Góc khuất điện mặt trời nhìn từ dự án Xuân Thiện – Ea Súp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Đắk Lắk, nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp giai đoạn 1 có gần 2 triệu tấm pin mặt trời, công suất 600MWac/831 Mwp, tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án này cũng đặt ra những vấn đề cần góc nhìn đa chiều.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp với gần 2 triệu tấm pin mặt trời (Nguồn ảnh - Daklak.gov.vn)
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp với gần 2 triệu tấm pin mặt trời (Nguồn ảnh - Daklak.gov.vn)

Khuyến khích nhưng phải tuân thủ pháp luật

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ-TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đối với điện mặt trời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg; 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, việc khuyến khích phát triển luôn gắn liền với yêu cầu tuân thủ pháp luật. Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg nêu rõ: “Việc đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời nối lưới được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, an toàn điện, đất đai, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Trên thực tế, việc phát triển quá nóng của điện mặt trời thời gian qua đã dẫn đến nhiều vấn đề. Điều này cũng đã được Thông báo số 402/TB-VPCP (ngày 22/11/2019) chỉ ra như: Quy mô công suất điện mặt trời bổ sung quy hoạch rất lớn so với dự kiến trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong khi đó nội dung tính toán và cập nhật cơ cấu nguồn điện hệ thống điện quốc gia chưa được Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc triển khai lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia chậm, thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu điều hành chung về phát triển điện mặt trời; 

Công tác quản lý quy hoạch phát triển điện mặt trời còn thiếu tính khoa học và thực tiễn, công tác dự báo còn nhiều yếu kém; Chưa có biện pháp kiểm soát hữu hiệu và kịp thời để tránh làn sóng đầu tư ồ ạt, theo phong trào vào phát triển điện mặt trời, nhất là việc đầu tư quá mức vào một số khu vực gây rất khó khăn trong truyền tải điện, giải tỏa công suất các nhà máy điện, ảnh hưởng đến công tác vận hành hệ thống điện quốc gia và gây ảnh hưởng đến quyền lợi các nhà đầu tư; Công tác quản lý đầu tư chưa minh bạch và chưa được quản lý chặt chẽ, đồng bộ.

Ngày 8/4/2020, tại văn bản số 414/TTg-CN, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu: Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành, địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch quy hoạch và đầu tư phát triển điện mặt trời ở nước ta theo đúng quy định, đảm bảo mục tiêu phát triển và hiệu quả chung; kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng và các hành vi lợi dụng chính sách để trục lợi; xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Ngày 9/2/2021, văn bản số 185/TTg-CN rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời cho biết, ngay từ tháng đầu năm 2021, Tập đoàn điện lực Việt Nam đã phải xây dựng và thực hiện phương án cắt giảm nguồn điện mặt trời, cũng như nguồn điện năng lượng tái tạo khác trong hệ thống điện quốc gia.

Với tinh thần xây dựng, góp ý, loạt bài này của PLVN nhằm góp thêm góc nhìn để các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương có những đánh giá, nhận định khách quan, đa chiều.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các Sở ban ngành thăm Trạm biến áp Xuân Thiện Ea Súp (Nguồn ảnh - Daklak.gov.vn)
 Đại diện lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và các Sở ban ngành thăm Trạm biến áp Xuân Thiện Ea Súp (Nguồn ảnh - Daklak.gov.vn)

Dự án nông lâm nghiệp, khoanh vùng đất mặt trời

Một trong những vấn đề gây bức xúc thời gian qua là việc "vỡ" quy hoạch điện mặt trời. Mới đây (ngày 4/5/2021), tại buổi làm việc do Tập đoàn điện lực Việt Nam tổ chức, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã thẳng thắn đặt câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm để 'vỡ' quy hoạch điện mặt trời?”; “Quy hoạch điều chỉnh trước hay là chúng ta điều chỉnh quy hoạch theo dự án?”

Quay trở lại với nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp, ngày 11/6/2018, trong báo cáo số 4614/BCT-ĐL về tình hình phát triển điện mặt trời, Bộ Công Thương nêu: Đối với tỉnh Đắk Lắk: trường hợp các dự án đang trình Thủ tướng Chính phủ được đồng ý bổ sung quy hoạch, trong đó có dự án Xuân Thiện - Ea Súp thì “lưới điện khu vực không còn khả năng hấp thụ thêm thậm chí nếu không phân kỳ đầu tư các dự án hợp lý sẽ gây quá tải hệ thống”.

Dự án đang trình bổ sung quy hoạch thế nhưng, điều lạ là, trước đó 2 ngày, ngày 8/6/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã lại ký Quyết định số 1286/QĐ-UBND Quyết định chủ trương đầu tư dự án: Nông lâm nghiệp thuộc Cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp.

