Hà Nội còn 16 điểm úng ngập cục bộ

(PLO) - Thông tin trên được ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết tại cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chiều nay (26/4).
Ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội
Ông Võ Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội

Theo ông Võ Nguyên Phong, hệ thống thoát nước của TP hiện có 4 lưu vực chính (Tô Lịch, Tả Nhuệ, Long Biên, Hà Đông) nhưng mới đầu tư đồng bộ ở lưu vực Tô Lịch (gồm sông Sét, Lừ và Kim Ngưu), còn lại chỉ có hệ thống thoát nước cục bộ, chưa kết nối.

Do vậy, vào mùa mưa dự báo năm 2016 TP vẫn còn 16 điểm úng ngập cục bộ khi lượng mưa (từ 50 – 100mm/2h) cần giải pháp khắc phục, phòng chống, xử lý triệt để.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, dự án hướng đến mục tiêu hoàn thiện thoát nước lưu vực sông Tô Lịch nhằm giảm tải tác hại do ngập lụt ở lưu vực sông Tô Lịch, với chu kỳ bảo vệ 10 năm đối với sông và mương thoát nước ứng với lượng mưa 310mm/2 ngày.

Dự án II đang được gấp rút hoàn thành nhưng không hứa hẹn sẽ giảm úng ngập ở 16 điểm "đen" về úng ngập của TP (tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ) như ông Võ Nguyên Phong thừa nhận.

Làm rõ thêm, ông Võ Tiến Hùng – Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước Hà Nội khẳng định, số điểm úng ngập trong mùa mưa trên địa bàn TP đã giảm. Năm 2014 có 33 điểm; năm 2015 có 23 điểm, đến năm 2016 còn 16 điểm.

Trong đó nhiều điểm có đặc thù là vùng trũng, tụ thủy ở các nơi như ở khu vực Lê Duẩn, Cao Bá Quát... sẽ khó khắc phục kể cả khi các dự án về thoát nước và môi trường của Hà Nội hoàn thành. Khi đó, ông Võ Tiến Hùng cho biết, dự kiến toàn TP sẽ chỉ còn 5 điểm úng ngập.

Tiền TP đầu tư cải tạo nước mặt hồ lên đến 30 tỷ đồng nhưng nhiều dự án cải tạo chưa phát huy giá trị. Điển hình trường hợp hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) vừa cải tạo xong vẫn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt trực tiếp đổ ra hồ như báo Pháp Luật Việt Nam đã phản ánh, ông Võ Nguyên Phong cho biết, dự án cải tạo hồ Ngọc Khánh thuộc gói thầu bổ sung (cùng với mương ở Yên Sở) vẫn đang thuộc sự quản lý của nhà thầu.

Hồ được cải tạo để tách toàn bộ nước thải khỏi hồ. Nước thải sẽ theo hệ thống cống bao xung quanh hồ về trạm để bơm ra mương 36A gần Đài Truyền hình Việt Nam). Hồ chỉ chứa nước mưa. Tuy nhiên, do người dân vô ý thức xả rác xuống hồ nên có hiện tượng ô nhiễm như trên. 

Đọc thêm