Hà Nội: Nhiều “uẩn khúc” trong vụ tai nạn giao thông gây chết người ở Ba Vì

(PLO) - Khẳng định kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì (TP Hà Nội) liên quan đến vụ tai nạn giao thông khiến con trai mình tử vong bỏ qua nhiều tình tiết quan trọng của vụ án, có dấu hiệu oan khuất cho người đã mất, ông Lê Văn Thu (trú tại khu chợ Mơ, xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì) đã làm đơn gửi đến Báo PLVN phản ánh và cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ.
Ông Lê Văn Thu trao đổi sự việc với phóng viên

Cái chết bất ngờ

Ông Thu trình bày: Khoảng 21h ngày 1/9/2013 con trai ông là Lê Tùng Lâm điều khiển xe mô tô BKS 29V1-053.87 chở sau là anh Lê Tiến Đạt đi theo hướng xã Phú Đông đến xã Vạn Thắng. Khi đi đến Km 3+750 tỉnh lộ 411 (thuộc địa phận thôn Tuấn Xuyên, xã Vạn Thắng) thì xảy ra va chạm với xe mô tô BKS 30X4-4058 do anh Nguyễn Quang Đồng (SN 1997, trú tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội) điều khiển chở sau là anh Nguyễn Văn Thế và Đỗ Quang Hưng đi theo hướng ngược lại. Nguyên nhân do anh Đồng chạy xe với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng. Hậu quả khiến anh Lâm tử vong trên đường đi cấp cứu.

Sau khi tiến hành điều tra, xác minh thu thập tài liệu, chứng cứ. Ngày 1/11/2013 Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì đã ra Kết luận điều tra số 184/KLĐT do Đại Tá Lê Quang Kha - Trưởng Công an huyện Ba Vì ký xác định: “Hành vi điều khiển xe mô tô của anh Lâm đi không đúng phần đường là nguyên nhân chính dẫn đến vụ TNGT”. Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 34 ngày 1/11/2013, căn cứ khoản 7 Điều 107 BLTTHS “người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”.

Cho rằng kết luận của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì thiếu khách quan, có dấu hiệu oan khuất cho người đã mất, gia đình ông Thu đã làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng yêu cầu xem xét lại nguyên nhân gây tai nạn và trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây tai nạn là anh Đồng.

Lập luận khó hiểu của cơ quan điều tra?

Theo ông Thu, mặc dù vụ TNGT xảy ra vào lúc 21h ngày 1/9/2013, nhưng hôm sau Công an huyện Ba Vì mới tiến hành khám nghiệm hiện trường. Biên bản khám nghiệm hiện trường được lập vào lúc 6h10’ ngày 02/9/2013, xác định: “Tình trạng hiện trường không còn nguyên vẹn do trong quá trình cấp cứu người bị nạn đã bị xáo trộn và thay đổi. Khám nghiệm hiện trường theo mô tả của người chứng kiến và đánh dấu của Ban Công an xã Vạn Thắng”.

 Như vậy, việc khám nghiệm hiện trường muộn đã làm cho hiện trường bị xáo trộn, thay đổi làm sai lệch hiện trường vụ tai nạn. Hơn nữa việc khám nghiệm hiện trường của Công an huyện Bà Vì là theo mô tả của người chứng kiến và đánh dấu của Công an xã Vạn Thắng thì phương pháp này hoàn toàn không khách quan...

Mặc dù sơ đồ hiện trường không thể hiện rõ tất cả các dấu vết có tại hiện trường, chỉ xác định có hai vết cày 1 và 2 . Đầu của 2 vết cày theo hướng nào chưa có cơ sở làm rõ, nhưng kết luận của Cơ quan CSĐT lại nhận định vết cày 1 có hình vòng cung chiều hướng từ Phú Đông đi Vạn Thắng do xe anh Lâm điều khiển tạo nên. Vết cày thứ 2 chiều hướng từ Vạn Thắng đi Phú Đông do xe anh Đồng điều khiển tạo nên là chưa đầy đủ và không đúng sự thật khách quan.

