Giữ bản sắc lễ hội bảo vệ cội nguồn dân tộc

(PLO) - Những ngày này, các lễ hội đang tưng bừng diễn ra trên mọi miền Tổ quốc, thu hút người dân vào những hoạt động văn hóa, tâm linh cộng đồng. Dù quy mô khác nhau, các lễ hội đều là những nét đẹp trong truyền thống văn hóa của người Việt. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Song trước những “cơn lốc” của thị trường hội nhập, yêu cầu đảm bảo văn minh, văn hóa lành mạnh, tránh những biểu hiện lệch chuẩn lệch lạc và trục lợi của lễ hội vẫn là vấn đề nhức nhối vào mỗi mùa lễ hội dịp Tết đến, Xuân về...

Không để “thương mại hóa” lễ hội 

Báo cáo tại Hội nghị Tổng kết đánh giá công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016 và phương hướng nhiệm vụ 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở Trịnh Thị Thủy đã thừa nhận có hiện tượng phục dựng lễ hội tràn lan, lợi dụng lễ hội để trục lợi.

Nổi bật nhất là nhiều nơi thi nhau tổ chức lễ hội chọi trâu bằng cách gọi “Hội thi trâu khỏe” dù Chính phủ và Bộ VHTT&DL có văn bản yêu cầu dừng các lễ hội không phải truyền thống này như ở Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La rồi cả Bình Phước…

Tại những lễ hội này, yếu tố “trục lợi lễ hội” thể hiện rất rõ qua việc vé vào xem và thịt trâu sau hội được bán với giá cao ngất ngưởng, trong khi vì người tiêu dùng không thể phân biệt được trâu chọi với trâu thường, đem lại lợi nhuận cho một số người lợi dụng lễ hội. Vì thế, từ năm 2017, “Bộ nói rõ quan điểm: không có chuyện thương mại hóa lễ hội” - bà Trịnh Thị Thủy cho biết. 

Vì thế, năm 2017, một số lễ hội chọi trâu và cả những lễ hội chọi chó, dê, đấu ngựa sẽ không được cấp phép tổ chức vì đều là hình thức biến tướng lễ hội, thu hút bạo lực. Đồng thời, “Khắc phục tình trạng bạo lực, phản cảm tại lễ hội” cũng là một trong những yêu cầu mà Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện với các địa phương trước thềm các lễ hội năm 2017. 

Với một số lễ hội có hoạt động tranh cướp như Đả cầu cướp phết (huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc), Lễ hội cướp phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, Phú Thọ), hay có nghi thức cướp giò hoa tre như ở Hội Gióng (Hà Nội), Bộ đã yêu cầu Ban Tổ chức phải có biện pháp tổ chức hợp lý; những làng tham gia nghi thức này sẽ được may trang phục và thực hiện hành động “tranh cướp” giống như một trò chơi chứ không để xảy ra tình trạng tranh cướp tự phát, làm phát sinh hành động có tính bạo lực của những người dự hội. 

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ thông báo ở lễ hội đầu năm 2017 có giải pháp dùng hàng rào phân biệt khách tham dự và người cướp phết để ngăn cản các hành vi bạo lực, xảy ra ẩu đả và mất kiểm soát tại lễ hội, để tranh phết trong trật tự, đúng bản chất văn hóa của một nghi thức đẹp lâu đời. 

Ngoài ra, đại diện Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho biết: “Bộ đã chỉ đạo các địa phương rà soát các lễ hội có tục “hiến sinh”, trong đó đặc biệt quan tâm vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong lễ hội, loại bỏ những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp. Đồng thời, các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của người dân, nhà quản lý, các nhà khoa học để tìm các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, giảm bớt những tập tục không còn phù hợp”.

