Cảm động cảnh cha điên lượm ve chai nuôi con

(PLO) - “Chú ấy lên cơn rồi, mấy người buộc chú vào gốc cây nhanh lên” - một chị bán nước trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội hét lên. Lập tức 4 - 5 người cầm dây thừng trói một người đàn ông khuyết tật đi lượm ve chai vào một gốc cây, chừng 15 phút sau mới thả ra. Đấy là ấn tượng đầu tiên về ông Phạm Thanh Hải - một người cha có nghị lực sống mạnh mẽ nhất mà tôi từng gặp.
Ngày ngày, ông Hải vẫn lê thân tàn bên dòng người xe tấp nập để nhặt ve chai kiếm tiền nuôi con.
Ngày ngày, ông Hải vẫn lê thân tàn bên dòng người xe tấp nập để nhặt ve chai kiếm tiền nuôi con.
Chào đời đã “gánh số khổ”
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, nhưng ước mơ nối nghiệp ông cha không thành hiện thực khi từ nhỏ cậu bé Phạm Thanh Hải đã mang bệnh tâm thần quái ác. Càng lớn, căn bệnh tâm thần càng xuất hiện nhiều biến chứng khiến cậu vô số  lần lên cơn co giật và không kiểm soát được mình. 
Mọi người trong thôn xóm vẫn không quên cái ngày kinh hoàng, khi Hải từ cõi chết trở về. “Năm thằng Hải học lớp 8, hai anh em nó rủ nhau ra cống nước bắt cá. Sợ anh lên cơn tâm thần nên đứa em trai không cho anh xuống bắt cá. Thấy em lội xuống, Hải đã trèo lên cột điện cao gần 20m để nhảy xuống. Nghĩ lại ngày đó tôi vẫn chưa hoàn hồn, thằng Hải bị điện giật treo trên cột điện mấy tiếng đồng hồ, mọi người đều bảo thằng bé đã chết nhưng cuối cùng ông trời thương nên cho nó sống” - ông Phạm Ngọc Thực, bố của ông Hải kể lại.
Sau lần chết hụt đấy, cộng với chứng bệnh tâm thần, ông Hải mang nhiều vết thương: đến nay cơ thể vẫn hằn vết tích điện giật ngang sống lưng, một bên chân vốn tàn tật phải “gánh” thêm những vết sẹo, vết nứt thịt da khi thời tiết thay đổi. 
Lập gia đình, có vợ con, nhưng căn bệnh quái ác đã khiến ông Hải phải sống cô đơn. “Vì áp lực gia đình và căn bệnh  tâm thần, tôi không giữ được vợ . Tôi cắn răng để cô ấy ra đi vì mình không biết sống, chết lúc nào, bệnh tật lại đày đọa khổ vợ, khổ con” - ông Hải ngậm ngùi tâm sự.
Tấm lòng người cha
Mang trong người đủ loại bệnh, con trai thì học ngày càng cao, gia cảnh khốn khó không có tiền đóng học cho con, ông Hải phải cố quên bệnh tật lao ra đường mưu sinh bằng cách nhặt ve chai, nhặt rác. Ông rong ruổi khắp các con đường quận Thanh Xuân từ 5h sáng với đôi chân tàn tật. Đối với những người khác, việc nhặt rác là công việc bình thường, kiếm sống hàng ngày. Nhưng đối với người bệnh tật như ông Hải thì công việc đó vô cùng nguy hiểm, luôn kề sát lưỡi hái “tử thần”. Không biết bao nhiêu lần ông đã ngã quỵ xuống đường giữa dòng xe tấp nập. 
Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương đau buốt hành hạ ông Hải.
Mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương đau buốt hành hạ ông Hải. 
“Lúc đầu tôi và gia đình đã ngăn chú ấy, đi lại ở nhà còn không vững thì làm sao ra ngoài đường kiếm sống được. Ấy vậy mà hơn mười năm nay, ngày nào chú ấy cũng đi hàng chục cây số nhặt rác để nuôi đứa con trai học giỏi” - chị Hương, hàng xóm của ông Hải cho biết.
“Vì con, tôi không thể buông xuôi”. Đó là lời ông Hải thường nói với mọi người mà cũng như nói với chính mình. Trên quãng đường mưu sinh của mình, nhiều lúc ông nghĩ mình không thể cố được nữa, chỉ muốn “bỏ cuộc” vì bệnh tật. 
Đêm về đôi chân thường nứt nẻ rồi đau buốt, nhiều lần đang đi nhặt rác thì bệnh tâm thần tái phát, không làm chủ được mình. Nhưng cứ nghĩ đến đứa con còn đang học, buông xuôi thì ai nuôi, ông Hải lại cố. Nỗi sợ lớn nhất của người cha đầy nghị lực này là khi đang đi nhặt ve chai mà bệnh tâm thần tái phát, rồi mất trí nhớ. Lường trước việc này, ông Hải đến từng hộ gia đình trên đường Nguyễn Trãi và dặn mọi người: “Khi thấy tôi phát bệnh trên đường thì hãy trói tôi vào cây, đừng để tôi gây họa”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổ trưởng Tổ dân phố số 59, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Gia đình chú Hải có hoàn cảnh khó khăn, lại bị tàn tật nên chính quyền địa phương và khu phố luôn tạo điều kiện giúp đỡ. Cả khu phố ai cũng khâm phục nghị lực của chú ấy, thấy chú đi nhặt rác nên các hộ đều mang ve chai, quần áo đến tận nhà để giúp chú ấy phần nào”.
Còn biết bao những cái sợ, biết bao nỗi lo, gánh nặng cuộc sống mà ông Hải đang từng ngày phải trải qua. Nhưng niềm tin vào cuộc sống và tấm lòng quyết hy sinh cả cuộc đời vì con là mục tiêu ông theo đuổi.  “Tôi còn đi được ngày nào thì còn cố gắng ngày đấy vì con. Tôi chỉ sợ lỡ một ngày nào đó mình đi mà không nhớ đường về với con…”. 
Nghe lời tâm sự của ông Hải bỗng thấy lòng rưng rưng, cảm phục trước nghị lực sống của người cha dù “tàn” nhưng vẫn quyết không “phế” để nuôi con thành người. 

Đọc thêm