Giữ mãi tà áo em bay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Xưa nay, chiếc áo dài luôn được coi là một biểu trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Với vẻ đẹp mềm mại, dịu dàng và kín đáo, áo dài không chỉ là trang phục truyền thống, là biểu tượng văn hóa mà còn tôn thêm vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vì thế, nhiều năm nay, phụ nữ Việt đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài trong đời sống đương đại, cũng như khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ áo dài - di sản văn hóa Việt Nam.
Áo dài tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa. (Nguồn Báo KTĐT)
Áo dài tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam. Ảnh minh họa. (Nguồn Báo KTĐT)

Thấy áo dài là thấy Việt Nam

Tháng 3 hàng năm, tại Việt Nam, “Tuần lễ Áo dài” luôn là sự kiện nhận được nhiều sự quan tâm nhất của dư luận, truyền thông. Năm 2023, “Tuần lễ Áo dài” từ ngày 1/3 đến ngày 8/3/2023 trên toàn quốc đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Trước đó, ngày 8/2/2023, Đoàn Chủ tịch TW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPN) đã gửi Công văn số 1324/ĐCT-TG đến Hội LHPN các tỉnh/thành phố và các đơn vị trực thuộc về việc tổ chức các hoạt động trong “Tuần lễ Áo dài 2023”.

Để “Tuần lễ Áo dài” nhận được sự tham gia đông đảo của hội viên, phụ nữ và nhân dân cả nước, Đoàn Chủ tịch TW Hội đề nghị Hội LHPN các tỉnh/thành phố, các đơn vị trực thuộc và các Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội vận động hội viên, phụ nữ, nữ công chức, viên chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị, nơi công tác hưởng ứng sự kiện bằng các hoạt động sáng tạo, thiết thực, cụ thể; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của “Tuần lễ Áo dài” trên các phương tiện thông tin đại chúng và các kênh truyền thông xã hội.

Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VH,TT&DL), các di sản đã được UNESCO vinh danh có những điểm tương đồng, gần gũi với hồ sơ áo dài Việt Nam. Hiện có 27 di sản của 25 quốc gia có liên quan đến kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật dệt, nghệ thuật dệt lụa, dệt thảm, dệt thổ cẩm truyền thống, như: Batik của Indonesia; truyền thống dệt thảm ở Chiprovsti (Bulgaria); cách làm và sử dụng khăn trùm đầu bằng lụa cho phụ nữ ở Azerbaijan; áo vỏ cây Uganda… Từ kinh nghiệm của các di sản đã và đang đề cử vào danh sách của UNESCO, có thể thấy, việc lập hồ sơ “Trang phục áo dài Việt Nam” trình UNESCO sẽ rất khả quan.

Cũng trong tháng 3/2023, “Lễ hội Áo dài” TP HCM lần 9 năm 2023 với chủ đề “Tôi yêu áo dài Việt Nam” đã diễn ra tại các di tích lịch sử, di tích văn hóa, điểm đến du lịch, các công trình của TP HCM với nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn để tôn vinh áo dài.

Ngày 12/10/2023, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam tổ chức sự kiện “Sắc thu Việt - Nhật”, giới thiệu tới công chúng vẻ đẹp duyên dáng, thướt tha những bộ áo dài truyền thống Việt Nam và kimono của Nhật Bản. Bộ sưu tập Việt Nam gấm hoa của nhà thiết kế Nguyễn Lan Vy gồm 10 bộ áo dài trên nền vải gấm và lụa, các thiết kế được lấy cảm hứng từ câu chuyện văn hóa truyền thống nước Việt, những linh vật linh thiêng như long phi phượng vũ trong truyền thuyết xưa và hình ảnh trống đồng một thời vàng son của Việt Nam. Ngày 14/10/2023, lễ hội trang phục áo bà ba, áo dài ở Cần Thơ với chủ đề “Duyên dáng phương Nam” đã nhận Kỷ lục Việt Nam về số lượng người tham gia cùng thời điểm đông nhất, hơn 5.000 người.

Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023 diễn ra từ 27 - 30/10/2023, tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu và trục phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Ban Tổ chức cho biết các bộ sưu tập áo dài đến từ các nhà tạo mẫu trên khắp cả nước như: Viết Bảo, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Ngọc Hân, Thanh Hải, Ỷ Vân Hiên, Dũng Nguyễn, Hoàng Ly, Vũ Thảo Giang; cùng nhiều thương hiệu như OZ Design House, áo dài La Sen Vũ, Kiên Anh… Thông qua chương trình, Ban Tổ chức mong muốn truyền tải tinh thần thời đại và tình yêu với tà áo dài trong cộng đồng. Áo dài luôn mang đậm giá trị văn hóa tinh thần của người Hà Nội, của dân tộc Việt Nam kết tinh lan tỏa tới bạn bè khắp thế giới...

Điểm xuyết qua các sự kiện liên quan đến áo dài Việt Nam trong một năm để thấy vai trò quan trọng của áo dài trong đời sống người Việt nói chung và phụ nữ Việt nói riêng. Dù trải qua biết bao giai đoạn, bao thăng trầm của chiều dài lịch sử, áo dài luôn là sự tự hào của dân tộc, vẫn luôn giữ nguyên giá trị trong đời sống văn hóa và tinh thần trong xã hội Việt Nam.

