Nội dung giải trình sẽ tập trung vào 2 vấn đề là công tác quản lý trật tự xây dựng và công tác quản lý giao thông. Trong đó, công tác quản lý trật tự xây dựng sẽ tập trung vào tình hình, kết quả và tồn tại, hạn chế trong 3 năm triển khai thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị” từ ngày 01/01/2014 đến tháng 8/2016; tình hình, kết quả và tồn tại, hạn chế trong cấp phép xây dựng và công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra sau cấp phép; tình hình, kết quả xử lý công trình “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ và các trường hợp thửa đất không đủ điều kiện xây dựng, công trình “siêu mỏng, siêu méo” phát sinh mới trên các tuyến đường mới mở; việc thực hiện Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị; cải tạo nâng cấp hệ thống chiếu sáng đô thị, đầu tư hệ thống công viên, vườn hoa…
Trong công tác quản lý giao thông, phiên giải trình sẽ tập trung vào tình hình, kết quả và tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách của phương tiện xe khách liên tỉnh; tình hình quản lý, kết quả xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, xe 3 bánh, xe điện trên địa bàn thành phố…
Đối tượng giải trình sẽ bao gồm UBND TP và các Sở Xây dựng, Giao thông, Quy hoạch kiến trúc và một số quận, huyện, thị xã.
Liên quan lĩnh vực đô thị, HĐND Hà Nội vừa có quyết định thành lập đoàn giám sát kiểm tra tỉ lệ trích diện tích dành làm nhà ở xã hội (NOXH) của các dự án nhà đất trên địa bàn thành phố.
Về nội dung giám sát, HĐND TP yêu cầu xem xét, đánh giá việc triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành TP; xem xét, đánh giá việc triển khai dự án phát triển các đường giao thông theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời thu hồi đất hai bên đường để sử dụng theo quy hoạch.
Ngoài ra, đoàn còn xem xét, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện quy định khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn thành phố có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển NOXH.
Theo UBND TP, trong 8 tháng đầu năm 2016, đã có 15 đơn vị ở Hà Nội tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) với diện tích đất 21,3ha, thu về 2.426 tỷ đồng, đạt 58% kế hoạch năm 2016.
Theo kế hoạch, năm 2016, thành phố dự kiến thu hơn 3.050 tỷ đồng từ đấu giá đất, gồm các dự án từ 5.000m2 trở lên thuộc thành phố quản lý. Số còn lại là đất nhỏ lẻ, xen kẹt dưới 5.000m2 do quận, huyện, thị xã quản lý. Trước đó, năm 2015, từ hoạt động đấu giá đất, Hà Nội đã thu gần 3.400 tỷ đồng, vượt gần 30% kế hoạch năm.