Những trò chơi đặc sắc vùng cao
Nam thanh, nữ tú các dân tộc Mông, Dao… đều rất mê bắn nỏ. Trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia. Trong cuộc sống, người dân làm cây nỏ để rèn luyện sức khoẻ, bắn chim, săn thú.
Nó cũng trở thành vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Trong mỗi cuộc chơi của thanh niên bản, môn bắn nỏ có nhiều cách chơi phong phú như bắn trúng đích xa, gần. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khoẻ, đôi mắt tinh nhanh.
Đua ngựa cũng là môn thể thao không thể thiếu tại vùng cao. Trò đua ngựa ở miền núi thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt. Cuộc đua ngựa được cả làng háo hức mong chờ. Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua.
Những chàng trai cũng chọn cho mình một con ngựa tốt, móng đẹp, răng khoẻ, chạy êm để chăm sóc đưa vào cuộc đua. Có nhiều hình thức đua tuỳ theo số người, số ngựa như vừa phi ngựa vừa bắn cung bắn nỏ vào mục tiêu cố định hay di động, hoặc soải mình với lấy một vật dưới đất. Quà tặng cho người thắng cuộc không nhiều, có thể chỉ là vài chén rượu, lời khen, sự kính nể.
Với đồng bào La Chí (một trong những dân tộc đầu tiên ở Hoàng Su Phì- Hà Giang) thì trò chơi dân gian độc đáo đặc trưng là đu quay. Trò chơi này không chỉ đáp ứng như cầu vui chơi giải trí mà chính là cách thức thực hành, biểu hiện các tín ngưỡng dân gian của dân tộc La Chí.
Đu quay là trò chơi mang tính nghi lễ, khi dựng cột đu, thầy cúng phải thực hiện các công đoạn từ dựng cột trụ, lắp thân đu quay, rồi đưa lá cây biểu tượng cho thần rừng chứng kiến, sau đó mọi người mới bắt đầu chơi. Người chơi có thể ngồi trên sóng cầu đu hoặc dùng hai tay bám vào sóng cầu đu, áp phần bụng dựa vào sóng cầu đu.
Chiếc đu quay theo chiều ngược kim đồng hồ, lúc lên cao, lúc lại hạ xuống thấp nhịp nhàng. Nếu như bên nào không chịu được phải xuống coi như chịu thua. Nếu cả hai bên không có ai bị rơi xuống thì đấy là dấu hiệu cho một năm mới bình an, dân bản làm ăn gặp nhiều may mắn…
Có đặc điểm chung là các trò chơi truyền thống không đòi hỏi nhiều về kỹ thuật, dễ tập, dễ chơi, các môn thể thao không nặng về ganh đua, tranh giành quyết liệt mà mang ý nghĩa giải trí, tăng cường tinh thần đoàn kết nhiều hơn.
Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, lo ngại các môn thể thao dân tộc đang có nguy cơ mai một, những năm qua, các tỉnh, thành đã tổ chức ngày hội thể thao, giải đua thu hút nhiều vận động viên người dân tộc tham gia.
Bảo tồn, phát huy qua các lễ hội, giải đấu
Năm 2020, Giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà lần thứ 14 mở rộng do UBND huyện Bắc Hà tổ chức dự kiến diễn ra từ ngày 30 - 31/5/2020. Ngoài các vận động viên ở Lào Cai, các vận động viên huyện Văn Trấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải (Yên Bái); huyện Hàm Yên (Tuyên Quang); các huyện Sín Mần, Bắc Quang (Hà Giang) và huyện Phù Yên (Sơn La) đều đăng ký tham gia tranh tài.
Trước đó, ngày 16 và 17/2/2019, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Lễ hội văn hóa thể thao các dân tộc phía Bắc tại xã Cư Elang với sự tham gia của gần 300 vận động viên, diễn viên, nghệ nhân thuộc 9 thôn, buôn của xã Cư Elang; Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện và các xã Ea Sar, Ea Sô, Ea Ô, Cư Prông và xã Ea Păl.
Tại Lễ hội, các vận động viên, diễn viên, nghệ nhân đã tham gia giao lưu, thi đấu với nhiều nội dung, hoạt động văn hóa dân gian mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc phía Bắc như: Nhảy bao bố, kéo co nam - nữ; thi ẩm thực, làm bánh, ném còn, đánh cù, lày cỏ,
Cuối tháng 8/2019, tỉnh Bắc Kạn đã đăng cai tổ chức Hội thi Thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XI, khu vực I năm 2019 với sự tham gia của 19 đoàn với gần 700 vận động viên là người dân tộc thiểu số đến từ các tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị. Các vận động viên tranh 51 bộ huy chương trong các môn thi đấu của Hội thi gồm: Bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, tung còn và tu lu…
Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đồng bào Chăm toàn quốc lần thứ V-2019 được tổ chức tại tỉnh Phú Yên, với chủ đề "Bảo tồn văn hóa dân tộc Chăm gắn với phát triển du lịch". Ngày hội thu hút gần 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng… đến từ 9 tỉnh, thành phố khu vực Nam Bộ và Nam Trung Bộ, gồm: Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Phước, An Giang, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Tại các lễ hội thể thao, giải đua, tinh thần đoàn kết và tình yêu thể thao luôn cháy bỏng trong mỗi vận động viên, cổ động viên. Trên các sàn đấu, các vận động viên đều tập trung say mê thi đấu. Bên ngoài sàn đấu, dân làng, cổ động viên, du khách cuồng nhiệt cổ vũ.
Việc gìn giữ các môn thể thao dân tộc không chỉ là câu chuyện của mỗi cộng đồng mà còn được luật hóa. Điều 17 Luật Thể dục, Thể thao năm 2006 có quy định về các môn thể thao dân tộc, theo đó Nhà nước có chính sách bảo vệ và phát huy các môn thể thao dân tộc theo quy định của Luật Di sản văn hoá và Luật này; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác và phát triển các môn thể thao dân tộc, chú trọng các loại hình thể thao của các dân tộc thiểu số. Cơ quan quản lý nhà nước về thể dục thể thao có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn tập luyện, biểu diễn và thi đấu các môn thể thao dân tộc; phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến các môn thể thao dân tộc ra nước ngoài.
Trao đổi về vấn đề bảo tồn các môn thể thao dân tộc, ông Nguyễn Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể dục và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Bắc Kạn là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa đặc trưng và môn thể thao được yêu thích. Hầu hết các môn thể thao dân tộc đều được chơi theo hình thức tập thể, vì vậy thường được tổ chức giao lưu, thi đấu vào các dịp lễ, hội với sự tham gia cổ vũ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Qua những hội thi không chỉ mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc, mà còn là nguồn động viên khích lệ người dân rèn luyện sức khỏe để lao động sản xuất và học tập. Đặc biệt, các lễ hội, giải đấu ấy góp phần bảo tồn và phát triển các môn thể thao dân tộc, nét văn hóa quý giá của người dân vùng cao bao đời để lại”.