Theo phản ánh, các hộ dân ở đây đều sử dụng nguồn nước do Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Ba Đình thuộc Công ty TNHH một thành viên nước sạch Hà Nội (số 44, đường Yên Phụ) cung ứng. Nhưng 5 năm nay, tháng nào cũng mất vài ngày nước bẩn, đặc biệt thời gian từ đầu tháng 9 đến nay, chưa ngày nào có nước sạch.
Mỗi tháng vài ngày nước “dở chứng”
Ngay tại thời điểm phóng viên đến nhà người dân cũng chứng kiến nguồn nước đục ngầu màu bã trầu, xả nước vào xô để vài phút đã có cặn bám đáy xô, nước còn bốc mùi hôi.
Chị Nguyễn Thị Minh Thu (42 tuổi, ở khu tập thể A4, Thủ Lệ 2) làm nghề bán thịt tại chợ cóc khu dân cư bức xúc cho biết: Cách đây khoảng 5 năm, công ty kinh doanh nước sạch sửa chữa lại đường ống nước, từ đó đến nay, mỗi tháng nước lại bẩn vài ngày. Lần này nước đục, mọi người cũng đoán do xí nghiệp cung cấp nước sửa chữa hay đánh bể chứa nước. Nhưng tình trạng kéo dài, ngày nào cũng như ngày nào, nước hôm thì vàng, hôm thì màu bã trầu đục ngầu. Người dân hoang mang không biết khi nào mới có nước sạch để sử dụng.
Như chị làm nghề bán thịt, cuộc sống mưu sinh kiếm từng đồng buôn bán qua ngày, không thể ngày nào cũng bỏ tiền mua nước đóng bình để rửa thịt cho khách, hết cả lãi lời. Nhưng không mua cũng không được, khách nhìn thấy rửa thịt bằng nước bẩn thì “chạy mất dép”, lần sau chưa chắc dám quay lại. Vì thế, thời gian này, ngoài ngóng khách để buôn bán, chị còn thêm việc nữa là chờ lấy nước, hứng xô, canh hàng giờ chờ nước lắng xuống để lọc lấy nước trong để sử dụng.
Nước bẩn kéo dài, xô chậu đắt hàng
Chị Đỗ Thị Thu Thuỷ (42 tuổi, nhà số 58, ngõ 9 Đào Tấn, Thủ Lệ 2), gia đình có cửa hàng bán tạp hoá ngay đầu chợ cóc. Những ngày qua gia đình chị cũng như cả trăm hộ dân nơi đây phải “sống chung với lũ” - nước sinh hoạt bẩn. “Sống giữa lòng thủ đô mà lúc nào cũng phải lấy xô hứng, chứa, chờ nước lắng sạch mới có thể sử dụng”, chị nói. Riêng tiệm tạp hoá nhà chị hai tuần nay lại bất ngờ “ăn nên làm ra” bởi người dân nơi đây liên tục mua chổi cọ để về rửa bể chứa nước trong nhà.
Theo chị, như mọi khi, hàng tháng nước vẫn có những ngày bẩn nên người dân coi đó là bình thường. Nhưng qua hàng chục ngày vẫn thấy nước chưa sạch, mọi người lại tưởng bể chứa nhà mình bẩn nên tức tốc đi mua chổi cọ bể chứa nước trong nhà. Như ngay nhà chị, hôm trước vừa cọ, hôm sau xả nước ra mầu như mầu bã trầu, đành cọ lại bể tiếp. Cứ thế những ngày tiếp diễn với công cuộc cọ bẩn, bẩn cọ…
Hàng ngày gia đình chị phải hứng nước từ sáng sớm ra từng xô nhỏ để lắng hết cặn bẩn, chắt nước trong cất vào xô để dùng nấu ăn uống trong gia đình. Còn tắm giặt thì đành chịu dùng nước bẩn.
Xô nước chắt lọc để dành nấu nước sinh hoạt nhà chị Thuỷ |
Chị Nguyễn Thị Kim Dung (41 tuổi, nhà số 62 ngõ 9 Đào Tấn, Thủ lệ 2) ngán ngẩm kể: Có hôm chị xả nước ra cọ sàn nhà, thấy nền nhà đang trắng trở nên vàng tưởng mình hoa mắt, nhìn kỹ thì do nước bẩn, ngoài váng ra còn đủ loại cặn bẩn… Những đứa trẻ nơi đây đi học quần áo màu cháo lòng bởi được giặt từ một nguồn nước bẩn. Chẳng những thế, trong hai tuần nay, một số đứa trẻ khu dân cư này bị hiện tượng đau mắt đỏ hàng loạt, bà con nghi ngờ do nguồn nước bẩn tạo nên.
Quán phở “còm” mất nửa triệu một ngày mua nước sạch
Cụ bà Nguyễn Thị Luận (72 tuổi) chia sẻ: Vợ chồng con gái bà mở một hàng phở giữa ngõ này, những ngày qua phải chịu khá nhiều tổn thất vì không có nước sạch để làm hàng kinh doanh. Bán phở cũng không thể mua nước bình về sử dụng. Đơn giản mỗi bình nước đóng chai cỡ lớn 19 lít nước cũng khoảng 50 nghìn/bình, một ngày bán hàng hết khoảng chục bình, chưa nói đến không thể dùng nước bẩn để rửa bát.
Tính sơ sơ như thế mỗi ngày mất tới nửa triệu bạc, cụt cả vốn. Vậy nên gia đình bà đành học theo phương pháp dân gian là hứng nước vào thùng, sau đó mua phèn chua về hoà tan đánh cho nước trong lên, chờ tới khi cặn bẩn lắng xuống đáy, lấy gáo múc nước trong để sử dụng cho cả việc nấu phở cũng như rửa bát.
Những tưởng cách dùng phèn chua này chỉ là một phương pháp “cấp cứu” xử lý nước cho những vùng dân sau lũ lụt, vùng nước bị ô nhiễm nặng, nhưng nay nó vẫn phát huy tác dụng ngay giữa lòng thủ đô. Hàng ngày các bà con ở khu phố này vẫn phải làm như vậy để có được nước sạch sử dụng.
Đường dây nóng nhà máy nước cả tháng không trả lời
Những ngày qua, rất nhiều hộ dân nơi đây điện thoại phản ánh theo số điện thoại hướng dẫn ghi trên hoá đơn tiền nước. Nhưng tất cả câu trả lời chỉ là cố gắng khắc phục, thậm chí “đẩy” cho số khác để người dân liên hệ nhưng gọi không được. Sau mỗi lần phản ánh, bà còn đều chờ đợi nhà máy nước phản hồi nhưng vẫn bặt vô âm tín. Nước vẫn bẩn hết ngày này qua ngày khác.
Một người dân trong khu vực cho biết, bà con nơi đây tháng nào cũng đều đặn trả tiền nước sạch theo giá kinh doanh của công ty, nhưng bỏ tiền mua nước sạch lại nhận về nước bẩn, không đảm bảo chất lượng. Sự vô trách nhiệm của công ty kinh doanh nước sạch kiến cho bà con khốn khổ, không có nước đảm bảo để ăn uống sinh hoạt, chưa kể nguồn nước bẩn này còn là nguyên nhân gây nhiều loại bệnh.