Hà Nội tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông và cháy nổ

(PLO) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 3 của HĐND TP Hà Nội khóa XV, ngày 7/12 nhiều đại biểu (ĐB) đã thực hiện phiên chất vấn về nhóm vấn đề quản lý đô thị và phòng cháy chữa cháy (PCCC) trên địa bàn TP. 

Theo ĐB Phạm Thị Thanh Mai, vấn đề PCCC đã được kiến nghị, chất vấn trong nhiều kỳ họp, nhưng qua theo dõi thì công tác này chưa thấy có nhiều chuyển biến, khiến nhân dân chưa thấy yên tâm. “Đề nghị Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết bài học kinh nghiệm rút ra trong việc chưa quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước về PCCC; trách nhiệm của Cảnh sát PCCC trong việc năng lực chuyên môn chưa đủ”, ĐB Mai nêu câu hỏi đồng thời đề nghị Giám đốc Sở Xây dựng cho biết bao giờ thì hoàn thành việc quản lý và yêu cầu các chủ đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng thực hiện đúng quy định của Luật về PCCC?

Cũng quan tâm đến vấn đề PCCC, ĐB Nguyễn Hoài Nam đề nghị Giám đốc Công an thành phố cho biết kết quả xử lý sai phạm của những người có trách nhiệm trực tiếp liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại cơ sở karaoke số 68 Trần Thái Tông trên địa bàn quận Cầu Giấy và đề nghị Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết đã kiểm điểm, đánh giá lại năng lực và trách nhiệm của cơ quan PCCC từ sau vụ cháy tại quận Cầu Giấy hay chưa?

Giải trình các nội dung tái chất vấn của ĐB, Giám đốc Công an thành phố Đoàn Duy Khương cho biết, hiện nay, trên toàn TP có 1.317 cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó, 1.234 cơ sở đã được cấp phép đủ điều kiện về an ninh trật tự. Năm 2016, thu hồi 50 giấy phép kinh doanh có điều kiện, phạt 367 triệu đồng. Đối với quán karaoke 68 Trần Thái Tông đang trong quá trình xin cấp phép nhưng Công an thành phố chưa nhận được hồ sơ xin cấp, cơ quan chức năng đã kiểm tra và nhắc nhở không được hoạt động nhưng quán karaoke vẫn lén lút hoạt động. Ngay sau khi sự việc xảy ra Công an thành phố đã kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, đặc biệt đối với Công an quận Cầu Giấy và Công an phường sở tại.

Trước câu trả lời này, ĐB Nam cho rằng, kinh doanh karaoke thì không thể lén lút, nếu các cơ quan chức năng mà không cho hoạt động thì cơ sở không thể hoạt động được. Hầu hết các cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay đều không đủ điều kiện hoạt động về PCCC, vì vậy số liệu do Công an thành phố đưa ra là chưa thể hiện hết trách nhiệm, đề nghị Công an thành phố phải kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh để không xảy ra tình trạng đáng tiếc như vừa qua.

Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC - Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định, về trách nhiệm năng lực chuyên môn, lực lượng Cảnh sát PCCC Hà Nội có tiến bộ nhưng chất lượng còn hạn chế, phương châm xây dựng lực lượng trong năm tới luôn đặt ra là xây dựng theo hướng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại. Sau việc xảy ra hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng, Sở đã ý thức được trách nhiệm của lực lượng PCCC để rút ra bài học kinh nghiệm trên nhiều góc độ.

Liên quan đến vấn đề giao thông, nhiều ĐB lo lắng trong thời gian tới, với tốc độ dân số dồn về trung tâm như hiện nay, Hà Nội sẽ rơi vào tình trạng kẹt cứng giao thông. Vậy Hà Nội sẽ giải quyết căn bản câu chuyện tắc nghẽn giao thông như thế nào trong thời gian tới?

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, về quy hoạch tổ chức giao thông cho Hà Nội, Sở đã tổ chức hội thảo có 264 đại biểu tham gia. Các đại biểu và nhà quản lý đã đóng góp rất nhiều giải pháp, trong đó có 6 giải pháp cơ bản để đảm bảo chống ùn tắc giao thông lâu dài gồm: Đầu tư kết cấu giao thông, hạ tầng giao thông đồng bộ; phát triển hệ thống giao thông công cộng, hiện nay TP đang triển khai được 2/6 tuyến đường sắt đô thị; tổ chức giao thông hợp lý, khoa học, phù hợp, hiện UBND TP đang tổ chức các cuộc thi để tìm ra giải pháp giao thông; quản lý, tổ chức điều hành hệ thống giao thông thông minh; quản lý phương tiện giao thông cá nhân như ô tô, xe máy và các phương tiện khác, có lộ trình giảm dần xe máy và tiến tới dừng xe máy ở khu vực nội đô; kết hợp tuyên truyền giáo dục và nâng cao ý thức pháp luật với xử lý nghiêm vi phạm. 

Đọc thêm