Ngày “đứa con tinh thần” ra đời
Tờ báo Pháp luật thường thức (tên đầu tiên của Báo PLVN) được thai nghén, hình thành và tách ra từ Vụ Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp. Ngày đó, trụ sở báo làm việc tại số 5B, phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, Hà Nội.
Từ lãnh đạo đến anh chị em được phân công làm báo đều là “tay ngang” với bao bỡ ngỡ, mới mẻ. Chỉ duy nhất anh Vũ Duy Thiệu là người “có nghề” bấy giờ làm Thư ký toà soạn.
Khi đó đất nước còn nhiều khó khăn, cơ quan chủ quản của tờ báo là Bộ Tư pháp cũng vậy. Một cái máy chữ dùng để đánh máy tin, bài cũng chưa được trang bị. Mọi tin, bài đều được viết tay, sau khi được biên tập và lãnh đạo Báo, lãnh đạo Bộ duyệt, thì mới được chuyển xuống bộ phận đánh máy của Văn phòng Bộ. Một quy trình làm báo thật gian nan!
Anh chị em chúng tôi lúc bấy giờ có anh Tiến, chị Ngân, anh Luyến, chị Mai, chị Cẩm và chị Thảo, anh Chiến, tất cả đều được phân công và trải qua các quy trình làm báo như viết tin, bài, đặt bài cộng tác viên trong và ngoài ngành, đọc, sửa morat, đi nhà in.
Và đặc biệt là sau khi ra báo còn phải đi đến các Bộ, ngành, địa phương để “tiếp thị” cho tờ báo - sản phẩm tuyên truyền, giáo dục pháp luật của ngành Tư pháp.
Tôi còn nhớ, khi tờ báo đầu tiên “ra lò” xuất bản, tất cả mọi người trong cơ quan đều hồi hộp, xúm vào xem, đọc, soi từng chữ, từng trang, ảnh, tin bài, chuyên mục được trình bày ra sao... để cùng rút kinh nghiệm cho các số báo sau. Thời kỳ đó, Pháp luật thường thức là tờ báo đầu tiên và duy nhất trong khối Nội chính.
Đúng là “của hiếm” nên anh em trong Bộ và khối Nội chính thường xuyên đón đọc, góp ý kiến chân thành. Chúng tôi luôn lắng nghe, tiếp thu và học hỏi, để rồi từ đó hình thành một nề nếp trao đổi, học tập nghiệp vụ theo từng số báo, theo từng chuyên đề pháp luật
Ngày ấy tuy thật sự khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi chung sức làm việc rất hăng say, cẩn trọng, vừa làm vừa động viên lẫn nhau, từ lãnh đạo Báo đến anh, chị em phóng viên. Anh chị em cùng làm việc, gắn bó thân thương, chia sẻ buồn vui như trong một gia đình.
Một thời gian ngắn sau này, đáp ứng nhu cầu tuyên truyền pháp luật của ngành và của xã hội, tất cả thế hệ đầu tiên chúng tôi đều vừa làm báo, vừa được cử đi học những lớp đào tạo báo chí của trường Báo chí thuộc Ban Tuyên giáo TW, của Bộ Văn hóa – Thể thao và mời những nhà báo có tên tuổi đến trao đổi, giảng bài...
Rồi tờ báo có thêm nhà báo Phạm Xuyền, rồi giảng viên Đại học Pháp lý (Đại học Luật Hà Nội bây giờ) - nhà thơ Phạm Công Trứ. Tờ báo bắt đầu hình thành những tuyến tin, bài, chuyên mục, chuyên trang tạo dấu ấn cho bạn đọc, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc và sự phát triển của tờ báo.
Kỳ phát hành cũng từ 2 tuần/1 kỳ, đến 1 tuần/1 kỳ, rồi 1 tuần /3 kỳ, đến các số báo ra hàng ngày và nhiều ấn phẩm khác. Có thể nói, cùng với đất nước, tờ báo của ngành Tư pháp đã thực sự bước vào thời kỳ đổi mới, đóng góp vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống chính trị - xã hội của cả đất nước.
Vui mừng nhìn lớp đàn em trưởng thành
Tờ báo phát triển không ngừng và đòi hỏi phải tuyển dụng rất nhiều phóng viên để phục vụ công việc. Một lớp thế hệ các bạn trẻ được đào tạo chuyên ngành báo chí hoặc chuyên ngành luật đã thi tuyển vào Báo.
Cá nhân tôi, trưởng thành từ công tác phóng viên, rồi biên tập viên, trải qua nhiều vị trí làm báo trong toà soạn, được lãnh đạo phân công phụ trách Ban Văn hóa – Xã hội, một ban rất “có duyên” với các phóng viên trẻ. Có thể nói, chưa lúc nào Ban Văn hóa – Xã hội vắng người, lúc nào cũng nhộn nhịp từ phóng viên, cho đến phóng viên học việc, sinh viên kiến tập, thực tập năm cuối…
Các em được phân công toả đi khắp vùng, miền, đến những nơi gian khổ, vùng sâu, vùng xa, để từ đó gửi về những tin bài nóng hổi, những phóng sự xã hội, phóng sự điều tra dài kỳ… Qua thời gian, những cây viết sắc sảo, nhanh nhạy, bản lĩnh và nhân văn đã trở nên quen thuộc với bạn đọc như Ngọc Hà, Nghĩa Nam, Hoàng Thuỷ, Xuân Hoa, Lan Hương, Sơn Bình, Đoan Trang, Nguyệt Thương, Vân Tùng, Thuỳ Dương… Còn với tôi, gắn bó thương yêu các đồng nghiệp trẻ, tôi đã được nếm trải niềm vui, niềm cảm động khi nhìn thấy các em trưởng thành trong nghề.
Không chỉ vậy, với Báo PLVN, tôi còn có những kỷ niệm sâu sắc nữa, đó là công tác xã hội. Một trong những hoạt động xã hội có ý nghĩa của Báo là công tác tri ân những anh hùng đã ngã xuống cho hoà bình, cho dân tộc.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7, tập thể Báo lại tổ chức một cuộc hành hương về miền Trung nóng bỏng, đến với Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Ngã Ba Đồng Lộc, Thành cổ Quảng Trị... thắp những nén nhang thơm, tưởng niệm tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Thật vinh dự và tự hào được hòa theo dòng chảy của dân tộc, của thời đại trong những ngày tháng 7 đáng ghi nhớ này.
Hôm nay, đặt bút viết những dòng kỷ niệm này, trong tôi vẫn như còn rưng rưng bao nỗi niềm cảm xúc còn đọng lại từ những ngày Báo phát hành số báo đầu tiên cho tới những tháng ngày công tác, đóng góp cho sự phát triển của tờ báo, góp phần dìu dắt thế hệ kế tiếp.
Chúng tôi, những người làm báo PLVN thế hệ đầu tiên, giờ đã nghỉ hưu cả, người còn, người mất. Trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày ra số báo đầu tiên, xin chúc mừng tập thể Báo, chúc PLVN ngày càng thành công, vững bước.
Đối với tôi, tòa soạn Báo PLVN luôn là tổ ấm thứ hai mà tôi yêu quý!