Hà Nội đầu tư 3.226 tỷ đồng để xây dựng Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP. Hà Nội vừa mới ban hành Quyết định số 2216/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 về thành lập Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Dự án nằm trên địa bàn các xã Minh Trí, Tân Dân (huyện Sóc Sơn) có quy mô 302,8 ha đất, với tổng đầu tư dự kiến của Dự án là 3.226,92 tỷ đồng.
Phối cảnh quy hoạch tổng thể Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Phối cảnh quy hoạch tổng thể Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.

Theo quyết định, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DDK là nhà đầu tư xây dựng Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn tại các xã Minh Trí, Tân Dân (huyện Sóc Sơn) với diện tích 302,8ha.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư dự án dự kiến 3.226,92 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp của nhà đầu tư để thực hiện dự án là 850 tỷ đồng.

Thời gian thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước giao đất. Thời hạn hoạt động của dự án phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp là 50 năm, kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư.

Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DDK được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định hiện hành. 

Nhà đầu tư chỉ được thực hiện dự án sau khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.

UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá, xác định việc đáp ứng điều kiện cho thuê đất tại thời điểm cho thuê đất; bảo đảm điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong quá trình cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án. Đồng thời, có kế hoạch bổ sung diện tích đất hoặc tăng hiệu quả đất trồng lúa khác để bù lại phần đất trồng lúa bị chuyển đổi.

Về phía nhà đầu tư, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK phải ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án theo quy định.

UBND TP. Hà Nội cũng chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội và các cơ quan có liên quan phối hợp với Nhà đầu tư triển khai phương án đền bù, giải phóng mặt bằng theo quy định; triển khai các giải pháp liên quan đến đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

Trong đó có phương án xây dựng nhà ở, công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động; hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người dân bị thu hồi đất; thực hiện thu hồi đất phù hợp với tiến độ thực hiện Dự án và thu hút đầu tư để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến người dân bị thu hồi đất.

Đọc thêm