Thêm 3 sản phẩm trà đạt OCOP 5 sao
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa ban hành Quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp quốc gia đợt 1 năm 2025.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong đợt này, cả nước có 47 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Trong đó, TP Hà Nội có 3 sản phẩm là: Trà phúc, Trà lộc, Trà thọ của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Thăng Long (xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ).
Các sản phẩm OCOP 5 sao được Bộ Nông nghiệp và Môi trường trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; được sử dụng biểu trưng OCOP quốc gia trên bao bì, nhãn mác và các tài liệu giới thiệu, quảng bá về sản phẩm theo quy định. Kết quả phân hạng có giá trị 36 tháng, kể từ ngày công nhận.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương có trách nhiệm thông báo kết quả đánh giá, phân hạng đến UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và chủ thể OCOP.
Cùng với đó, Văn phòng có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ các sản phẩm OCOP cấp Quốc gia để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, giới thiệu, xúc tiến thương mại trên thị trường trong và ngoài nước.
Hướng dẫn các chủ thể OCOP sử dụng và in biểu trưng OCOP trên bao bì sản phẩm theo quy định; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra định kỳ các sản phẩm…
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tổ chức khen thưởng theo quy định; tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể OCOP nâng cao chất lượng; ưu tiên hỗ trợ hoạt động quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại, sử dụng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia làm quà tặng, quà biếu trong các hoạt động ngoại giao và các sự kiện của địa phương.
Các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP cấp quốc gia có trách nhiệm tổ chức quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm theo đúng Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; tiếp tục nâng cao chất lượng, hình ảnh sản phẩm trên thị trường.
Dòng chảy đặc sản ‘có linh hồn’ đang tìm đường hòa vào mạch thị trường lớn
OCOP, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, đã đi qua hơn 5 năm lan tỏa, mang theo ước mơ của những bàn tay người nông dân. Như vậy, tính đến nay trên cả nước đã có hơn 16.000 sản phẩm OCOP, gấp hơn 3 lần so với năm 2020. Trong đó, có 126 sản phẩm đạt 5 sao. Đây đều là những sản phẩm tinh hoa, chất lượng cao, chứa đựng giá trị bản địa nguyên bản.
Trước đó, trong cuộc họp của Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP quốc gia (Hội đồng OCOP quốc gia), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Trần Thanh Nam nhấn mạnh, OCOP không chỉ để tiêu thụ nông sản, mà là cách để những hộ dân nhỏ lẻ, HTX, nghệ nhân thủ công... có cơ hội làm thương hiệu, bước chân vào thị trường lớn, cả trong nước lẫn quốc tế.
Từ tháng 11 năm ngoái đến cuối tháng 4 năm nay, Hội đồng OCOP quốc gia đã tiếp nhận 82 hồ sơ phân hạng sản phẩm. Trong đó, thực phẩm chiếm 62 sản phẩm, thủ công mỹ nghệ 14, dược liệu 5, du lịch cộng đồng 1. Tất cả cho thấy sự tập trung vào những dòng sản phẩm có hàm lượng bản sắc cao.
Riêng tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2019 đến nay Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 3.317 sản phẩm OCOP (chiếm 21,3% của cả nước), trong đó có 6 sản phẩm 5 sao, 22 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.571 sản phẩm 4 sao và 1.718 sản phẩm 3 sao. Hà Nội đang là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP.
Với sự công nhận mới nhất của Hội đồng OCOP quốc gia, Hà Nội hiện đã có thêm 3 sản phẩm mới đạt OCOP 5 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP 5 sao lên 9.
Chương trình OCOP, như cách ví von của Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đang dần hình thành như một dòng chảy đặc sản có định danh, có chứng nhận, có truy xuất và “có linh hồn”. Một dòng chảy lặng lẽ nhưng sâu, bắt nguồn từ làng, từ nếp nghề tổ tiên, đang tìm đường hòa vào mạch thị trường lớn.
Trong bối cảnh làn sóng chống hàng giả và đòi hỏi minh bạch ngày càng cao từ người tiêu dùng, OCOP nổi bật như một dòng sản phẩm “có lý lịch rõ ràng, bao bì chuẩn hóa, mang đặc trưng vùng miền”. Theo Thứ trưởng, đó là “lợi thế cạnh tranh mềm” mà không phải dòng sản phẩm nào cũng có được.
Không chỉ góp phần tăng thu nhập cho cư dân nông thôn, OCOP còn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa giá trị văn hóa thành giá trị kinh tế. Bước phát triển theo chiều sâu này góp phần tạo dựng nền tảng cho nông thôn mới giai đoạn tiếp theo.
***
“Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội”