Mấy năm gần đây, nghề làm hương trầm không còn thịnh nhưng vẫn còn những người luôn tâm huyết với nghề. Đó không hẳn vì kinh tế mà họ muốn gìn giữ nét văn hóa của quê hương, níu giữ hồn quê xứ Quỳnh.
Bí quyết riêng làm hương trầm
Xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) không những được biết đến là quê hương của Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương. Đây còn được biết đến là mảnh đất địa linh nhân kiệt sản sinh nhiều danh nhân và truyền thống khoa bảng lâu đời. Làng quê này cũng là nơi sản xuất hương trầm nổi tiếng được nhiều người biết đến vào những dịp cuối năm, tết đến.
Không ai biết chính xác hương trầm ở Quỳnh Đôi có từ bao giờ. Những bậc cao niên chỉ biết rằng, lớn lên họ đã thấy nhiều người làm hương trầm vào dịp Tết và gửi thấy mùi hương ngày đầu năm mới. Ông Hồ Quốc Việt - Trưởng làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi chia sẻ, theo cha ông để lại, nghề hương ở làng có lâu lắm rồi, nhưng vì không có ông tổ nghề nên chẳng ai nhớ cụ thể vào năm nào. Người làng chỉ ước chừng hương trầm xuất hiện vào cuối thế kỷ 17.
Theo ông Việt, Quỳnh Đôi là một trong những cái nôi làm hương trầm sớm của cả nước. Người làng làm hương trầm để thắp từ hàng trăm năm trước, tuy nhiên đến cuối năm 2012 mới thành lập làng nghề. Cũng từ mốc thời gian đó, hương trầm quê hương Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương càng nổi tiếng không chỉ ở xứ Nghệ mà cả nước.
|
Ông Hồ Quốc Việt - Trưởng làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi chia sẻ về những khó khăn của nghề. |
Để đảm bảo hàng cung ứng cho thị trường dịp Tết Nguyên Đán, người dân làng Quỳnh bắt đầu làm từ tháng 9 (âm lịch) cho đến Tết. Thời điểm này, những người thợ ưu tú tập trung làm việc để cho ra que hương đẹp, có mùi hương đặc trưng của làng nghề.
Ông Hồ Quốc Việt bật mí, trầm làng Quỳnh có mùi thơm đặc trưng với 16 vị. Một que trầm là sự kết tinh của nhiều nguyên liệu như bột mía, bột hương lâu và các vị thảo dược quý như: hoa hồi, thảo quả, đinh hương, quế chi, rễ tế tân, sinh địa, thục địa....
Để có một que hương thắp ngày Tết, cần rất nhiều thời gian, nhiều công đoạn. Trừ một số nguyên liệu mua sẵn như giấy bản, việc sơ chế các nguyên liệu như mía, rễ hương lâu, các vị thảo dược làng Quỳnh chủ yếu làm theo phương pháp thủ công.Chu hương chủ yếu dùng nứa có sẵn ở địa phương, chẻ nhỏ làm chu. Nứa ngâm nước, đến dịp hè, tiết nắng nóng được chẻ bỏ phần vỏ ngoài, phần ruột trong được chẻ nhỏ làm chu, đây là phần vừa dẻo, vừa mềm và dễ cháy.
|
Thời gian cao điểm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết, nhiều hộ sản xuất hương trầm ở làng Quỳnh làm việc ngày đêm. |
Sau khi chẻ xong, chu được người dân nơi đây nhuộm phẩm đỏ từ 15-20 cm để làm chân hương, rồi phơi sương, phơi nắng để chu khô. Nhờ bí quyết không dùng đến hóa chất mà hương Quỳnh Đôi luôn cháy đều, tàn hương sau khi cháy còn nguyên, uốn cong rất đẹp.Cũng theo trưởng làng nghề hương trầm Quỳnh Đôi, để búp hương đạt chuẩn, họ phải pha trộn gia vị theo tỷ lệ chuẩn.
Để làm nên bột trầm người làng Quỳnh phải dùng đến cả mười đầu ngón tay phối trộn thật đều tất cả những thứ bột ấy lại với nhau, rồi gói ghém cất đặt cẩn thận để lưu giữ mùi hương. Mỗi gia đình làm trầm ở làng Quỳnh sở hữu một bí quyết pha chế riêng. Chính vì vậy mỗi loại trầm ở đây có một mùi hương đặc trưng.
Khi đã chuẩn bị bột trầm xong, người ta chỉ việc rải một lớp bột trầm chạy dọc khuôn giấy đã cắt sẵn, rồi bắt đầu vấn sao cho dải giấy trắng mỏng thật kín mép, tạo thành một lớp vỏ cố định bột trầm ôm lấy thân chu hương. Cuối cùng trầm được đóng thành búp, mỗi búp nhỏ mười que, mỗi búp lớn gồm 10 búp nhỏ...Sau đó, trầm làng Quỳnh được đưa đi nhiều ngã đường, trong đó có thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Vinh…
Lưu giữ hồn trầm làng Quỳnh
Giai đoạn thịnh vượng, trầm làng Quỳnh có nhiều hộ theo nghề. Những năm gần đây, do nguyên liệu đầu vào cao, giá bán thấp nên nhiều hộkhông còn mặn mà với việc làm hương trầm. Ông Hồ Sỹ Lực (SN 1955), trú xóm 4, Quỳnh Đôichủ cơ sở sản xuất Trần Tiến Đạt cho biết: năm nay có những nguyên liệu đắt gấp 4 lần năm trước. Chi phí đầu vào cao nên tính ra lãi suất một que hương không nhiều. “Là đời thứ 3 trong gia đình làm hương trầm nên giờ đây chúng tôi theo nghề không hẳn vì kinh tế mà để lưu giữ nghề của cha ông, cũng là nét đẹp văn hóa của làng quê”, ông Lực cho biết.
Cũng như ông Lực, gia đình ông Việt có nhiều năm gắn bó với nghề làm hương trầm với mục đích lớn nhất để giữ gìn nét văn hóa của làng quê. Ông Việt cho hay, nhiều nhiều hộ gia đình duy trì việc làm hương trầm một phần vì muốn giữ gìn nét văn hóa của làng quê dù sản lượng giảm. Theo ông Việt, dịp Tết năm 2020, làng Quỳnh cho ra thị trường khoảng 300.000 que hương các loại. Để chuẩn bị cung ứng thị trường cho dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 các hộ làm nghề đang tập trung nhân công để làm việc.
|
Hương trầm làng Quỳnh sản xuất theo lối truyền thống, hương liệu hoàn toàn tự nhiên. |
Ngoài cơ sở trầm của ông Việt, Quỳnh Đôi còn nhiều cơ sở sản xuất trầm nổi tiếng như Hiếu Nghĩa, Tiến Đạt, Thành Tâm, Phúc Lộc... mà mỗi thứ trầm lại cho ra một mùi vị rất đặc trưng theo bí quyết riêng của mỗi gia đình mỗi năm cũng sản xuất hàng chục vạn que hương.
Ngày nay, rất nhiều địa phương sản xuất hương trầm để cung ứng cho thị trường dịp tết. Hương trầm Quỳnh Đôi phải lao vào cuộc cạnh tranh quyết liệt. Dẫu vậy, những người tâm huyết với nghiệp làm trầm ở Quỳnh Đôi vẫn lặng lẽ chắt chiu giọt tinh túy đất trời, cây cỏ để lưu giữ hồn trầm.
Họ làm trầm như chính là để dâng lên gia tiên của mình, để cái tâm thành kính hướng về nguồn cội.Hương trầm Quỳnh Đôi thắp lên để hậu thế bày tỏ lòng thành kính của mình trước gia tiên. Hương trầm ngày tết như món ăn tinh thần, thú chơi thanh tao nho nhã và là sản phẩm giàu giá trị tâm linh.
Tết đến xuân về, bên cạnh mâm ngũ quả, nồi bánh chưng xanh thì mỗi gia đình Việt Nam đều có thêm những búp hương trầm để vị tết thêm đậm đà hơn. Và hương trầm làng Quỳnh đã góp phần làm nên hương vị tết Việt đậm bản sắc ở nhiều vùng quê trên cả nước.