Quái dị đạo “bất tạo con”
Sau ngày 30/4/1975, thấy Bến Tre không còn “hoằng pháp” được nữa, ông Đạo Dừa tìm đường vượt biên ra nước ngoài. Trên đường bỏ trốn ra nước ngoài, “Cậu Hai” bị bắt giam tại Cần Thơ.
Cuối năm 1985, ông được bảo lãnh. Sau khi được tự do, thấy đệ tử bá tánh đến thăm ngày càng đông, ông Đạo Dừa bắt đầu mưu đồ hoạt động trở lại. Nơi ở của ông biến thành nơi tu đạo, cũng thờ tượng Phật, Chúa gọi là “Hòa đồng Tôn giáo” rập khuôn như ở Cồn Phụng, mua ghe làm thuyền Bát Nhã và thỉnh thoảng ông Đạo Dừa dời xuống ghe “tu”.
Nơi thờ phụng ông cho đặt 2 ô: Một ô vàng và một ô bạc. Ai cúng vàng thì bỏ vào ô vàng, ai cúng tiền thỉ bỏ vào ô bạc. Số tiền, vàng này; ban đầu ông Đạo Dừa trích ra một phần tu sửa cầu đường ở 2 xã Phú An Hòa và An Phước và đòi chính quyền địa phương cho đặt tên đường mang tên ông là “đường Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam”.
Chính quyền không đồng ý, chỉ cấp bằng khen hộ Nguyễn Thành Nam có thiện chí đóng góp xây dựng nông thôn ở quê nhà. Không đáp ứng yêu cầu đặt tên đường, Nguyễn Thành Nam ngưng đóng góp, bắt đầu tổ chức hoạt động trái phép.
Ông Đạo Dừa mua ghe làm thuyền Bát Nhã , chính quyền địa phương không nói gì vì nghĩ ông chỉ dùng làm nơi tu hành. Thấy chính quyền địa phương không phản ứng, ông bắt đầu “lấn sân làm tới”, mua hệ thống máy móc trang bị loa phóng thanh và thành lập cái gọi là “Đài phát thanh Đạo Dừa”.
Ban đầu để thăm dò, ông Đạo Dừa chỉ phát kinh sáng tối, dần dà ông gọi là đài phát thanh, phát công khai ngày 3 buổi sáng, trưa, chiều; mỗi lần kéo dài cả tiếng đồng hồ. Mở đầu buổi phát thanh đều có câu: “Đây là đài phát thanh Phú An Hòa, tiếng nói của Hòa đồng Tôn giáo …”
Nội dung những buổi phát thanh là lời tuyên truyền về cái gọi là đạo “Bất tạo con”, xuyên tạc chính sách của Nhà nước. Ủy ban Nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đã ra quyết định ngưng toàn bộ hoạt động phát thanh của ông Đạo Dừa, tịch thu toàn bộ máy móc phương tiện, kiểm điểm những sai phạm của ông Đạo Dừa và một số tay chân thân cận như Huỳnh Thị Ứng (Diệu Ứng), Huỳnh Ngọc Mỹ.
|
Ông Đạo Dừa |
Sở dĩ ông Đạo Dừa thành lập “Đài phát thanh”, mục đích là truyền bá đạo “Bất tạo con”, một cái “đạo” kỳ quặc do ông Đạo Dừa sáng chế, trái với luân lý và thuần phong mỹ tục.
Theo ông Huỳnh Ngọc Mỹ, người được phân công tuyển lựa tín đồ theo đạo “Bất tạo con” tự thú về phương pháp dạy, hành đạo này: “Nam nữ trần truồng ở chung với Cậu Hai, ai phạm tội giao cấu bị phạt 10 năm tù hoặc tử hình”.
Di chúc quái gở đòi chôn đứng
Theo ông Dzoãn Tiến Đạt, “Cậu Hai” còn cùng một số đệ tử lén lút chạy ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang) để “hành đạo”, dạy đạo “Bất tạo con”, cùng những hoạt động mờ ám khác.
“Cậu Hai” cho biết việc dạy đạo “Bất tạo con” đã suy nghĩ nhiều từ năm 1970, nay mới có điều kiện thực hành (theo bà Diệu Ứng thì ông đã tính từ năm 1974).
Lý do “Cậu Hai” đến Kiên Giang theo cách nói công khai với một số tín đồ tại Cồn Phụng là đi tham quan 99 hòn đảo ở vịnh Thái Lan và kiếm đất lập chùa.
|
“Chùa” của ông Nguyễn Thành Nam tại Bến Tre |
Chính quyền tỉnh Kiên Giang đã phát hiện “Cậu Hai” cùng đệ tử cư trú, hoạt động trái phép nên kiên quyết trả ông về địa phương Bến Tre. Và trước việc làm sai trái về đạo “Bất tạo con”, một số lớn tín đồ của ông Đạo Dừa không còn tin ông nữa, ông bị cô lập quanh một số tín đồ tin cẩn. Ông thực hiện ý đồ bỏ trốn khỏi tỉnh Bến Tre.
Qua những việc làm vi phạm luật pháp sau ngày cải tạo về, chính quyền đã mời ông Nguyễn Thành Nam và một số đệ tử kiểm điểm trước nhân dân địa phương. Để hiểu rõ một phần những họat động của ông Đạo Dừa từ 30/4/1975 về sau, xin trích lời kiểm điểm của Dương Văn Hiếu, em cùng mẹ khác cha với ông Đạo Dừa, trước các đoàn thể, chính quyền huyện Châu Thành ngày 1/10/1988:
“Việc dạy đạo “Bất tạo con”: Từ năm 1974, anh Nam đã dạy đạo này ở cồn Phụng nhưng bị gia đình ngăn cản. Đến năm 1987, sau khi được tha 2 năm, anh Nam lại hô hào dạy đạo “Bất tạo con”, vận động bà con hiến con gái đến để anh dạy.
Chính tôi đã tự hiến con gái tôi. Kế đó là Hải, em tôi cũng hiến đứa con gái. Tôi biết còn 20 hộ gửi đơn đăng ký cho con cháu họ đến để anh Nam dạy đạo “Bất tạo con”.
Việc làm này chánh quyền không cho phép, gia đình có ngăn cản, nhưng anh Nam vẫn dạy đạo “Bất tạo con”, xâm phạm nhân phẩm phụ nữ, vi phạm thuần phong mỹ tục của người Việt Nam….”.
|
Nhiều người mê muội theo làm đệ tử Đạo Dừa |
Còn bà Diệu Ứng viết trong bản tự kiểm: “…Cậu Hai kêu gọi ủng hộ tiền bạc để xây dựng các công trình phúc lợi địa phương, nhưng Cậu đã dùng vào việc xây dựng chỗ dạy đạo “Bất tạo con”. Có hơn 30 người làm đơn đăng ký đến học đạo này. Ý đồ Cậu Hai đóng ghe dạy đạo “Bất tạo con” là rõ…”.
Vào đầu tháng 5/1990, một số đệ tử của ông Đạo Dừa ở Tiền Giang lén đưa ông qua Tiền Giang rồi về TP.HCM tá túc tại một ngôi chùa ở Phú Lâm, rồi lại đưa về lại Tiền Giang trốn trong nhà một đệ tử. Chiều 12/5/1990, công an Bến Tre cùng công an địa phương đến yêu cầu “Cậu Hai” trở về nơi cư trú cũ vì đã vi phạm lệnh cư trú bắt buộc, có hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan.
Một số người bảo vệ ông Đạo Dừa, bằng nhiều cách chống lại lực lượng đang thi hành nhiệm vụ. Họ đã níu kéo ông Đạo Dừa lại, để rơi ông ta từ trên gác xuống nền nhà, ông bị chấn thương nặng. Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng vì do chấn thương sọ và xuất huyết não quá nặng nên ông đã qua đời vào sáng hôm sau tại bệnh viện.
Ngày 31/10/1990, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã công khai xét xử những người chống người thi hành công vụ, dẫn đến cái chết của ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam, tuyên các bị cáo những bản án thích đáng.
Khi còn sống, ông Đạo Dừa đã để lại di chúc kỳ lạ: Nếu ông chết ngồi thì chôn nằm, chết nằm thì chôn đứng. Gia đình tôn trọng di chúc lạ đời này và đã xây một ngôi tháp thực hiện tâm nguyện “chôn đứng” của ông, khép lại cuộc đời một nhân vật khá kỳ lạ,với nhiều hành xử lạ đời gần nửa thế kỷ ở xứ dừa Bến Tre./.