Cha mẹ là tấm gương của con cái
Cha mẹ chính là những tấm gương lớn để con cái noi theo. Khi cha mẹ vượt đèn đỏ, con cái họ cũng sẽ học theo cách đó, vượt đèn đỏ. Vì vậy, việc làm gương cho con cái là hết sức quan trọng. Cha mẹ chính là người con cái tiếp xúc hàng ngày, vì vậy mọi cử chỉ hành động, lời nói của cha mẹ dường như trở thành quy chuẩn để con cái noi theo.
Trẻ em có năng lực quan sát và bắt chước hết sức đặc biệt , vậy nên mọi thứ diễn ra xung quanh đều được chúng ghi nhớ vào bộ não bé nhỏ một cách chi tiết nhất. Điều này cho thấy, cha mẹ hãy tự xây dựng cho mình một “hình tượng” hoàn hảo để con cái có thể soi vào đó và học tập theo.
Việc gương mẫu để làm gương cho con cái có ý nghĩa lớn trong việc giáo dục con cái. Khi cha mẹ gương mẫu, con cái sẽ tự khắc tôn trọng, lời nói của cha mẹ cũng trở nên có “sức nặng”. Những điều cha mẹ làm có ý nghĩa gấp nhiều lần so với những gì họ nói. Vì vậy hãy tự nghiêm khắc với bản thân trước khi nghiêm khắc với con cái chúng ta.
Là bạn của con
Cuộc sống hiện đại lấy đi của chúng ta quá nhiều thời gian. Công việc, bạn bè, xã hội và những thú vui đôi khi đã chiếm lĩnh hết quỹ thời gian để chúng ta dành cho gia đình. Cha mẹ nhiều khi không có thời gian đối thoại với con cái. Điều này có ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục và nắm bắt tâm lý của con cái. Cha mẹ hãy thôi nói và thử lắng nghe con cái họ nói. Như vậy khoảng cách giữa cha mẹ và con cái sẽ được rút ngắn.
Sau một ngày dài làm việc căng thẳng hãy coi việc đối thoại với con cái như một cách để cha mẹ giảm stress sau một ngày làm việc. Tự cho phép mình trở lại thế giới của con cái, trở thành bạn của con để lắng nghe và tâm sự cùng con. Những cuộc đối thoại thành công là những cuộc đối thoại bình đằng giữa người nghe và người nói. Người nói có quyền nghe và người nghe có quyền nói.
Mọi tâm tư tình cảm sẽ được giãi bày. Từ đó sẽ bồi đắp tình cảm cũng như khiến đối phương hiểu nhau hơn. Hãy học cách đối thoại với con cái một cách nghiêm túc. Vì chỉ có như vậy mới khiến cha mẹ thực sự trở thành bạn của con.
Điều này không chỉ có ý nghĩa với cha mẹ mà còn có ý nghĩa với con cái. Việc đối thoại thường xuyên giúp con cái không bị rơi vào sự cô đơn hay bế tắc, trầm cảm, giúp cho tâm lý con cái trở nên thoải mái.
Tôn trọng con cái
Đã là con người sinh ra là có quyền được tôn trọng. Hãy học cách tôn trọng con cái của mình từ việc học cách biết lắng nghe con. Khi bạn lắng nghe con cái mình, bạn sẽ học cách tự tôn trọng những suy nghĩ và quan điểm của con. Hãy tôn trọng những suy nghĩ, sở thích, quan điểm để bạn được gần gũi con hơn.
Khi con bạn mắc lối, đừng vội vã kết tội hay lên án, mà hãy ngồi xuống nói chuyện cùng con, để con được tự bày tỏ quan điểm của mình, tự phân tích và sửa sai. Đừng vội vàng áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, mà hãy để con tự do bày tỏ suy nghĩ và quan điểm của mình. Mạnh dạn sửa sai nếu con cái bạn giúp bạn chỉ ra lỗi sai ấy. Chấp nhận lỗi và sửa sai cũng chính là cách bạn tôn trọng con cái mình.
Đừng bao giờ xâm phạm quá sâu vào đời tư của con. Đừng lén đọc những dòng nhật ký của con vì nghĩa rằng nó sẽ giúp bạn hiểu con cái mình hơn. Thay vì lén đọc chúng bạn hãy quan sát và dành nhiều thời gian cho con hơn. Hãy học cách tôn trọng con bằng cách trao đổi và lắng nghe con. Đấy chính là cách giúp con bạn trưởng thành.
Không cầu toàn
Con người vốn không ai toàn diện. Chính vì vậy bạn đừng mong con cái mình phát triển một cách hoàn hảo mà hãy mong chúng phát triển một cách toàn diện. Ai cũng sẽ có điểm mạnh và điểm yếu. Vì vậy hãy chỉ ra cho con bạn cách phát huy những ưu điểm của mình để che mờ đi những khuyết điểm. Đừng cố bắt chúng thay đổi hay khắc phục những yếu điểm ấy, mà hãy dạy chúng cách làm lu mờ những yếu điểm trong vô số những ưu điểm mà chúng có.
Rất nhiều gia đình cầu toàn trong cách dạy con cái, ép con việc gì cũng phải hoàn thành xuất sắc, vô hình chung điều này đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của con cái. Ngoài tâm lý để nhìn cuộc sống một cách cầu toàn, con cái dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, trầm cảm, đánh mất đi chính mình.
Đừng kỳ vọng quá mức
Việc kỳ vọng quá mức vào con cái sẽ khiến con cái bạn trở nên áp lực và căng thẳng. Bạn hãy đặt ra những kỳ vọng nhất định trong khả năng cho phép của con cái mình. Đừng ép buộc con làm theo sự kỳ vọng của bạn. Thay vào đó hãy tìm hiểu và giúp con phát huy khả năng của mình.
Đặt niềm tin ở con
Ngoài việc lắng nghe con, bạn hãy học cách tin tưởng con. Việc cha mẹ đặt lòng tin vào con cái sẽ là nguồn động viên tinh thần lớn cho con cái của mình. Khi con cái cần bạn lắng nghe về ý tưởng kinh doanh mới của mình, bạn hãy nghiêm túc lắng nghe và cổ vũ chúng bằng lòng tin của bạn về chúng.
Trong cuộc sống, môi trường giáo dục gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi người từ khi sinh ra đến tận lúc trưởng thành. Nếu gia đình nào có tác động tích cực đến con cái thì phần lớn con cái đều trưởng thành và tự tin trong cuộc sống.
Ngược lại, có những cách giáo dục sai lầm làm cho con cái trì trệ, dựa dẫm và không thể tự "đứng" trên đôi chân của chính mình, thậm chí còn làm hư hỏng con cái mình.
Giáo dục trong gia đình đúng cách sẽ "cung cấp" cho xã hội nhiều con người "tích cực". Hãy góp phần xây dựng một xã hội phát triển từ chính gia đình mình. Bởi gia đình là tế bào của xã hội.