Gian nan tìm lối giữ nghề hoa giấy Thanh Tiên

(PLO) - Cả làng hoa giấy Thanh Tiên ở Huế giờ chỉ đôi ba nhà còn “đeo” nghề của cha ông. Số còn lại hoặc chuyển đổi qua làm hoa sen giấy hoặc bỏ nghề vì chịu không nổi áp lực cạnh tranh của thị trường.
Nhiều hộ gia đình ở làng hoa Thanh Tiên đã chuyển sang làm sen giấy
Nhiều hộ gia đình ở làng hoa Thanh Tiên đã chuyển sang làm sen giấy
Làng nghề đang mai một
Trong những ngày cuối năm, chúng tôi đã có dịp ghé thăm làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất ở xứ kinh kỳ.
Trái ngược với những gì chúng tôi suy nghĩ, mặc dù thời gian đến tết Âm lịch không còn xa nhưng không khí làng nghề vẫn rất im ắng. Hỏi dò một người trong làng, chúng tôi mới biết, số hộ gia đình còn đeo đuổi với nghề truyền thống của tổ tiên để lại trong làng không còn nhiều, số còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng (sản xuất vào ban đêm) do ban ngày phải kiếm sống bằng các nghề khác. 
Chúng tôi tìm đã đến nhà của nghệ nhân Nguyễn Hóa, một trong những người có tâm huyết nhất với nghề truyền thống hoa giấy ở Thanh Tiên. Theo ông Hóa, hiện nay số hộ còn theo nghề không quá 10 hộ, chủ yếu sản xuất theo thời vụ (phục vụ mùa tết). 
Lý do là bởi làm hoa giấy thờ cúng cho thu nhập quá thấp (chừng 30 - 40 ngàn đồng/người). Mặt khác, sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên không có mẫu mã đẹp, cất giữ không được lâu nên không thể cạnh tranh được với hoa giấy bằng kẽm từ Hà Nội đưa vào. 
Đây cũng chính là lý do khiến nghề truyền thống làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên dần bị mai một.“Với tình hình khó khăn như hiện nay thì chỉ trong vòng 3 - 5 năm nữa, nghề làm hoa giấy phục vụ tín ngưỡng ở đây sẽ biến mất. Không biết hết đời hai vợ chồng tôi, con cái còn ai theo đuổi nghề này không nữa?”, ông Hóa nói. 
Trước đây, cả làng này có tất cả hơn 50 hộ dân đều làm nghề hoa giấy, nhưng trong vòng vài năm trở lại đây, hầu hết đã bỏ nghề cũng vì lý do kinh tế để chuyển sang nghề khác cho thu nhập ổn định hơn. 
Cũng theo ông Hóa, bây giờ lớp trẻ không còn ai còn đam mê theo đuổi cái nghề truyền thống của cha ông để lại nữa. 
Theo lời chỉ dẫn của ông Hóa chúng tôi tìm đến nhà của nghệ nhân  Phạm Loan (60 tuổi) với hơn 50 năm làm nghề hoa giấy. Đây là một trong số ít hộ dân vẫn còn đeo đuổi làm hoa giấy trong làng. Với những dụng cụ làm nghề rất đơn sơ, một chiếc mảnh gỗ, một chiếc dùi và một cái đục bằng sắt (đã được chế lại để làm hoa giấy) cùng những xấp giấy đủ màu. 
“Làm hoa giấy không khó, ai cũng có thể học được nhưng cần phải có sự tỉ mỉ và khéo tay một chút là được. Trước đây không có nhiều giấy màu như bây giờ nên chúng tôi phải tìm những nguyên liệu màu tự nhiên từ cây cỏ, rễ cây, vỏ cây, sau đó giã nát để lấy nước màu rồi đem ngâm giấy”, người nghệ nhân già hồi tưởng lại.
Theo nghệ nhân Phạm Loan, thì cách đây chừng 5 - 10 năm về trước, cách tết Nguyên đán khoảng 2 tháng là không khí làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên đã nhộn nhịp; nhà nhà, người người đều tham gia sản xuất để phục vụ bán cho dịp tết, nhưng bây giờ không còn mấy nhà theo nghề truyền thống này nữa vì thu nhập kinh tế thấp, không đủ sống. 
