Giữa 'chảo lửa' Hà Nội thương vị canh suông rau tập tàng quê

(PLO) - Những ngày đầu tháng Sáu Hà Nội như chìm trong "chảo lửa", buổi sáng đi chợ, gặp mấy bà nội trợ cùng than không biết mua thức ăn gì để cả nhà ngon miệng, dễ ăn trong những ngày nóng bức, thì lòng con bỗng nhớ quay quắt món canh rau tập tàng ngày xưa mẹ nấu, từng là “đặc sản” nuôi đàn con khôn lớn, trưởng thành.
Ảnh minh họa.

Đó là đủ thứ rau dại hái ngoài bờ ruộng, ven đường hay trong vườn nhà... Này là rau dền, rau dệu, rau cải dại, rau sam, rau mảnh cộng… tất cả đều xanh mướt, non mơn mởn, mới nhìn thôi đã đủ thấy thèm.

Mẹ bảo, càng có nhiều thứ rau nấu lẫn thì nồi canh càng ngon ngọt, đôi khi mẹ còn hái cả vài bông hoa trong vườn để thả vào nồi canh: này là hoa thiên lý có màu vàng pha xanh dịu dàng thơm mát, này là nụ mướp he hé màu vàng có vị ngai ngái rất đặc trưng, này là bông bí đỏ vàng hườm nổi bật giữa các loại rau xanh…

Bữa ăn hôm đó bỗng vui nhộn hẳn lên vì lũ trẻ chí chóe giành nhau người đòi ăn hoa, người ăn lá… Ngày xưa bố đi bộ đội, một mình mẹ gồng gánh nuôi cả đàn con “trứng gà, trứng vịt”, lo cơm ăn còn “mướt mồ hôi hột”, nào dám mơ để thức ăn ngon. Vậy nên món canh rau tập tàng cùng với mắm tép, cá khô rang mặn cùng chúng con bước qua tuổi thơ nghèo khó. 

Để nấu được bát canh rau tập tàng tưởng đơn giản nhưng với mẹ đó là cả một nghệ thuật. Canh mẹ nấu vừa chín đến, lá rau vẫn xanh mướt, nước trong nhưng lại ngọt đậm đà. Bên cạnh bát canh suông luôn có mấy quả cà muối ăn kèm. Có lẽ vì thế mà bát canh mẹ nấu lúc nào cũng hấp dẫn, vừa miệng và rất đưa cơm. 

Lũ trẻ của mẹ năm nào giờ đã khôn lớn trưởng thành và đều lập nghiệp nơi phố thị. Cuộc sống hiện đại xô bồ đôi khi khiến người ta trở nên gấp gáp và vội vã, đôi khi món ăn trong bữa cơm gia đình cũng được mua sẵn cho nhanh. Vậy mà mỗi khi nhớ đến món canh rau tập tàng, chị em con lại mềm lòng nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ về những ngày đã qua nghèo khó để biết trân trọng, nâng niu những thành quả của cuộc sống hôm nay và điều quan trọng nhất, biết trân trọng các giá trị của gia đình truyền thống, cội nguồn.

Đọc thêm