Hà Nam đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng Việt tại thị trường trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị Kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại thị trường trong nước trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2023, do Sở Công Thương tỉnh Hà Nam phối hợp với Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 28/11, là hoạt động thiết thực triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội nghị (Ảnh: báo Hà Nam)
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm tại Hội nghị (Ảnh: báo Hà Nam)

Tăng cường các giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm

Theo Sở Công thương tỉnh Hà Nam, thời gian qua, hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng, kết nối cung cầu giữa Hà Nam với các tỉnh, thành phố trong Vùng và trên cả nước đã được triển khai tích cực góp phần tăng cường giao thương sản phẩm, hàng hóa của Hà Nam nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, 650 lượt các doanh nghiệp, cơ sở của tỉnh đã được hỗ trợ tham gia khoảng 70 hội chợ, triển lãm thương mại tại các tỉnh, thành phố để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh…

Trong tháng 5/2023, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức thành công Hội chợ Công Thương vùng đồng bằng sông Hồng - Hà Nam 2023 với quy mô trên 285 gian hàng tiêu chuẩn với sự tham gia của gần 150 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hiện Sở Công Thương đang tích cực hỗ trợ xây dựng 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Dự kiến điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong tháng 12/2023, cùng với các điểm của các địa phương sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của các địa phương tới người tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của Hà Nam và các địa phương, vùng miền đã được quảng bá rộng rãi, từng bước thâm nhập vào các kênh phân phối hiện đại và hầu hết các sản phẩm đã có mặt trên thị trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh,... và được người tiêu dùng ưa chuộng, tín nhiệm.

Đặc biệt là các sản phẩm có tính thời vụ, cơ bản đã khắc phục được tình trạng “được mùa thì rớt giá, mất mùa thì giá tăng”.

Ngoài ra, đơn vị cũng đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển trong lĩnh vực thương mại điện tử như: Hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử với tên miền riêng của doanh nghiệp; Hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng website riêng; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Hà Nam tại địa chỉ “Santhuongmaihanam.com.vn” và các sàn TMĐT lớn trong nước như: Voso, Posmart…

Coi việc kết nối cung cầu hàng Việt là nhiệm vụ trọng tâm

Theo ông Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, Hội nghị kết nối cung cầu hàng Việt Nam tại tỉnh Hà Nam năm 2023 là cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối của Hà Nam cũng như các tỉnh, thành phố tiếp tục tìm kiếm đối tác, mở rộng liên doanh, liên kết. Đây cũng là một trong các hoạt động triển khai Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam bền vững.

“Tỉnh Hà Nam luôn chào đón và tạo điều kiện thuận lợi để các thương nhân, các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội siêu thị, các trung tâm thương mại, các tập đoàn phân phối bán lẻ trên cả nước đến với tỉnh”- ông Nguyễn Đức Vượng nhấn mạnh.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp phân phối hàng hóa đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, điều hành; giới thiệu về mô hình sản xuất, kinh doanh; tình hình cung ứng hàng hóa.

Sở công thương các tỉnh, thành phố ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Báo Hà Nam).

Sở công thương các tỉnh, thành phố ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác. (Ảnh: Báo Hà Nam).

Các đơn vị cũng đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường kết nối cung - cầu sản phẩm như: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng nhằm sản xuất các sản phẩm chất lượng, an toàn; quan tâm xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản sản phẩm; xây dựng các chương trình tuyên truyền có tính kết nối vùng để thông tin rộng rãi sản phẩm, hàng hóa của địa phương này tới các địa phương khác. Qua đó, giúp người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm để lựa chọn sử dụng hàng Việt Nam chất lượng thay thế cho sản phẩm nhập khẩu.

Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hình ảnh, thông tin của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia hội nghị. Phần lớn mặt hàng được trưng bày trong dịp này là các sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến nông sản, sản phẩm dinh dưỡng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ uống… Trong đó, nhiều sản phẩm của Hà Nam và các tỉnh, thành phố đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap, sản phẩm OCOP.

Cũng tại Hội nghị, đại diện Sở Công thương các địa phương, doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác.