Gói hỗ trợ an sinh xã hội: Trong tháng 4 sẽ triển khai đến người dân

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn hôm qua (14/4) về việc Mặt trận các cấp tham gia giám sát việc phân bổ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Hình minh họa.

Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, trong quý I đã có 153.000 người nộp hồ sơ hưởng chính sách thất nghiệp. Đời sống người lao động, nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất là khó khăn do phần đông đã phải nghỉ việc. Trước thực trạng đó, ngành LĐ-TB&XH đã tiến hành đánh giá, khảo sát và kiểm tra thực tiễn ở rất nhiều đơn vị, cơ sở.

Nếu tiếp tục đà dịch như thế này thì tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ khoảng 2,5 triệu người, nhưng nếu dịch tiếp tục bùng phát thì số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp sẽ lên đến khoảng 3,5 - 4 triệu người. Bởi vậy, cần có những giải pháp mạnh để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn.

Trong bối cảnh khó khăn của tình hình dịch bệnh, ngày 9/4, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42/NQ-CP để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đồng thời tổ chức hội nghị trực tuyến quy mô cả nước để triển khai thực hiện.

Một trong những yêu cầu đặt ra là việc hỗ trợ phải được thực hiện công khai, minh bạch và đến nhanh nhất với người thụ hưởng không để xảy ra tình trạng chính sách chạy lòng vòng. Thực hiện đúng chỉ đạo đó, ngành LĐ-TB&XH phấn đấu về cơ bản ở trong tháng 4 là sẽ triển khai hỗ trợ đến người dân.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, các đối tượng như người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được thụ hưởng chính sách trong tháng 4. Còn những đối tượng có quan hệ lao động sẽ được triển khai thông qua hệ thống doanh nghiệp và xác nhận của hệ thống chính quyền địa phương.

Thời điểm nào có hồ sơ thì sau 5 ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải giải quyết. Đặc biệt, với sự tham gia giám sát của MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể và nhân dân, việc phân bổ sẽ đến với người dân một cách công khai, minh bạch và thuận lợi nhất.

Theo ông Dung, việc xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó bởi khó định lượng được cái tiêu chí, công việc nhưng đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch lần này. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải làm.

Phải tìm cách để làm sao làm nhanh nhất. Để khắc phục được những khó khăn đó, được biết trong dự thảo Thông tư sẽ trình Thủ tướng vào ngày 15/4 này, dự kiến gồm có 7 nhóm lao động tự do bao gồm: Những người bán hàng rong quà vặt, những người làm xe ôm, những người thu rác, bốc vác, bán vé số, những lao động trong lĩnh vực như nhà hàng, dịch vụ, ăn uống, chăm sóc sức khỏe…

Trên cơ sở những đối tượng như vậy thì sau khi có Quyết định của Thủ tướng sẽ có Thông tư của Bộ chi tiết hóa lên một bước nữa để cho các địa phương dựa vào đó để khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể.

Ông Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác phối hợp giữa UBTƯ MTTQ  và Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua với nhiều kết quả thiết thực. Người đứng đầu Mặt trận cũng cho rằng trong lúc người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi việc làm, thu nhập do đại dịch Covid-19 gây ra, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng của Chính phủ đã đáp ứng được sự mong mỏi của người dân.

Ông Mẫn cam kết, toàn bộ số tiền, hàng mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước gửi đến Mặt trận để ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được Mặt trận phân bổ kịp thời, đảm bảo không xảy ra sai sót, thất thoát. 

Đọc thêm