Cuộc chiến giành con
“Tôi được cha mẹ nuôi cho ăn học đàng hoàng, chấp nhận lấy anh ta, tôi từ bỏ danh vọng để ở nhà nội trợ. Lấy anh ta, tôi cơ khổ trăm bề, lúc mang bầu tôi bị hắt hủi, ruồng rẫy, suy nghĩ nhiều thành lao lực, đến nỗi sinh ra con bệnh tật.
Trong lúc tôi lăn lộn mưu sinh nơi xứ người kiếm tiền hàng tháng dành dụm từng đồng gửi về nuôi con, chữa bệnh cho con thì ở nhà anh ta thay lòng đổi dạ, đăng ký kết hôn và cưới người khác làm vợ. Tôi bị trắng tay, mất tất cả chồng con, gia đình. Thôi thì chồng như vậy tôi cũng chẳng tiếc, chỉ thương con.
Thế mà đến cả quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc đứa con gái dứt ruột sinh ra tôi cũng bị anh ta tước đoạt. Tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là được nuôi con với điều kiện hàng tháng anh ta phải cấp dưỡng tiền ăn uống, chữa bệnh cho con là 5 triệu đồng. Xin Tòa xem xét…”.
Người phụ nữ nói một tràng dài rồi bật khóc nức nở khiến khán phòng lặng đi… Vị Thẩm phán nhẹ nhàng khuyên chị bình tĩnh, chuyện gì rồi cũng có hướng giải quyết vì giữa hai người còn có con chung, hơn nữa còn có pháp luật. Nhưng nguyên đơn không thể bình tĩnh, chị bức xúc nói rằng chị đã mất tất cả, yêu cầu pháp luật phải bảo vệ chị bằng mọi giá.
Tòa mời bị đơn đứng dậy trình bày. Trái ngược với người vợ, anh chồng bình tĩnh và nhỏ nhẹ. Anh nói, hồi lấy chị anh là chủ cơ sở sản xuất giò chả, nhà có 5-7 công nhân. Bất hạnh ập xuống khi chị sinh con gái đầu lòng, cháu bé mắc bệnh tự kỷ, hai tuổi không biết nói, thường xuyên cắn cấu, đánh người khác, đôi khi tự đánh, gây thương tích cho chính mình. Anh đã phải nghỉ làm đưa con đi chữa trị khắp nơi, rất tốn kém nhưng bệnh tình của con không khỏi. Cơ sở giò chả tan rã, công nhân bỏ làm, anh thành ra “sập tiệm”.
Chán nản, chị bỏ nhà ra thành phố, lấy cớ đi kiếm tiền chữa bệnh cho con nhưng thực tình chị đi để tìm cho mình một tương lai khác. Do hai người lấy nhau không đăng ký kết hôn nên anh cũng chẳng có lý do để ràng buộc chị, chỉ xin chị hãy nghĩ đến đứa con lúc này mới 2 tuổi, rất cần có mẹ ở bên.
Nhưng chị một đi không trở lại, cũng chẳng gửi một đồng về nuôi con. Anh cũng quyết định bế con ra thành phố, vừa chữa bệnh cho con vừa hy vọng tìm được vợ dù trong thâm tâm anh biết mình bây giờ tay trắng sẽ khó lòng kéo được chị quay về…
Phải học lại cách yêu thương
Trời luôn rộng lượng với người có tâm. Ba năm lăn lộn ở thành phố, anh đã gây dựng lại được cơ sở sản xuất giò chả trên thửa đất thuê ở ngoại thành Hà Nội. Bệnh tình của con gái anh cũng đã thuyên giảm hẳn. Rồi tình yêu lại mỉm cười với anh khi có một cô gái làm thuê trong xưởng thật lòng yêu thương, thông cảm với cha con anh. Hai người tiến hành đăng ký kết hôn, làm đám cưới linh đình để anh em họ hàng, bà con làng xóm đến chia vui.
Biết tin, chị về làm rùm beng mọi chuyện, yêu cầu chính quyền địa phương xử lý kẻ “cướp chồng”. Tuy nhiên, sau đó chị đã đuối lý vì trước kia anh chị không đăng ký kết hôn. Chị quay ra chành chọe đòi nuôi con nhưng cháu bé về ở với mẹ vài hôm thì bệnh tình có nguy cơ tái phát do cháu toàn bị mẹ nhốt trong nhà một mình xem ti vi, chơi máy tính. Sau lần ấy, anh không đồng ý cho chị được đón con đi, cháu bé cũng không theo mẹ nên chị tức tối kiện ra tòa xin thay đổi người nuôi con.
Tòa phân tích rằng, hiện cháu bé đang có một cuộc sống ổn định, tốt nhất trong điều kiện có thể bên cạnh cha và bà nội, bởi vậy thiết nghĩ không nên thay đổi người nuôi con để xáo trộn cuộc sống của cháu, điều này sẽ không tốt cho tâm lý và sức khỏe của cháu. Hơn nữa, như nguyên đơn thừa nhận, ngoài tình cảm dành cho con thì tự thân chị cũng không thể lo cho con một cuộc sống chu toàn mà cần phải có sự chu cấp, hỗ trợ lớn từ cha cháu bé, điều này cha cháu bé lại không đáp ứng được.
Chưa kể, như chính chị thừa nhận, chị không có nhiều thời gian dành cho con nên khi ở cùng chị, cháu chỉ có thể làm bạn với máy vi tính, ti vi và các trò chơi điện tử, điều này hoàn toàn không có lợi cho một đứa trẻ bị tự kỷ. Từ những phân tích đó, Tòa bác yêu cầu xin thay đổi người nuôi con của nguyên đơn, tuyên tiếp tục giao cháu bé cho cha cháu nuôi dưỡng. Tòa cũng tuyên buộc nguyên đơn mỗi tháng phải đóng góp nuôi con 500 ngàn đồng.
“Số tiền này tuy không thấm tháp gì so với những chi phí hàng tháng lo chữa bệnh, học hành cho cháu, nhưng tôi vẫn yêu cầu cô ấy phải có nghĩa vụ đóng góp, chủ yếu để nhắc cho cô ấy nhớ rằng mình vẫn còn có một đứa con để yêu thương và trách nhiệm” - người chồng nói như phân trần với mọi người./.