Giữa đại ngàn, người B’râu chộn rộn đón xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khi nàng xuân nhẹ gót phiêu bồng qua những mái nhà Rông cũng là lúc người dân làng Đắk Mế ở Tây Nguyên đại ngàn chộn rộn đón Tết. Ngoài Tết mừng lúa mới, người dân tộc B’râu hòa cùng đại gia đình các dân tộc Việt Nam đón Tết Nguyên đán tràn đầy niềm lạc quan và hạnh phúc.
Bà con B’râu đánh chiêng đón chào năm mới. Ảnh: Huy Quyền
Bà con B’râu đánh chiêng đón chào năm mới. Ảnh: Huy Quyền

Cồng chiêng đón xuân sang

Chúng tôi đến làng Đắk Mế, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) trong một sớm xuân sang. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, cả làng chộn rộn chuẩn bị đón xuân. Bà con làng Đắk Mế đã được các chú bộ đội biên phòng hướng dẫn cách gói bánh chưng cổ truyền dân tộc Việt. Nguyên liệu làm bánh cũng từ nếp, nhân đậu xanh, thịt heo; gói bằng lá dong, lá chuối rừng, buộc bằng lạt hay mây. Các thiếu nữ B’râu được học gói bánh chưng, lần đầu gói chiếc bánh vuông vức, các cô gái cười duyên tựa hoa cà phê lung linh dưới nắng xuân.

Già làng A Dua (thôn Đắk Mế) được cả làng tín nhiệm giao trọng trách “giữ hồn” Tết, lễ hội tâm sự: “Bàn thờ ngày Tết quan trọng nhất của người B’râu là bàn thờ cúng ông bà, tổ tiên. Chúng tôi không làm mâm cỗ cầu kỳ nhưng trên bàn thờ phải có hoa, quả, nước, thuốc. Dịp Tết cũng là dịp để con cháu đến thăm và chúc sức khỏe ông bà, cha mẹ. Họ mang biếu cha mẹ ghè rượu, con gà để cha mẹ ăn Tết. Còn người cao tuổi lại lấy số tiền lẻ mà mình dành dụm xếp ngay ngắn bỏ vào bao lì xì để chuẩn bị mừng tuổi lại cho các cháu nhỏ vào ngày Tết. Người B’râu ngày Tết không mua hoa mai hoặc hoa đào để trang trí mà chúng tôi trong lúc đi rừng tranh thủ lấy những loại hoa như sim, lan, mua... mang về trang trí Tết”.

Cùng nhau đánh cồng chiêng và thưởng thức rượu cần bên nhà Rông đón chào năm mới. Ảnh: Huy Quyền

Cùng nhau đánh cồng chiêng và thưởng thức rượu cần bên nhà Rông đón chào năm mới. Ảnh: Huy Quyền

Chiều ngày 30 Tết, bà con tập trung tại nhà Rông dưới sự điều hành của già làng, theo đó, thanh niên được phân công chuẩn bị củi để đốt lửa, phụ nữ chuẩn bị các lễ vật cúng Giàng. Già làng chia các nhóm tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Nhóm thì chơi các trò chơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo. Nhóm thì hát dân ca bài, mợ mư, zu la. Nhóm thì chơi nhạc cụ; cồng chiêng, đinh pú, bông bông... Tối Giao thừa, tất cả dân làng kéo đến nhà Rông vui Tết. Đó là đêm hội đầy thăng hoa, được hết thảy dân làng mong đợi. Mỗi nhà góp mỗi thứ, người thì mang rượu, người mang cá, gà… Sắc phục thổ cẩm truyền thống lúc này cũng được đem ra trưng diện. Các bà và các cô thiếu nữ ai có trang sức như vòng cổ, vòng tay, vòng chân đều đeo làm duyên. Già làng tiến hành làm lễ cúng Giàng. Sau khi cúng xong, già làng và những người cao niên trong buôn khai mẻ rượu cần đầu tiên. Quanh bếp lửa hồng, dân làng B’râu kể cho nhau nghe truyện cổ về Thần sáng tạo Pa Xây, truyền thuyết Un - cha đắc lếp (lửa bốc nước dâng) nói về nạn hồng thuỷ rất đặc trưng.

