'"Nghe tiếng cơm sôi lại nhớ nhà"

(PLO) - Chẳng biết tự khi nào, tôi đã vin vào tiếng cơm sôi để níu giữ hạnh phúc gia đình... Một “công thức” thật quá đơn giản cho mỗi ngày, mà sao  tôi thấy nó như một thứ gây nghiện quá đỗi cần thiết cho cuộc sống hối hả bận rộn này.

'"Nghe tiếng cơm sôi lại nhớ nhà"

Ngày tôi còn bố, cứ đến tầm chập tối, bố lại gọi hết lượt cho các con – những đứa đi lấy chồng, lấy vợ, sinh sống ở xa bố mẹ. Bố hỏi chúng tôi đã ăn cơm chưa, hôm nay nấu món gì cho các cháu của bố, bố kể mẹ đang làm bếp, nhà mình nay có gì… Hàng chục năm xa nhà rồi, vậy mà bố cứ làm cho chúng tôi khắc khoải mãi không thôi về những bữa ăn gia đình.

Nhà tôi ở nông thôn, bố mẹ làm cán bộ Nhà nước không quá để tất bật, nên ngày nào cũng vậy, chúng tôi có 3 bữa cơm quây quần bên nhau. Những bữa cơm thường do mẹ nấu, chúng tôi đứa giúp mẹ nhặt rau, đứa quẩn chân mẹ bên bếp. từ lớn đến bé, cứ như lũ gà con tíu tít. Đến cả khi ăn cũng vậy, mâm cơm đơn giản chỉ có bát rau, đĩa thịt rang mặn, hay cái trứng rán, nhưng lúc nào cũng vui vẻ.