“Lẽ ra cần phải xem xét 2 đầu của vết cày 1 xem đầu nào nông, đầu nào sâu mới có căn cứ xác định hướng vết cày. Nhìn vào vết cày 1 hình vòng cung hướng từ phải vòng sang phải đường, so với vị trí của xe con tôi điều khiển sau tai nạn thì có phương hướng lệch nhau, do vậy về cơ học thì không thể do xe con tôi tạo ra được. Biên bản khám nghiệm hiện trường và quá trình thực nghiệm điều tra cũng không làm rõ vết cày 1 và 2 do bộ phận nào và của xe tạo nên, khi thực nghiệm hiện trường cũng không đưa xe bị tai nạn vào để thực nghiệm điều tra. Do đó kết luận như vậy là thiếu cơ sở”, ông Thu cho hay. 

Cũng theo ông Thu, bản kết luận điều tra nhận định: “Hành vi điều khiển xe của anh Lâm vi phạm khoản 1 Điều 9 Luật giao thông đường bộ quy định: “Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định. Hành vi điều khiển xe mô tô của anh Lâm đi không đúng phần đường là nguyên nhân chính dẫn đến vụ TNGT”  là  không đúng.

Bởi lẽ theo khoản 6 Điều 3 Luật Giao thông Đường Bộ năm 2008 như sau: “Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại”. Tại khoản 10 Điều 3 của luật này xác định, phần đường có 2 loại là phần đường dành cho xe cơ giới và phần đường dành cho xe thô sơ; hai phần đường này được phân chia bởi dải phân cách. Trong khi đường tỉnh lộ 411 không phân làn đường giữa xe cơ giới và xe thô sơ. “Vậy mà kết luận điều tra lại nhận định xe con tôi đi không đúng phần đường là chưa thật sự đầy đủ”, ông Thu phân tích.

Cần phải nói thêm rằng, nếu cho rằng vết cày 1 do xe anh Lâm tạo ra, vết cày 2 do anh Đồng tạo ra thì đầu của 2 vết cày đều nằm ở trạng thái giữa đường, đầu vết cày 1 cách lề đường phải 2,48m, lề đường làm chuẩn  hướng Vạn Thắng đi Phú Đông, đầu vết cày 2 cách lề đường phải 2,05m. Theo Luật giao thông đường bộ và Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Báo hiệu đường bộ (QCVN 41: 2012/BGTVT) thì việc xác định quy tắc “đi bên phải chiều đi của mình và đi đúng làn đường” là vạch kẻ đường và vạch kẻ tim đường.

Đường tỉnh lộ 411 lòng đường chỉ rộng 5m cho phép xe đi lại 2 chiều, nhưng không có vạch kẻ đường hay vạch kẻ tim đường theo quy định tại QCVN 41: 2012/BGTVT để phân cách hai luồng xe chạy ngược chiều. Nên vụ tai nạn này không thể xác định hành vi lấn làn đường hay hành vi không đi về bên phải chiều xe đi của mình theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn được.

“Đường tỉnh lộ 411 là đường không phân chia thành 2 chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều nhau phải tuân thủ quy định về “Tránh xe đi ngược chiều” theo quy định tại Điều 17 Luật Giao thông đường bộ và quy định này là mấu chốt để giải quyết vụ tai nạn giao thông này, nhưng Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì không áp dụng là sai lầm nghiêm trọng”, ông Thu cho hay. 

Hơn nữa, quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT cũng không làm rõ tốc độ cho phép mô tô tham gia giao thông trên đoạn đường xảy ra tai nạn là bao nhiêu km/h? Chưa làm rõ tốc độ xe do anh Đồng điều khiển tại thời điểm xảy ra tai nạn...

Về hành vi của anh Đồng, thời điểm xảy ra vụ tai nạn, anh Đồng mới 16 tuổi điều khiển xe mô tô dung tích 97cm3 chưa được cấp giấy phép lái xe. “Điều khiển xe mô tô lại chở 3, phóng nhanh, lạng lách làm cho con tôi điều khiển xe đi ngược chiều khi gặp không biết hướng để tránh...Tuy nhiên, kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì xác định Đồng không vi phạm và quy kết toàn bộ vi phạm cho con tôi hoàn toàn thiếu cơ sở”, theo ông Thu. 

