp. Do thiếu học sinh nên thầy Tấn và cô Dú phải vào bản để gọi. Đi theo các thầy, cô giáo vào bản thấy nhiều em học sinh có áo nhưng lại không có quần, vẻ lam lũ khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Quay trở lại lớp học các em học sinh đã tập trung đông đủ. Nơi phòng học chật hẹp ấy lại vang lên những tiếng đánh vần ê a. Thầy Tấn, cô Dú lại bắt đầu công việc gieo chữ. Những con chữ bí hiểm lại đưa các em đến những mảnh đất lạ, khám phá những nơi chưa từng đặt chân đến. Thầy Tấn chia sẻ: “Em Già Mỹ Tính nhà đông nhưng chỉ có một mình được đi học. Dù nhà nghèo, đường xa nhưng em Tính học rất giỏi và chịu khó”.
Chia tay lớp học về miền xuôi nhưng trong lòng chúng tôi mang nặng nỗi trăn trở. Suốt chặng đường, chúng tôi chỉ nghĩ đến các em và mong các em có đủ cơm ăn, áo mặc. Có lẽ nghiệp gieo chữ còn vất vả nhưng chứa đựng trong đó là ước mơ, đưa các em bay xa. Và các em chính là thế hệ để thay đổi cuộc sống ở nơi này...