“Chuyển đổi cơ cấu để giữ nghề”
Đó là định hướng của nghệ nhân Nguyễn Hóa, Chủ nhiệm Hợp tác xã của làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên. “Cũng do tình thế bắt buộc thôi, thị trường hoa giấy phục vụ tín ngưỡng bây giờ không còn được ưa chuộng nữa, lại cho thu nhập quá thấp nên chúng tôi đã chuyển sang làm hoa sen giấy là chính nhưng vẫn giữ nghề làm hoa giấy tín ngưỡng trong dịp tết”.
Hiện nay, hoa sen giấy cũng chính là sản phẩm chủ lực cho thu nhập kinh tế ổn định những hộ dân làm nghề hoa giấy ở Thanh Tiên. Nghề làm hoa sen giấy cũng đã có từ lâu nhưng trước đây mẫu mã và chất liệu làm còn thô sơ nên không được thị trường ưa chuộng. 
Đến năm 2008, nghề làm hoa sen giấy chính thức được tham gia quảng bá trong dịp Festival Huế 2008, đã được khách hàng và du khách ưa chuộng. 
Nắm bắt được thị hiếu của khách hàng, nghệ nhân Nguyễn Hóa đã quyết định tập trung chuyển đổi cơ cấu sang làm hoa sen giấy và nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Không giống như mặt hàng hoa giấy phục vụ tín ngưỡng kén thị trường và sản xuất theo mùa vụ (chủ yếu dịp tết), hoa sen giấy được sản xuất quanh năm. 
Hiện nay, thị trường sen giấy không chỉ còn bó hẹp ở Huế mà còn vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chất liệu để làm hoa sen giấy cũng rất đơn giản bao gồm giấy A4, phẩm màu công nghiệp, cọng sen được làm bằng cây mây. Mỗi bông sen giấy được bán tại gốc có giá 12 nghìn đồng/ bông. Mỗi ngày, bình quân mỗi lao động cho thu nhập 150 nghìn đồng/người - cao hơn nhiều so với làm hoa giấy thông thường. 
Nhận thấy lợi ích kinh tế của sen giấy, nhiều hộ gia đình làm hoa giấy trong làng Thanh Tiên đã chuyển sang làm hoa sen giấy. Hiện nay số hộ dân ở Thanh Tiên chuyển sang làm hoa giấy tăng lên 12 hộ.
“Hoa giấy là một nghề truyền thống của tổ tiên để lại, xưa bày nay làm. Tuy nhiên, để đảm bảo kinh tế gia đình nên chúng tôi buộc phải chạy theo thị hiếu của thị trường để sản xuất hoa sen giấy. Nhưng người dân chúng tôi vẫn giữ nghề làm hoa giấy tín ngưỡng trong dịp tết để không cho nghề truyền thống bị mất đi”, nghệ nhân Nguyễn Hóa tâm sự.
Đây thật sự là điều đáng tiếc đối với một làng nghề truyền thống có lịch sử hơn 500 năm ở đất Cố đô. Tuy nhiên, những người dân ở đây phải chấp nhận quy luật cạnh tranh của thị trường để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách hàng. 
Chuyển đổi cơ cấu sang làm sản phẩm khác, đồng thời vẫn giữ được nghề truyền thống của tổ tiên như nghệ nhân Nguyễn Hóa đang làm cũng là một cách hay để giữ nghề. 
Sen giấy giúp giữ nghề truyền thống 500 năm
Việc chuyển đổi sang làm hoa sen giấy và sản phẩm đầu ra nhanh chóng được thị trường chấp nhận. Không giống như mặt hàng hoa giấy phục vụ tín ngưỡng kén thị trường và sản xuất theo mùa vụ (mùa tết là chính), hoa sen giấy được sản xuất quanh năm. Hiện nay, thị trường hoa sen giấy Thanh Tiên không chỉ còn bó hẹp ở Huế mà còn vươn xa ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Đọc thêm