Dấu hiệu bao che

Trước khiếu nại của ông Thu, ngày 9/5/2014 VKSND huyện Ba Vì có Quyết định số 01/KSĐT “Quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự”, xác định: “Xét Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 34 ngày 1/11/2013 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì là không có căn cứ, dựa trên các tài liệu điều tra chưa đầy đủ, nhất là Biên bản thực nghiệm điều tra lần 1 ngày 21/10/2013 không đưa xe máy của anh Nguyễn Quang Đồng vào thực nghiệm điều tra, hồ sơ chưa có lời khai của người điều khiển xe máy gây tai nạn Nguyễn Quang Đồng; xác định có dấu hiệu tội phạm “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 202 BLHS, xảy ra hồi 21h ngày 1/9/2013 tại km 3+750 thuộc địa phận thôn Tuấn Xuyên, xã Vạn Thắng” và “Quyết định Hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 34 ngày 1/11/2013 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì đồng thời yêu cầu Cơ quan điều tra Công an huyện Ba Vì tiến hành điều tra, thu thập tiếp các chứng cứ, phục vụ việc giải quyết triệt để  vụ việc...”.

Tuy nhiên, sau đó việc điều tra, xác minh lại của Công an huyện Ba Vì đã rơi vào im lặng một cách đến khó hiểu. Ông Thu sau đó đã có đơn gửi cơ quan chức năng trong đó có nội dung tố cáo Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì có hành vi cố tình kéo dài thời hạn giải quyết vụ việc, bao che cho hành vi vi phạm, bỏ lọt tội phạm. 

Ngày 23/12/2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì có Văn bản số 36/CSĐT trả lời khiếu nại của ông Thu đổ lỗi rằng:”Viện trưởng VKSND huyện Ba Vì ra quyết định hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự, nhưng không ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự theo đúng quy định tại khoản 1, Điều 104; khoản 2 Điều 109 của Bộ LTTHS. Do đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba vì không có căn cứ để điều tra vụ việc đúng căn cứ của pháp luật”.

Ngày 13/10/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì có Thông báo số 527/TB-CSĐT “Thông báo kết quả giải quyết tin báo”. Theo đó, sau khi VKSND huyện Ba Vì ra quyết định huỷ bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì, ngày 16/6/2015 CQĐT có Công văn số 288/CSĐT gửi VKSND huyện Ba Vì và giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn giao thông trên. 

Tuy nhiên, ngày 30/9/2015, VKSND huyện Ba Vì có Thông báo số 50/TB-VKS về kết quả kiểm sát việc giải quyết  tin báo đối với vụ tai nạn giao thông lại đưa ra quan điểm: Lê Tùng Lâm đi lấn làn đường ngược chiều... là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Hành vi của Lâm đã vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn giao thông trên là có căn cứ. Ngày 13/10/2015, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì tiếp tục ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 76/CSĐT đối với vụ tai nạn giao thông trên.

“Trong quá trình giải quyết, VKSND huyện Ba Vì ban hành Thông báo số 50/TB-VKS ngày 30/9/2015, Công an huyện Ba Vì ban hành Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 76/CSĐT, nhưng tôi không được biết. Điều này đã làm cản trở quyền khiếu nại, tố cáo của tôi”, ông Thu bức xúc.

Do không đồng tình với nội dung Thông báo số 527/TB-CSĐT ngày 13/10/2015 Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì, ông Thu đã khiếu nại đến VKSND huyện Ba Vì. Ngày 28/1/2016, VKSND huyện Ba Vì ban hành “Giấy báo tin” số 53/VKS-KT có nội dung đơn khiếu nại của ông Thu thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an huyện Ba Vì đồng thời chuyển đơn và đề nghị ông Thu đến Công an huyện Ba Vì để được giải quyết? Trong khi Công văn số 128/CSĐT ngày 5/1/2016 của Công an huyện Ba Vì trả lời ông Thu lại cho rằng đơn khiếu nại của ông Thu thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND huyện Ba Vì và chuyển khiếu nại của ông Thu đến VKSND huyện Ba Vì.

“Rõ ràng VKSND và Công an huyện Ba Vì đã đùn đẩy trách nhiệm giải quyết khiếu nại của tôi. Dường như đến lúc này họ đã bao che nhau?”, ông Thu hoài nghi.

Đến ngày 1/6/2016, VKSND huyện Ba Vì có Quyết định giải quyết khiếu nại số 02/QĐ-VKS-KT giữ nguyên Quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 76 ngày 13/10/2015 và Thông báo về việc giải quyết tin báo số 527 ngày 13/10/2015 của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì, đồng thời bác đơn khiếu nại của ông Thu. Lý do được đưa ra, ngày 20/5/2016  mới nhận quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an huyện Ba Vì chuyển đến… 

Không đồng ý với cách giải quyết của Công an và VKSND huyện Ba Vì, ông Thu liên tiếp có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ vụ tại nạn giao thông khiến con trai ông tử vong.

Đọc thêm