Già làng A Dua sửa sang bàn thờ gia tiên để đón Tết. Ảnh: Huy Quyền

Già làng A Dua sửa sang bàn thờ gia tiên để đón Tết. Ảnh: Huy Quyền

Giờ phút Giao thừa là giây phút quan trọng nhất, mọi người cùng chúc nhau năm mới, cùng uống rượu, cùng nhảy múa và trò chuyện. Bọn trẻ trong buôn được tiền mừng tuổi, nhảy múa theo điệu cồng chiêng. Đêm hội đón Giao thừa cũng là dịp để các chàng trai chưa vợ, cô gái chưa chồng có cơ hội để họ tìm hiểu nhau, hy vọng một năm mới hạnh phúc tình yêu đôi lứa. Sang ngày Mùng 1, Mùng 2 Tết, dân trong làng cùng tới nhà nhau chúc Tết. Thanh thiếu niên chơi đánh phết, thả diều, đi cà kheo...

Cây nêu đón Tết mừng lúa mới

Ngoài Tết Nguyên đán, người B’râu còn có lễ hội truyền thống là Tết mừng lúa mới. Già làng A Dua bộc bạch: “Truyền thống ngày Tết mừng lúa mới đã có từ bao đời nay. Tết được tổ chức với nhiều nghi thức linh thiêng để cúng thần linh… Trong 4 ngày tổ chức, tất cả dân làng phải dậy thật sớm, mặc trên mình những bộ áo quần mới nhất để đón Tết lúa mới truyền thống của cha ông”.

Mừng tuổi đầu năm. Ảnh: Huy Quyền

Mừng tuổi đầu năm. Ảnh: Huy Quyền

Mỗi nhà lên rẫy lấy ba bông lúa - người B’râu gọi là lúa thiêng - về làm nghi thức tắm cho lúa. Lễ vật gồm có hai ghè rượu to nhất, ngon nhất, cốm mới, lòng các con vật hiến sinh, một ít thuốc lào và mỗi nhà ba bông lúa. Khi đã chuẩn bị xong các vật hiến tế, Già làng cho một ít hương liệu, một ít trấu lấy từ ghè rượu cúng và cho than vào đốt rồi đặt cạnh ghè rượu, mục đích là nhờ hương thơm dẫn dắt, mời thần linh về ăn thịt, uống rượu cùng dân làng. Việc tổ chức lễ Tết vừa thể hiện biết ơn thần linh, sự đoàn kết, gắn kết cộng đồng, qua đó giúp cho tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.

Đối với dân tộc B’râu, tùy theo từng lễ hội mà họ làm cây nêu khác nhau. Khi tổ chức các lễ kiêng hoặc cầu xin (lễ kiêng làng, lễ cúng ốm đau, lễ cầu sức khỏe, lễ tỉa lúa) thì dựng cây nêu cao để cầu xin thần linh và các Giàng phù hộ. Vì người B’râu quan niệm, khi làm lễ cầu xin thì phải làm cây nêu cao vươn lên trời để Giàng (thần linh) nhìn thấy mà phù hộ cho gia đình, dân làng. Còn trong lễ trả ơn hay tạ ơn (lễ cúng lúa mới, lễ tuốt lúa, lễ mở cửa kho lúa) thì làm cây nêu thấp…

Mâm cỗ ngày Tết. Ảnh: Huy Quyền

Mâm cỗ ngày Tết. Ảnh: Huy Quyền

Được đón Tết cùng đồng bào dân tộc B’râu, chúng tôi như lạc vào những thanh âm trầm bổng, du dương mê hoặc lòng người. Tiếng cồng chiêng vang vọng, trầm hùng, cộng hưởng cùng tiếng vi vút của núi rừng nơi biên ải như lời cầu mong cho mùa vụ bội thu, ấm no, dân làng đoàn kết, yêu thương./.

Hiện, người B’râu có khoảng 600 dân, cư trú tập trung ở làng Đăk Mế, huyện Ngọc Hồi (Kom Tum). Người B’râu là một trong 05 dân tộc ít người (dưới 1.000 người) ở Việt Nam, có một nền văn hóa độc đáo. Với những chính sách hỗ trợ đặc thù của Đảng và Nhà nước, cuộc sống đồng bào B’râu đã và đang thay đổi tốt đẹp hơn, văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Đọc thêm