GS Vũ Khiêu: Làm việc 10-12h mỗi ngày
Tháng 9 này, GS Vũ Khiêu tròn 104 tuổi, ông không còn được mạnh khoẻ như mấy năm trước nhưng trí óc của GS vẫn minh mẫn lạ thường. Dường như đó là kết quả của việc suốt mấy chục năm qua ông miệt mài làm việc từ 10-12 tiếng mỗi ngày. Trợ lý của GS nói rằng, đó là cách để ông rèn luyện trí óc, luôn tạo sự bận rộn cho cái đầu nhằm duy trì sự tỉnh táo, tinh thông về trí tuệ.
Từ nhiều năm trước cho tới nay, mỗi khi tôi xin phép phỏng vấn về một vấn đề nào đó, GS chỉ cần biết nội dung cần hỏi, tờ báo hướng đến đối tượng nào, là ông sẽ tự hỏi, tự trả lời, kể cả khi đang nằm dưỡng bệnh. Và bạn chỉ cần ngồi chép lại sẽ có một trang báo phỏng vấn vô cùng thời sự và mẫn tiệp.
Sinh năm 1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, ông đã nỗ lực học và tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal (Ngô Quyền -Hải Phòng). Năm 1935, ông về Hà Nội hành nghề dạy học tư. Đến năm 1958, ông đã có gần 30 cuốn sách và tham gia biên soạn gần 30 cuốn sách nữa ở nhiều lĩnh vực: triết học, đạo đức học, văn học, nghệ thuật, văn hoá, xã hội, nghiên cứu và giới thiệu thơ văn và cuộc đời của một số thi hào...
Ông cũng là tác giả có nhiều tác phẩm ca ngợi tư tưởng Mac-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông đã từng đảm nhiệm vai trò là Giám đốc Sở Văn hoá khu 10 tại Việt Bắc, Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội. Đặc biệt, GS Vũ Khiêu chính là Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học xã hội. Năm 1996, ông là một trong những người đầu tiên được Nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 vào ngày 10/9.
Là một nhà nghiên cứu, làm việc từ 10-12h mỗi ngày kể cả khi không còn giữ vị trí quản lý nào, nhưng GS Vũ Khiêu không vì thế mà xa rời đời sống thực. Đó là ông đọc hàng chục tờ báo mỗi ngày. Và, ông luôn tuyển trợ lý trẻ tuổi, qua công việc, ông dạy cho họ các kỹ năng, kiến thức cần thiết để vào đời, lập nghiệp. Về phần ông, được họ cập nhật hơi thở cuộc sống hiện đại.
Cách đây chục năm, khi đã trên 90 tuổi, ông vẫn thực hiện những chuyến bay hàng nghìn km, trải qua những chuyến xe vài trăm cây số để đến với những nơi cần ông lan toả tình yêu văn hoá Việt và truyền tải tinh thần lao động, sáng tạo say mê, dành trọn cuộc đời cho nghiên cứu khoa học. Đến nơi, ông ngồi nghe nhiều hơn là nói.
Bởi đọc nhiều, hiểu rộng, kiến thức uyên thâm nên các tác phẩm của ông đều chuẩn mực. Không những thế, còn thấm đẫm hồn cốt dân tộc. Nhất là câu đối. Đọc lên thấy cân chỉnh từng chữ từng câu từng vế mà hào khí 4.000 năm dựng nước và giữ nước của đất nước như ẩn hiện. Do đó, đi đâu cũng thấy câu đối của GS. Và GS cũng rộng rãi mà chia sẻ sự học cao hiểu rộng của mình tới mọi người, bất kể giàu sang hay không, miễn là có lòng với những giá trị truyền thống của dân tộc.
Đầu năm 2017, GS Vũ Khiêu đã vinh dự đón nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Trước đó, ông đã từng được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2000, Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2006, là một trong 11 công dân ưu tú Thủ đô trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thế nên, không hổ danh là một lão thành cách mạng, là một nhân sỹ trí thức tiêu biểu, một nhà khoa học lớn của đất nước, càng tuổi cao ông càng ấp ủ và biên soạn nhiều tác phẩm nặng ký. Trước là các tác phẩm: Đẹp (1963), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm ( 1976), Anh hùng và Nghệ sỹ (1972), Cách mạng và Nghệ thuật (1979), Nguyễn Trãi (1980)…
Những năm gần đây, khi bước vào tuổi trường thọ, ông vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng biên soạn tổng tập Ngàn năm văn hiến Thăng Long (4 tập, nặng gần 27kg).
Ngoài ra, ông còn dồn tâm sức tham gia biên soạn bộ Bách khoa thư Hà Nội, trực tiếp thực hiện tác phẩm Lịch sử khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hà Nội; đồng thời làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học bộ sử Ngàn năm Thăng Long gồm hơn 100 cuốn. Gần đây nhất là bộ Văn hiến Thăng Long gồm 3 tập dày 2.400 trang.
Không dừng lại ở đó, với bề dày kiến thức có được cộng với uy tín, trong những năm qua, ông đã được Đảng, Nhà nước và các địa phương tin tưởng, đặt hàng soạn nhiều văn bia, văn tế, hoành phi, câu đối,... tại nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; hoặc trong các đền đài, các công trình văn hoá trên phạm vi cả nước, ca ngợi, tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền và độc lập dân tộc.
Thực sự, nếu không miệt mài làm việc, coi lao động như mục tiêu của cuộc đời thì làm sao ông có thể hoàn thiện từng ấy tác phẩm, từng ấy trọng trách khi thân thể và trí óc đã trải qua một thế kỷ với đất trời.
Với lòng yêu nước nồng nàn, GS đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, đã từng làm việc với nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức nổi tiếng như Thế Lữ, Thanh Tịnh, Trần Dần, Nguyễn Xuân Khoát, Tô Ngọc Vân…
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: Luôn phản biện những vấn đề nóng của giáo dục
GS Phạm Minh Hạc, sinh năm 1935 tại làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội. Ông sinh trong gia đình có công với cách mạng, ông nội cụ đồ Duy, tên thật là Phạm Thượng Chí, một trong 6 đảng viên đầu tiên đứng ra thành lập chi bộ đảng năm 1930 ở làng Đông Phù, một trong những chi bộ đảng đầu tiên của Hà Đông.
Sau khi bị địch khủng bố, cụ dời làng xuống Cổ Am, Hải Phòng và mất ở đó. Tiếp nối cha, người chú ruột ông sau này cũng là Bí thư chi bộ Đông Phù, là người kết nạp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười vào Đảng. Cha ông, một người buôn bán giỏi có tiếng trong vùng là người hết lòng ủng hộ cách mạng, nuôi giấu nhiều nhà cách mạng nổi tiếng như Phan Trọng Tuệ, Nguyễn Thọ Chân và được kết nạp Đảng năm 1944.
GS Phạm Minh Hạc |
Sau này, trước khi xây dựng Nhà máy thuốc là Thăng Long, Bộ Nội thương thành lập Công ty thuốc lá thuốc lào miền Bắc, với tài kinh doanh nổi tiếng trước đó, cha ông trở thành giám đốc đầu tiên.
14 năm theo học ở Liên Xô, từ ĐH đến bảo vệ thành công luận án TSKH, ông ví von, số vàng để đào tạo người làm khoa học còn nặng hơn cái đầu của họ, trung bình cái đầu của chúng ta chỉ có 1,4kg thôi nhưng tiền đào tạo thì phải nhiều hơn. Đối với ngành tâm lý giáo dục, từ những năm 70 đến hết những năm 90, ông là chủ biên và là tác giả của sách tâm lý học từ trung học sư phạm, cao đẳng sư phạm đến đại học sư phạm.
GS Phạm Minh Hạc được cấp bằng TS năm 1971, bằng TSKH năm 1977, được công nhận GS Giáo dục học năm 1984, chuyên ngành tâm lý học. Ông là tác giả, đồng tác giả và chủ biên 59 cuốn sách về: tâm lý học thần kinh, tâm lý học nhân cách, tâm lý học đại cương, tâm lý học nhân học; Giáo dục học: đường lối, chính sách, chiến lược giáo dục; Nghiên cứu con người, văn hóa và nguồn nhân lực. Ông là người phụ trách biên soạn Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục năm 1996.
Đến nay, kết luận của Bộ Chính trị tháng 4/2009 nêu rõ tiếp tục thực hiện Nghị quyết này trong sự nghiệp giáo dục nước nhà. Ông từng giữ các chức vụ: Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục; Thứ trưởng rồi Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó ban Thứ nhất Ban Khoa giáo Trung ương năm 1996. Đến nay, kết luận của Bộ Chính trị tháng 4/2009 nêu rõ tiếp tục thực hiện Nghị quyết này trong sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Và ông trở thành Bộ trưởng Giáo dục giữa lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn sau 10 năm khủng hoảng kinh tế - xã hội. Ông nhớ lại, đó là năm đổi tiền, lạm phát trên 800%, nhiều người có một khối tiền sau một đêm ngủ dậy mất hết không còn gì nữa.
Đời sống giáo viên vô cùng eo hẹp, trường học bị “vỡ” từng mảng một, giáo viên bỏ trường, một loạt trường không có người dạy, không có người học. Nhiệm vụ cấp bách trước mắt là giữ cho các trường đừng tan vỡ... Hiện hàng ngày ông vẫn miệt mài làm việc và luôn có nhiều ý kiến phản biện về những vấn đề nóng của giáo dục.
Nhà sư đầu tiên được cấp bằng sáng chế tại Việt Nam
Sư ông Thích Huệ Đăng đã được Hội đồng Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới WRCA (viết tắt của World Record Content Academy) chính thức ghi nhận những cống hiến mang giá trị nội dung kỷ lục thế giới đến kỷ lục gia Nguyễn Văn Sáu (thế danh của thầy) thông qua xét duyệt hồ sơ đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Sư ông Thích Huệ Đăng. |
Nhắc đến vị thầy bán lan, người ta sẽ nghĩ ngay đến sư ông 80 tuổi vào mỗi dịp Tết đem lan ra bán ở công viên 23/9, thành phố Hồ Chí Minh. Không đơn thuần chỉ là một người bán lan mà thầy chính là một giảng sư, một nhà khoa học, một đạo sư yoga và một kỷ lục gia của Việt Nam, sư ông Thích Huệ Đăng.
Thầy đã được Hội đồng Viện Nội dung Kỷ lục Thế giới WRCA chính thức ghi nhận những cống hiến mang giá trị nội dung kỷ lục thế giới đến kỷ lục gia Nguyễn Văn Sáu (thế danh của thầy) thông qua xét duyệt hồ sơ đề cử của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
Thế nhưng, thật khó tin được khi thầy chỉ mới học xong lớp 3, chưa qua bất cứ trường lớp đào tạo làm khoa học nào nhưng lại nghiên cứu và nhân bản vô tính thành công giống sâm Ngọc Linh- “quốc bảo” của Việt Nam, và là người đầu tiên chế tạo thành công sản phẩm chiết xuất sinh khối sâm Ngọc Linh dạng viên nén có chất lượng cao-điều mà những GS-TS được đào tạo chính quy chưa thể làm được. Viên nén sâm Ngọc Linh đã giúp hỗ trợ điều trị cho rất nhiều người đang mắc bệnh nan y.