Theo Ban Tổ chức Lễ Cầu Trâu (của xã Xuân Quang, Hương Nha, huyện Tam Nông, Phú Thọ), khi tổ chức lễ hội trong thời gian tới cũng đã nhất trí không tổ chức đập đầu trâu cho đến chết, mà sẽ thay thế bằng hình thức khác phù hợp. Trước mùa lễ hội năm nay, một số tập tục “chém lợn” như ở Lễ hội Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (Bắc Ninh), “Tế trâu” tại lễ hội đền Pu Nhạ, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)... đã được chính quyền và người dân các địa phương thay đổi hình thức tổ chức, giảm bớt những hình ảnh bạo lực.

Bà Trịnh Thị Thủy còn chỉ rõ, cùng với yếu tố bạo lực cần loại bỏ khỏi các lễ hội đầu năm, còn có những hiện tượng phổ biến như việc thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hoá trong lễ hội chưa cao, việc kinh doanh dịch vụ tại lễ hội còn lộn xộn; hiện tượng thắp hương không đúng quy định, gây nguy cơ cháy nổ; đổi tiền lẻ, đốt vàng mã, ăn mặc phản cảm, khấn thuê, chèo kéo khách, móc túi, ăn xin, bố trí hàng quán trong di tích gây mất mỹ quan, cản trở giao thông, phí trông giữ ô tô, xe máy, xe đạp có nơi chưa đúng quy định; tình trạng xả rác bừa bãi vẫn còn diễn ra. Những điều này đã gây phản cảm, mất mỹ quan ở một số lễ hội...

Chấn chỉnh lễ hội phải từ nhận thức

Nhằm phát huy những mặt mạnh, khắc phục những tồn tại trên, các địa phương đã tích cực cùng Bộ VHTT&DL đảm bảo cho công tác tổ chức lễ hội 2017 vui tươi, giàu bản sắc, an toàn và lành mạnh, kiên quyết không để tái diễn các tệ nạn, không để bị nêu danh trên báo chí cả nước là những điển hình tiêu cực. 

Văn bản chỉ đạo của UBND các tỉnh, TP về công tác tổ chức lễ hội đều yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017; giao cho các quận, huyện, thị xã kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức phần lễ và phần hội; xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; giữ gìn và bảo vệ các di tích; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, cờ bạc dưới mọi hình thức. UBND các tỉnh, TP cũng yêu cầu xử lý triệt để các hành vi vi phạm về kinh doanh ăn uống, có giải pháp phù hợp để bảo vệ môi trường, có chế tài xử phạt các hành vi xả rác thải tại lễ hội… 

Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL cho biết, Thanh tra Bộ sẽ kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm tại những lễ hội để xảy ra hành vi phản cảm. Đặc biệt, nếu có chế tài xử phạt thì người vi phạm sẽ bị xử lý như nhau, không phân biệt cán bộ, đảng viên, công chức hay dân thường… Bởi lẽ, cán bộ, đảng viên khi đến lễ hội thì phải có ý thức am hiểu pháp luật, nắm rõ các quy định của Đảng, Nhà nước; nắm được nội dung thực hiện nếp sống văn minh nơi di tích, lễ hội; thậm chí khi thấy người dân chưa làm đúng, phải gương mẫu nhắc nhở.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên chuyên trang Phapluatplus.vn của Báo PLVN, trong 2 ngày 31/1 - 1/2/2017, một Lễ hội chọi trâu không phép vẫn được tổ chức rầm rộ tại thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang với sự tham dự của hàng vạn người từ khắp nơi nô nức kéo về xem hội, kéo theo đó là các hình thức cờ bạc núp bóng trò chơi mặc sức hoành hành.

Trao đổi với phóng viên Phapluatplus.vn, bà Khúc Thị Thủy - Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết: Toàn bộ việc tổ chức lễ hội là do ông Nguyễn Bách Hải - Giám đốc hợp tác xã Phúc Ninh thực hiện, chứ xã không đứng ra, nên về vấn đề giấy tờ thủ tục cho phép chọi trâu, thì gặp trực tiếp ông Hải. Tuy nhiên, chính ông Nguyễn Bách Hải lại khẳng định: “Lễ hội chọi trâu này được tỉnh cấp phép mấy năm nay đã thành truyền thống” (?!).

Và ngay vào ngày khai hội Chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) sáng mùng 6 tháng giêng (2/2/2017) – một trong những lễ hội tâm linh lớn nhất trong cả nước, tại khuôn viên chùa Thiên Trù cảnh tranh giành “cướp” lộc đã diễn ra khi sư thầy phát tặng các vòng chỉ đỏ có gắn ngọc in chìm tượng phật. Điều đáng nói là cảnh “cướp lộc” diễn ra ngay sau khi kết thúc lễ khai hội có sự tham dự của lãnh đạo sở, ban, ngành TP Hà Nội, lãnh đạo huyện Mỹ Đức cùng hàng ngàn phật tử và du khách thập phương.

Mặc dù Ban Tổ chức phủ nhận thông tin về chuyện tranh cướp lộc ở lễ hội, nhưng ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VHTT TP Hà Nội trực tiếp có mặt tại buổi khai hội chùa Hương 2017 cho biết, so với nhiều lễ hội thì hình ảnh tranh giành lộc như trên không quá phản cảm nhưng cũng cần xem xét lại. Nếu phản cảm thì phải rút kinh nghiệm bởi mọi năm không có chuyện như trên xảy ra.

Rồi cảnh nhốn nháo khi thanh niên lao vào cướp hoa tre tại Lễ hội Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội) 2017 khiến nhiều độc giả phải bày tỏ sự bất bình trước quan niệm mê tín “cướp lộc để có lộc” của những người tham dự lễ hội này. Theo các độc giả, “đi làm là có ăn không sợ đói. Cướp cái đó (hoa tre tại Lễ hội Đền Gióng – PV) mà nằm ở nhà không làm thử có ăn không mà giành nhau thấy sợ. Không hiểu sao trong thời đại này rồi mà vẫn còn tồn tại nhiều người mê tín. Đúng là chẳng có tí văn hóa nào”.

Điều này cho thấy, từ văn bản chỉ đạo đến thực hiện tại cơ sở là một khoảng cách chỉ có thể rút ngắn nếu cán bộ, nhân dân có nhận thức đúng đắn về lễ hội cũng như trách nhiệm khi tham gia lễ hội và có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương đối với các hoạt động văn hóa trên địa bàn mới kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm quy định về tổ chức lễ hội. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng cho rằng, trước hết, cần phải tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của những người tổ chức lễ hội cũng như người dân đến tham gia lễ hội về mục đích, ý nghĩa của lễ hội.

Các Sở VHTT&DL, các Sở VHTT phải tập trung chấn chỉnh hoạt động của lễ hội trong năm 2017, phải giảm dần và chấm dứt các lễ hội phản cảm, bạo lực. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát các hành vi lợi dụng lễ hội, lợi dụng di tích để trục lợi, mê tín dị đoan, cờ bạc... nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm minh.

Còn TS. Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia nhận định, khi vai trò của cộng đồng được đề cao và cán bộ quản lý địa phương hiểu biết về văn hóa, kết nối chặt chẽ với cộng đồng, công tâm và gương mẫu trong thực hiện thì lễ hội nơi ấy được tổ chức tốt, mang ý nghĩa giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cộng đồng. Mô hình kết hợp chặt chẽ giữa ba yếu tố cộng đồng, nhà khoa học và cơ quan quản lý trong việc tổ chức sẽ bảo đảm cho lễ hội phát huy được các giá trị tốt đẹp, không sai lệch.

Việc triển khai tổ chức tốt mùa lễ hội Xuân không những sẽ góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan và thưởng ngoạn của nhân dân và du khách mà còn góp phần tạo dựng nếp sống văn minh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam bền vững.

Đọc thêm