'Sóng ngầm' bất động sản

(PLVN) - Xét về tiêu chí vấn đề dân sinh dư luận quan tâm, năm 2020, sau câu chuyện dịch Covid-19 hoành hành, có lẽ nhiều người quan tâm nhất đến chuyện giá nhà đất tăng “phi mã”.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhiều trang mạng dẫn lời các chuyên gia bất động sản, các ông bà chủ các công ty địa ốc, những “nhà đầu tư”… đồng loạt khẳng định giá nhà đất tăng vì hiếm dự án, vì giá vàng thế giới tăng nên nhà đất phải tăng theo, vì do dịch bệnh nên nhiều người “neo” tài sản vào nhà đất và thị trường vẫn rất “tốt tươi”.

Một lãnh đạo Hội Môi giới bất động sản cho rằng: “Ở giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020, mặc dù vẫn có hai đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn thể hiện sức mạnh tiềm ẩn. Đã có hàng loạt dự án bất động sản trên cả nước vẫn về đích đúng hạn, góp phần cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm mới. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nguồn cung mới vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm và đạt 87,6% so với năm 2019”.

Thế nhưng nghịch lý xảy ra khi cái Tết Tân Sửu lại tiếp tục là một cái Tết buồn của giới môi giới bất động sản, vì lúc cần thì nói “tốt tươi”, nhưng khi đến lúc “chia tiền” thì nhiều công ty địa ốc lại tự nhận là “cực kỳ khó khăn” nên thưởng Tết chỉ mang tính “tượng trưng” hoặc không có thưởng Tết.

Có một điều thú vị nho nhỏ là trên một tờ báo điện tử có tiếng, bài viết đăng ngày 13/2/2021 về thưởng Tết năm Tân Sửu 2021 với giới môi giới bất động sản có tiêu đề “Tết buồn của một môi giới bất động sản”; thì đúng một năm trước đó, ngày 13/1/2020, cũng với chủ đề này, có bài viết “Tết buồn của giới địa ốc”. Nói cách khác, cùng một chủ đề thưởng Tết cho giới môi giới bất động sản, năm này qua năm khác, cùng phản ánh thực tế thu nhập của những người theo nghề này ngày càng “úi xùi”, cuối năm bị cắt thưởng, không có thưởng, thậm chí còn bị công ty nợ tiền.

Vậy tiền mà nhiều người đổ vào bất động sản đã đi đâu mà để xảy ra nghịch lý nêu trên? Rất có thể từ rất lâu nay, không ít trang mạng đã bị những “ông lớn” bất động sản, giới đầu cơ bất động sản “dắt mũi”, lợi dụng, đưa thông tin sai lệch, “thổi” giá nhà đất lên cao. Cũng rất có thể từ lâu nay, trong xã hội có không ít người chuyên nghề đầu cơ bất động sản, mua qua bán lại trao tay và cứ mỗi lần nhà đất đổi chủ lại một lần bị “kênh” giá. Dòng tiền cũng chỉ luân chuyển chủ yếu trong nhóm người này. Cần để ý, từ nhiều năm qua, nhiều công ty địa ốc đã có danh từ mới thay cho “khách hàng”, là từ “nhà đầu tư”…

Giá nhà đất vẫn được người bán tiếp tục “hét” lên một tầm cao mới. Các công ty địa ốc vẫn biến hóa như con tắc kè lúc khuếch trương, lúc kêu ca. Những người môi giới thu nhập ngày càng sụt giảm. Những thông tin ấy cứ thực thực ảo ảo như ma trận ma trơi lúc ẩn lúc hiện chẳng biết đâu là thực, đâu là hư.

Chỉ có một điều rất thật, là sức ép giá nhà đất tăng ngày càng lớn lên đời sống và đại đa số người dân lĩnh đủ. Để vạch ra thực hư ma trận trên của giới đầu tư đầu cơ buôn bán bất động sản, chỉ Nhà nước mới có thể làm rõ. Chắc chắn không khó để kiểm tra một công ty địa ốc lời lãi mua 1 bán 10 ra sao? Chắc chắn không khó để kiểm tra những ai đang sống dư dả chỉ với “nghề” cho thuê nhà. Cũng phải tính toán đến phương án đánh thuế thật nặng với những người đứng tên nhà đất thứ hai trở đi… Rất cần thiết những phương án như vậy để xã hội công bằng dân chủ hơn, để bất động sản không còn nguy cơ “sóng ngầm” gây sức ép, gây bất ổn cho xã hội.