Yêu cầu bồi thường bỏ ngỏ suốt 25 năm
Theo nội dung đơn của anh Bùi Mạnh Hòa cung cấp: “Cha tôi ông Bùi Duy Hải bị TAND tỉnh Minh Hải (nay là TAND tỉnh Cà Mau) tuyên phạm 03 tội là thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa và vu khống. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã ra bản án hình sự phúc thẩm số 1033/HSPT ngày 14/12/1989 tuyên cha tôi không phạm 3 tội nêu trên”. Kể từ thời điểm được tuyên không có tội, gia đình anh Hòa đã nhiều lần yêu cầu bồi thường, nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết bồi thường. Do vậy, anh đã có đơn gửi đến Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp ngày 25/1/2015 và Cục đã có Công văn số 185 ngày 12/6/2015 gửi Tòa Hình sự TANDTC để giải quyết theo thẩm quyền và Tòa Hình sự đã chuyển tiếp cho tòa án địa phương giải quyết.
Cũng theo anh Hòa cho biết, lúc cha tôi còn sống, cha tôi đã liên hệ đến cơ quan chức năng: Tòa án, Sở LĐ-TB&XH, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu bồi thường thiệt hại và các chế độ liên quan. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Minh Hải chưa xem xét, giải quyết cho cha tôi theo đúng quy định. Cụ thể, năm 1990, bà nội tôi là bà Trương Thị Công có gửi đơn đến Ủy ban Thanh tra nhà nước yêu cầu xem xét, chỉ đạo bồi thường thiệt hại cho cha tôi. Ngày 09/6/1990 Ủy ban Thanh tra Nhà Nước có giấy báo tin số 260XKT/VP gửi cho bà nội tôi nhưng đều là tin chờ giải quyết.
Bên cạnh đó, gia đình anh Hòa và bà nội anh là bà Trương Thị Công đã có nhiều đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng như: Văn phòng Quốc hội, TAND Tối cao, Ủy ban Thanh Tra. Trong tài liệu gia đình anh Hòa cung cấp có văn bản trả lời của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhà nước thông báo trả lời về vụ việc khiếu nại cho con trai bà nhận bồi thường oan sai. Theo Công văn số 6796 ngày 02/1/ năm 1988, thì Viện KSND tỉnh Minh Hải là cơ quan có trách nhiệm giải quyết.
Mong mỏi có được đền đáp
Tuyệt nhiên, sự chờ đợi giải quyết vụ việc bồi thường oan sai cho gia đình anh Hòa vẫn chỉ trong vô vọng. Năm 1991 khi ông Bùi Duy Hải mất, gia đình anh Hòa ngưng khiếu nại vì thời điểm đó anh Hòa cho biết chưa có Nghị quyết 388. Sau khi có Nghị quyết 388 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra và Thông tư 01/2014 hướng dẫn thi hành Nghị quyết 388, nên gia đình lại tiếp tục gửi đơn yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết cho gia đình về vụ việc.
Kể từ năm 1991 ông Hải qua đời đến nay đã 15 năm, nhưng oan sai của ông vẫn kêu than không một cơ quan chức năng nào giải quyết. Thiệt hại và mức yêu cầu bồi thường của gia đình anh Hải đưa ra ở các mục: thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất; thiệt hại do tổn thất về tinh thần trong thời gian bị tạm giữ (ông Hải bị bắt tạm giam hai lần, lần 1 từ ngày 28/9/1984 đến ngày 13/12/1989, lần 2 từ ngày 06/4/1989 đến ngày 23/6/1989); Thiệt hại do tổn thất về tinh thần và thể chất nên ông Hải mất năm 1991; Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc của gia đình trước khi ông Hải mất; Chi phí cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng nuôi con, mẹ; Tiền nuôi con từ năm 1984 đến năm 1989.
Anh Hải thay mặt gia đình bày tỏ tâm nguyện: “ Oan sai thì đã minh bạch, nhưng cái mất đi về con người, về tinh thần thì còn mãi với thời gian. Gia đình tôi muốn được bù đắp cho cha tôi, cho bà nội, là những người đã qua đời mà chưa được thỏa lòng vì còn đau đáu sự vụ oan sai”.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.