Giữ vững chuỗi liên kết giữa đại dịch

(PLVN) - Dịch Covid-19 trở lại Việt Nam trước Tết Tân Sửu. Hải Dương, không may trở thành “tâm dịch” với những diễn biến phức tạp.
Người dân Hà Nội mua hàng giải cứu nông sản Hải Dương.
Người dân Hà Nội mua hàng giải cứu nông sản Hải Dương.

Từ ngày 16/2/2021, Hải Dương công bố thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh. Ngay trong chiều hôm đó, thành phố Hải Phòng ban hành Thông báo số 62/TB-UBND, trong đó nội dung đầu tiên là Hải Phòng dừng tiếp nhận tất cả các công dân và hàng hóa từ tỉnh Hải Dương về Hải Phòng do lo ngại virus SARS-CoV-2 có thể lan truyền qua hàng hóa. Ngay lập tức, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, logistics và nông dân ở Hải Dương gặp khó. Tất nhiên, Hải Phòng cũng đã tích cực vận động hỗ trợ vật lực giúp tỉnh bạn dập dịch.

Nằm ở trung tâm của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hải Dương lại đang bị cô lập, trở thành một ốc đảo. Nhiều hàng hóa ở Hải Dương chính là sản phẩm gia công, nguyên liệu đầu vào lắp ráp theo chuỗi ở các nhà máy tại các tỉnh, thành khác. Các xe chở hàng hóa, nguyên vật liệu có điểm xuất phát từ Hải Dương bị dừng ách tại các điểm kiểm soát giáp ranh giữa hai địa phương. Một phần trong số đó là hàng hóa cung cấp cho các doanh nghiệp Hải Phòng, một phần trong đó là đưa ra cảng để xuất khẩu.

Tương tự, các địa phương khác cũng lựa chọn giải phòng phòng dịch tương tự. Không chỉ những địa phương giáp ranh với Hải Dương mà hàng hóa đi Thái Bình, Nam Định cũng gặp khó khăn. Chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị logistics được thiết lập lâu nay, bỗng nhiên “đứt gãy”.

Người nông dân Hải Dương đang khóc ròng trên cánh đồng. Được biết, theo thống kê trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn 4.087 ha rau vụ đông đang đến kỳ thu hoạch với sản lượng khoảng 90.767 tấn, chủ yếu là hành 55.902 tấn (80% bảo quản nông hộ, 20% chế biến tại tỉnh); cà rốt 26.766 tấn (90% xuất khẩu, 10% tiêu thụ nội địa); rau bắp cải, su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại 8.100 tấn (30% xuất khẩu, 70% tiêu thụ nội địa) cần được tiêu thụ.

Câu chuyện thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ đã trở nên khó khăn. Trong tình hình như vậy, phải hoan nghênh việc các địa phương, Bộ, ngành tích cực chi viện Hải Dương kịp thời. Hoan nghênh tấm lòng của người tiêu dùng khắp nơi và nhiều cách thức sáng tạo, vừa bảo đảm phòng, chống Covid-19 vừa “giải cứu” được nông sản của Hải Dương.

Việt Nam đã trải qua 5 lần bùng phát dịch trong cộng đồng: Vĩnh Phúc (2/2020), Hà Nội (3/2020), Đà Nẵng (7/2020), TP.HCM (12/2020), Hải Dương (1/2021). Qua một năm chống dịch, chúng ta đã tích lũy được kinh nghiệm tương đối để có thể lên kịch bản ứng phó mà một điểm có thể nhận thấy rõ là biện pháp chống dịch ngày càng tập trung, khoanh vùng chính xác hơn.

Theo dự báo, Covid-19 có thể chưa bị đẩy lùi trong năm 2021. Do vậy, Ban Chỉ đạo quốc gia cần nghiên cứu để có sự hướng dẫn, tránh lúng túng, bị động trong việc thực hiện “mục tiêu kép” cho các địa phương. Có thể gọi là kịch bản, là quy trình khoa học.