Gập ghềnh đường đến trường
Hôm nào cũng vậy, vào lúc tờ mờ sáng, khi hai con lợn ỉn trước nhà thi nhau húc đầu vào cửa đòi ăn thì bà nội Giàng A Khua lại đến bên giường lay chân Khua để gọi em dậy đi học. Trong khi Khua dụi mắt và ngáp ngắn, ngáp dài trên giường thì bà đã chuẩn bị xong cặp lồng cơm cho em mang đến trường. Nhà Khua nằm trên một sườn núi của bản Thào Chua Chải (xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái. Để đến trường, Khua phải vượt quãng đường dài 8km, trong đó có 7km đèo dốc, 1km đường bê tông. Cùng đi học với Khua còn 6 bạn ở các lớp khác nhau. Giống như Khua, tất cả đều xách theo cặp lồng cơm để ăn trưa. Bạn Chứ Thị Hù (11 tuổi, học lớp 5) còn địu theo trên lưng một em 2 tuổi đến lớp. Vậy mà Hù vẫn vừa đi, vừa nói chuyện và đùa vui cùng các bạn.
Em Sùng Thị Mảy - học sinh Trường THCS Mồ Dề có hoàn cảnh khó khăn hơn. Mẹ em bị người ta lừa bán sang Trung Quốc, bố em chán nản cảnh nhà đã ăn lá ngón tự tử. Mảy về sống với gia đình bác ruột là Sùng Giồng Dì. Nhà Mảy cách trường 2,5 cây số nên mỗi ngày em đi về cả thảy 4 lượt dù có những đoạn dốc không thể đi bằng chân, Mảy phải bám vào những bụi cây chắn ngang rồi bò lên như con sóc nhỏ. Vất vả là thế nhưng Mảy vẫn đi học đều và không hề nghỉ ngơi.
Cùng trường với Mảy là cậu bé có ánh mắt buồn thăm thẳm Mùa A Lồng. Mẹ Lồng mất sớm, bố suốt ngày say, mắng chửi con cái. Rồi bố Lồng bị bắt vì tội buôn bán ma túy, em sang ở với bác nhưng gia cảnh bác cũng nghèo, vì vậy sáng thứ bảy nào Lồng cũng đi bộ từ trường về bác, rồi tối chủ nhật lại lặn lội trở lại trường. Dù con đường đến trường gập ghềnh, có những đoạn cheo leo giữa lưng chừng núi, đất đá có thể sạt lở bất cứ lúc nào, một bên là vực sâu chỉ cần trượt chân xuống là không thể tìm thấy đường lên nhưng Lồng vẫn chăm chỉ tới lớp. Suốt 8 năm học, năm nào em cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, được đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh nhiều năm.
Rào cản ngôn ngữ và suất ăn bán trú 12.000 đồng/ngày
Trường Tiểu học Chế Cu Nha nằm cạnh tuyến đường huyết mạch đi trung tâm huyện Mù Cang Chải. Trường có ba dãy lớp học được xây hai tầng kiên cố với khoảng sân trường thoáng mát, là một trong số ít trường “chuẩn” của huyện Mù Cang Chải. Lớp 3A của Giàng A Khua thực hiện theo mô hình: Sau khi cô giảng bài thì từng nhóm phải thảo luận với nhau để đưa ra kết quả. Nhóm nào không có kết quả thì giơ tấm biển cứu trợ để cô giáo giảng thêm. Trong lớp, trên những bộ bàn ghế ọp ẹp, các em học sinh chủ yếu là người Mông đánh vật với bài giảng của cô giáo.
Ngôn ngữ chính là rào cản lớn nhất và khó khăn nhất đối với các em học sinh dân tộc khi tiếp thu bài giảng. Các thầy cô dưới xuôi lên đây dạy học trước hết phải “xóa mù tiếng dân tộc” cho mình, rồi sau đó mới giảng bài cho học sinh được. Ở những lớp tiểu học thì đa số giáo viên phải dạy học bằng tiếng dân tộc, đến lớp cao hơn thì kết hợp cả hai thứ tiếng: tiếng phổ thông và tiếng dân tộc. Tiếng phổ thông nói ở đây cũng phải chọn những từ đơn giản, dễ hiểu, bởi vì học sinh chỉ hào hứng tiếp thu bài khi các em biết cô giáo đang giảng cái gì.