Căn cứ vào tên của dự án có thể hiểu đây là dự án nằm trong cụm dự án điện mặt trời. Điều đáng nói, trong khi tên và quy mô dự án là dự án nông lâm nghiệp nhưng trong tổng 4.180ha đất sử dụng lại bao gồm 875,28ha được “khoanh vùng bảo vệ dự kiến dành riêng để sử dụng cho cụm dự án điện mặt trời Xuân Thiện Ea Súp giai đoạn 1, gồm 5 nhà máy số 1 đến nhà máy số 5”. 

Tên, nội dung dự án “một đằng”, cơ cấu đất “một nẻo” khiến người đọc bị lẫn lộn, không hiểu đây là một hay nhiều dự án?. 

Tình trạng chia nhỏ dự án để “lách luật” từng được đại biểu đặt ra ở diễn đàn Quốc hội. Thực tế thời gian qua, đã xảy ra tình trạng chia nhỏ dự án điện mặt trời áp mái dưới 1 MWp.

Đối với Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp được quảng bá là có tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng (thực tế theo các quyết định chủ trương đầu tư thì tổng mức đầu tư 5 nhà máy là 10.585 tỷ đồng).

Theo Điều 31 Luật đầu tư thì dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên đã thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng dù triển khai trên cùng địa bàn, có những mối quan hệ “chặt chẽ” với nhau, cùng có 1 người đại diện theo pháp luật là ông Mai Xuân Hương nhưng nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp lại được chia thành 5 dự án với 5 công ty (Cty CP Ea Súp 1,2,3,5 và Xuân Thiện Đắk Lắk) và vì được chia tách như thế nên thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đã thuộc về… UBND tỉnh Đắk Lắk. 

2 năm, 3 lần điều chỉnh đầu tư

Không chỉ khoanh vùng bảo vệ đất “dự kiến” dành riêng cho cụm dự án điện mặt trời mà trong cơ cấu sử dụng đất của dự án (tại Quyết định 1286) thì ngay cả diện tích đất nông nghiệp từ hơn 2.400ha cũng sẽ về “mo” 0,00ha sau 10 năm. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này cũng sẽ thành đất điện mặt trời.

Như vậy, có thể thấy, dự án nông lâm nghiệp mà Đắk Lắk phê duyệt chỉ có tính chất “bước đệm” còn gần như đây là dự án điện mặt trời. Hậu quả là sau khi được Thủ tướng bổ sung quy hoạch cụm dự án điện mặt trời, việc triển khai dự án nông lâm nghiệp đã liên tục phải điều chỉnh và chưa hẹn ngày "về đích". Chỉ trong vòng hơn 2 năm nhưng dự án này đã liên tục phải điều chỉnh tới 3 lần. Đó là các quyết định số 721/QĐ-UBND ngày 2/4/2019; 3781/QĐ-UBND ngày 23/12/2019 và 1527/QĐ-UBND ngày 10/7/2020.

Không chỉ có vậy, việc “chạy theo” dự án cũng dẫn đến tình trạng phê duyệt chồng chéo. Trong khi diện tích đất sử dụng cho dự án Nông lâm nghiệp chưa được điều chỉnh thì trong ngày 9/3/2019, Chủ tịch Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị đã ký liền 5 quyết định số 528,524,525,526,527 quyết định chủ trương đầu tư của 5 nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện – Ea Súp 1,2,3,4,5. 

“Phải chăng việc phê duyệt dự án nông lâm nghiệp chỉ có tính chất “giữ đất” cho doanh nghiệp làm điện mặt trời? Đắk Lắk đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai hay chưa? Tính khả thi của Dự án Nông lâm nghiệp như thế nào mà phải liên tục điều chỉnh như vậy. Phải chăng bản chất đằng sau đó là những vấn đề khác? ”, một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội bình luận.

Liên quan đến nguồn gốc, quá trình chuyển mục đích sử dụng đất, hoàn thuế của cụm dự án này... PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Theo quy định tại Điều 33 Luật Đầu tư thì trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư phải có trách nhiệm đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành và quy hoạch sử dụng đất; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Tại văn bản số 1606/SCT-KTATMT ngày 24/12/2020, Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk xác nhận: Đề án Quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Đắk Lắk giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được hoàn thiện. UBND tỉnh đã trình Bộ Công Thương phê duyệt tại Tờ trình số 89/TTr-UBND ngày 13/9/2018. Tuy nhiên do vướng Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch nên đề án Quy hoạch chưa được Bộ Công Thương phê duyệt.

Mặc dù vậy, sở này viện dẫn văn bản số 10694/BCT-ĐL ngày 27/12/2018 trong đó cho biết ý kiến của Bộ Công Thương: “Thống nhất cơ bản nội dung chính về tiềm năng kỹ thuật của các nguồn năng lượng tái tạo trong Đề án Quy hoạch năng lượng tái tạo tỉnh đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Những nội dung phù hợp của các Đề án Quy hoạch năng lượng tái tạo tỉnh sẽ được xem xét, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh và Quy hoạch phát triển điện lực phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quy hoạch”. 

Đọc thêm