Áo dài không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa, bản sắc dân tộc Việt Nam. Người phụ nữ mặc trên mình chiếc áo dài không còn đơn thuần là để tôn lên vẻ đẹp của riêng mình mà còn góp phần tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, đại diện cho hình ảnh, phẩm chất người phụ nữ Việt Nam và hơn hết là đang gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam.

Hành động thiết thực để áo dài trở thành di sản văn hóa

Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. (Nguồn: Internet).

Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ. (Nguồn: Internet).

Đó là mục tiêu đã và đang được Hội LHPN Việt Nam hướng tới và hành động. Hội LHPN Việt Nam - tổ chức đại diện lợi ích chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã khởi xướng và phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức các sự kiện với chủ đề “Áo dài - Di sản Văn hoá Việt Nam” nhằm khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài trong đời sống đương đại; khơi dậy khát vọng, niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam.

Cách đây 4 năm, tháng 6/2020, Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” đã được Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ VH,TT&DL tổ chức góp phần tìm hiểu về giá trị, bản sắc văn hóa của áo dài Việt Nam; cung cấp cứ liệu để nhận diện sự tham gia của cộng đồng, các trung tâm hình thành và lan tỏa tập quán mặc áo dài, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức về giá trị áo dài nói riêng và di sản văn hóa phi vật thể nói chung là tư liệu quý để các cấp, các ngành đề xuất hồ sơ công nhận di sản văn hóa phi vật quốc gia thể liên quan đến áo dài.

Nói về “địa vị pháp lý” của áo dài, PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phải nghiên cứu một cách bài bản, hệ thống khoa học để đưa ra những cơ sở khoa học về lịch sử, hình thành và phát triển của áo dài Việt Nam để từ đó nhận diện những giá trị của nó. Từ cơ sở khoa học này thì xác định cơ sở pháp lý cho áo dài, công nhận áo dài ở bình diện quốc gia tiến tới bình diện quốc tế. Sau đó, phải có những định chế cho áo dài, xác định đây là lễ phục hay là quốc phục… Khi chúng ta đã xác lập sở hữu cho áo dài thì bất cứ ai muốn sử dụng hay lấy cảm hứng từ trang phục đó cũng phải ghi danh Việt Nam trong trang phục của họ”.

Tại Hội thảo, nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cho biết, không ai xác định được áo dài chính thức xuất hiện từ bao giờ, nhưng chắc chắn không phải xuất phát từ Trung Quốc, Ấn Độ… mà áo dài của người Việt mang màu sắc riêng. Với những hình ảnh đính kèm tư liệu, nhà nghiên văn hóa Trịnh Bách chứng minh sự hiện diện áo dài của người Việt tồn tại hàng trăm năm với rất nhiều lần cách tân; từ cách làm Tây hóa tay lửng, vạt dài, bóp eo qua các bàn tay thiết kế của họa sĩ Nguyễn Cát Tường hay Lê Phổ, Lê Thị Lưu, Thanh Khánh…; đến áo dài thắt dây eo rộ lên ở đất Sài Gòn những năm 1963, 1964 và đến nay là những bộ áo dài mặc cùng với váy - cách mặc đang rất phổ biến, được đông đảo chị em ưa chuộng.

TS Trần Thị Biển - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, giá trị của chiếc áo dài qua sự ảnh hưởng nhất định tới nền văn học, nghệ thuật. Hội họa hiện đại Việt Nam ghi nhận những tác phẩm nổi tiếng gắn với hình bóng chiếc áo dài: “Vườn xuân Trung Nam Bắc”, “Thiếu nữ bên hoa phù dung” của Nguyễn Gia Trí; “Thiếu nữ bên hoa huệ” của Tô Ngọc Vân… Ngày nay, nhu cầu sử dụng áo dài của phụ nữ Việt Nam vẫn diễn ra ở mọi mặt trong đời sống xã hội; trang phục áo dài đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của các nhà thiết kế trong và ngoài nước, đặc biệt là từ đầu thế kỷ 21.

Nhà thiết kế Minh Hạnh cho rằng, qua nhiều thời kỳ, qua sự thăng trầm của lịch sử nhưng áo dài luôn chứng minh được vẻ đẹp vĩnh cửu của mình. Áo dài luôn là bộ trang phục truyền thống đại diện cho Việt Nam “đọ” với trang phục của các quốc gia. Người Việt Nam ở nước ngoài luôn lựa chọn mặc áo dài trong những dịp đặc biệt. Đây chính là câu chuyện truyền cảm hứng về tình đoàn kết, lòng yêu nước, là điều chúng ta luôn rất cần.

Theo PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Hội thảo khoa học quốc gia “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” có ý nghĩa rất lớn trong việc chuẩn bị thực hiện hồ sơ “Trang phục áo dài Việt Nam” đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới đệ trình ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo tiêu chí của UNESCO.

Hội thảo và các hoạt động liên quan như trưng bày “Áo dài Việt xưa và nay”, “Lễ hội văn hóa áo dài”… là việc cần thiết hiện nay, khi mà ngày càng xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng áo dài sai cả ở trong nước cũng như quốc tế; khi mà tranh cãi ở nước nào đó họ sử dụng áo dài của chúng ta theo cách ăn cắp bản quyền, không tôn trọng tới việc liên quan đến áo dài. Đây cũng là thời điểm để chúng ta xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho áo dài Việt Nam; xây dựng những câu chuyện, hình thức quảng bá để toàn thế giới biết về áo dài Việt Nam, để người dân có hiểu biết đầy đủ hơn về áo dài...”.