Gỡ "vướng" cho mô hình TGPL cơ sở tại Phú Thọ

 Trợ giúp pháp lý (TGPL) hướng về cơ sở không chỉ thể hiện thông qua hoạt động trợ giúp lưu động mà còn được thể hiện trong tổ chức, hoạt động của các Câu Lạc bộ TGPL và việc triển khai thành lập, đi vào hoạt động của các Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước. Đối với Phú Thọ cũng vậy, mô hình TGPL ở cơ sở đã được triển khai tích cực nhưng vẫn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Trợ giúp pháp lý (TGPL) hướng về cơ sở không chỉ thể hiện thông qua hoạt động trợ giúp lưu động mà còn được thể hiện trong tổ chức, hoạt động của các Câu Lạc bộ TGPL và việc triển khai thành lập, đi vào hoạt động của các Chi nhánh của Trung tâm TGPL Nhà nước. Đối với Phú Thọ cũng vậy, mô hình TGPL ở cơ sở đã được triển khai tích cực nhưng vẫn gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ.

Đến nay, Phú Thọ đã thành lập được 5 Chi nhánh đặt tại các huyện, hoạt động theo các cụm huyện phù hợp với lộ trình cải cách tư pháp và mục tiêu quy hoạch. Mặt khác, các CLB TGPL đã được hình thành trên diện rộng với 110 CLB ở các xã nghèo, 43 CLB ở các xã đặc biệt khó khăn, 2 CLB hoạt động theo nguồn Quỹ TGPL và 12 CLB thành lập xuất phát từ nhu cầu thực tế. Việc mở rộng, đa dạng hóa các loại hình hoạt động TGPL tại cơ sở sẽ là điều kiện căn bản để người dân kịp thời nắm bắt được thông tin và được thụ hưởng dịch vụ pháp lý miễn phí.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mạng lưới các Chi nhánh bước đầu đi vào hoạt động còn gặp nhiều vướng mắc như chưa có nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; sự hiểu biết về mô hình hoạt động TGPL ở nhiều các cơ quan, ban ngành còn hạn chế nên tinh thần phối hợp chưa cao; hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các Chi nhánh chưa được thường xuyên, kịp thời đến với người dân...

Các CLB TGPL tuy đã được thành lập ở nhiều xã nhưng hoạt động chưa xứng tầm với vai trò, ý nghĩa đặt ra, vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập. Điều này xuất phát từ việc chính quyền cơ sở chưa quan tâm, quản lý sát sao; các thành viên trong Ban chủ nhiệm còn thiếu lòng nhiệt tình, trách nhiệm; nguồn kinh phí hỗ trợ cho các CLB còn thấp... Ngoài ra, hoạt động của các cộng tác viên còn rời rạc, thiếu tính chủ động mà một phần là do chế độ thù lao còn thấp nên không động viên, khuyến khích họ tham gia kịp thời.

Do vậy, để mô hình TGPL tại cơ sở ngày càng phát triển thì cần phải có những giải pháp cả về trước mắt lẫn lâu dài nhằm tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc với các nhiệm vụ trọng tâm. Trước mắt, cần tổ chức xây dựng một Đề án cấp tỉnh về việc củng cố, kiện toàn và mở rộng mạng lưới TGPL tại cơ sở để có đủ cơ sở lý luận cho việc triển khai tổng thể các giải pháp. Đối với những người làm công tác TGPL và tham gia với công tác TGPL cần nêu cao vai trò, tinh thần gương mẫu, trách nhiệm cũng như tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng kịp với những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Các cơ quan có thẩm quyền các cấp xem xét, sửa đổi bổ sung pháp luật về TGPL theo hướng quy định cụ thể chế tài pháp lý đối với những trường hợp không có hoặc còn thiếu tinh thần, trách nhiệm phối kết hợp; có cơ chế đảm bảo đầy đủ nguồn kinh phí hoạt động cho các Chi nhánh, các CLB TGPL; tăng định mức chi trả thù lao cho các cộng tác viên để khuyến khích họ tham gia tích cực; thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát mô hình TGPL tại cơ sở, trong các cơ quan, ban ngành tham gia vào mối quan hệ phối kết hợp để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời…

Đoàn Hữu Văn

Đọc thêm