Cho học sinh nghỉ hè nhưng thầy Nguyễn Văn Hiên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chế Cu Nha không khỏi băn khoăn: “Nghỉ hè, nhiều em theo người nhà đi làm thuê ở xa nên năm học mới, thầy cô không thể nào tìm được. Có em thấy thầy cô đến nhà liền trốn biệt vào rừng, gọi thế nào cũng không chịu về. Mấy năm trước còn có trường hợp một nhóm thanh niên xông vào trường, lôi một em học sinh nữ lớp 5 ra khỏi lớp. Chúng tôi định ngăn lại thì được biết họ đang... bắt vợ. Mà tục bắt vợ của người Mông cấm những người ngoài tham gia nên chúng tôi đành chịu…”.
Ngoài lý do đi làm, phải lập gia đình thì còn một lý do khiến nhiều em nghỉ học đó là con đường đến lớp quá gập ghềnh, xa xôi. Hôm nào các em cũng phải dậy từ sáng sớm để đi học. 15h30 kết thúc buổi học nhưng phải tối muộn các em mới về đến nhà. Cũng vì đi về mất quá nhiều thời gian, công sức nên việc ra bài tập về nhà cho học sinh là điều không tưởng. Sách vở, dụng cụ học tập do nhà trường cấp cũng để lại trường luôn.
Không được học Trường chuẩn như các bạn ở Chế Cu Nha nhưng học sinh trường THCS Mồ Dề có phần đỡ vất vả hơn vì được ăn ở bán trú tại trường. Tuy nhiên, với tổng số 650 học sinh của cả ba cấp: Mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở, không phải em nào cũng được hưởng chế độ bán trú. Học sinh mẫu giáo được ăn bữa trưa nhưng tối đến thì phụ huynh phải đón về nhà ngủ. Học sinh tiểu học và trung học cơ sở được ăn ngủ tại trường từ thứ hai đến thứ sáu nhưng tiêu chuẩn này chỉ dành cho những em nhà xa từ 3km trở lên.
Được đủ tiêu chuẩn ở nội trú là mong muốn của hầu hết học sinh Trường THCS Mồ Dề. Có nhà thậm chí còn chuyển đi xa trường cho đủ 3km để con không phải đi bộ về nhà ngày 4 lượt. Thế nhưng, ăn ở tại trường đối với học sinh cũng đâu sung sướng. Chi phí bán trú cho một học sinh chỉ là 12.000đồng/ngày, khi mà giá cả sinh hoạt ngày một tăng cao và thực phẩm ở Mù Cang Chải lại luôn đắt đỏ hơn những nơi khác vì vận chuyển khó khăn.
Cũng vì quá ít tiền nên trường không thể thuê thêm một người về nấu ăn cho học sinh. Mỗi ngày, các thầy cô lại phải thay phiên nhau đi chợ, rồi vừa dạy xong lại cùng nhau bắt tay vào việc nấu nướng cho cả trăm con người. Các giáo viên của trường hôm nào cũng phải đau đầu tính toán xem bữa nay có bao nhiêu học sinh ăn cơm, giá các loại thực phẩm ngoài chợ tăng giảm thế nào?
Giờ đây, những người lớn ở Mù Cang Chải cũng đã hiểu rằng, nếu không đi học thì không thể biết tiếng phổ thông, không biết mua bán khi đi chợ, không nghe được đài, xem ti vi nên đã cho con trẻ đi học nhiều hơn, nhưng việc chăm chút cho sự học ấy vẫn còn hời hợt, đơn giản như trước. Nhưng những em nhỏ mà chúng tôi đã gặp thì đang cháy bỏng trong lòng ước mơ được đến trường, dù con đường ấy còn gian nan, nghiệt ngã.