Bố tôi thường đóng vai trò “người Mỹ trầm lặng” trong bữa ăn, nhưng bố đã nói là  “lời sấm truyền” mà các con đứa nào đứa ấy ghi lòng tạc dạ. Có khi, chỉ là câu bố nhắc nhở hãy gắp thức ăn ở phần đĩa phía bên mình, không được gắp nhiều miếng cùng một lúc. Hay không được đảo lộn, chọn thức ăn trong đĩa ăn chung… Bố cũng sẽ nhắc đứa nào vừa ăn nhồm nhoàm vừa nói, đứa nào để cơm còn dính trên đũa đã thò ra gắp thức ăn, đứa nào vô ý lấy đũa của mình khua khắng trong bát canh, đứa nào đưa bát đơm thêm cơm đúng lúc mẹ định và cơm vào miệng…  Cũng có khi, bố kể những câu chuyện liên quan đến cách ứng xử của bố mẹ, con cái, ông bà… những câu chuyện bên bàn ăn thường ngắn gọn, nhưng khiến không khí gia đình rất đầm ấm, và cũng là bài học khiến chúng tôi không thể nào quên.
Chẳng biết bố dạy lúc nào, nhưng trong bữa ăn của gia đình tôi đã hình thành cái nếp về sự tôn trọng người lớn tuổi và nhường nhịn người bé.  Đôi đũa đầu tiên so trên mâm cũng dành cho bố, ăn cơm cũng mời bố, mời mẹ đầu tiên, gắp thức ăn cho mình cũng phải mời bố mẹ ăn trước…
Ấy vậy nhưng với việc đơm cơm thì khác, mẹ tôi thường bới bát cơm đầu tiên dành cho mình, rồi mẹ bới thật sâu một bát cơm ở giữa nồi dành cho đứa bé nhất, rồi cho bố cho các con bé, lớn lần lượt. Bát thứ 2 của mẹ sẽ là bát dưới cùng – bát cơm cháy. Mẹ bảo mẹ thích thế.  Những đứa con vô tâm cứ mặc nhiên để mẹ theo sở thích như vậy, mãi sau này mới hiểu được rằng đó là sự nhường nhịn của mẹ. Bởi lúc đó nhà tôi nấu cơm bằng bếp rơm, bát ở trên cùng thường không ngon, có thể bị sống, bị nhão, hoặc khói, tro bay. Còn cơm cháy, thực sự chẳng phải là thứ dẻo thơm, dễ nuốt khi ngày nào cũng phải ăn.
Trong bữa ăn mẹ hay gắp thức ăn cho các con, rồi cho bố. Tôi vẫn nhớ cảnh bố cắn phần mỡ cho mình, gắp lại cho mẹ miếng thịt nạc. Bố bảo bố thích ăn thịt mỡ, nhưng mẹ và các con thì hiểu bố yêu mẹ nên mới làm như vậy. Có khi, mẹ chờ bố không để ý lại dấm dúi gắp cho con nào đó “miếng tình yêu” của mình, rồi lấp liếm miếng rau, miếng dưa cho qua bữa. Thời nghèo khó với những bữa cơm đạm bạc mà ấm áp, nhớ lại thấy quặn lòng.
Có một nguyên tắc cũng bất di bất dịch của bố tôi đó là không được bỏ bữa ăn. Dù ốm, dù mệt, dù dỗi hờn, bận rộn, đến bữa là phải ngồi vào cùng ăn. Theo cách lý giải của bố thì việc không bỏ bữa là để bảo đảm cho sức khỏe của người đó, và cũng là để không ảnh hưởng tới người khác. Có thể trong một lúc mệt mỏi, việc bỏ ăn sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nhưng sự dễ chịu của người này, có nên đổi bằng sự lo lắng của bố mẹ, chị em không? Sống phải vì người khác là như thế. – Bố nói. Tôn trọng bữa ăn cũng là cách để bố tôi giáo dục các con phải tôi trọng sức lao động  của người khác. Đó là sức lao động của người làm ra hạt gạo, là sức lao động của mẹ khi đi làm về còn tất bật nấu cơm.
Tôi đã không còn được nghe tiếng điện thoại reo vào những lúc cơm sôi chiều tối của bố. Tôi cũng đã chẳng biết tự khi nào vin vào tiếng cơm sôi để níu giữ hạnh phúc gia đình. Chúng tôi thường chờ nhau bên mâm cơm tối. Công việc không thể đơn giản như thời của bố mẹ tôi, nên có khi tối muộn lắm chúng tôi mới được ngồi cùng nhau bên bàn ăn. Những đứa trẻ có thể bị đói mềm nhưng được lót dạ trước mằng một món quà vặt, để khi bố về còn đủ sức hào hứng ngồi vào bàn ăn tối cùng bố mẹ.
Trong lúc mẹ đun lại món đồ cho nóng hổi, con tíu tít dọn bàn, bố phụ giúp bày đồ ăn ra đĩa. Con cũng sẽ đưa cho bố đôi đũa đầu tiên, đôi tiếp theo là của mẹ. Mẹ cũng sẽ đơm một bát cơm thật sâu giữa lòng nồi cho con, cho bố, rồi mới xới đều đơm bát cơm của mình. Con cũng sẽ được nghe bố mẹ nhắc nhở nhẹ nhàng về việc kính trên nhường dưới, về việc “trông nồi, trông hướng” trong bữa ăn. Những “công thức” thật quá đơn giản cho mỗi ngày, mà sao  tôi thấy nó như một thứ gây nghiện quá đỗi cần thiết cho cuộc sống hối hả bận rộn này./.
Những nguyên tắc nên dạy con bên bàn ăn

Trước khi căn cơm, bé phải có lời mời những người lớn tuổi, đó là ông bà, bố mẹ, anh, chị, em...
Không chống tay khi ăn. Không vừa ăn và nói khi miệng còn đầy thức ăn.
Không nhai tóp tép hoặc nuốt thức ăn có tiếng ừng ực.
Cầm bát lên khi gắp thức ăn vào miệng.
Không nghịch thiết bị điện tử khi ngồi vào bàn ăn.
Không chê bai đồ ăn, không bỏ phí quá nhiều và đặc biệt là biết cảm ơn người đã nấu những món ăn ngon cho mình.

Đọc thêm