Hà Nội: Vì sao bản án phúc thẩm bị kháng nghị?

(PLO) - Mới đây, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm của TAND TP Hà Nội về phần con chung trong vụ án “Ly hôn” giữa chị Đỗ Việt Hà (trú phòng 50212A, Times City Park Hill, 458 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) và anh Vũ Phạm Bình Nguyên.
Hình minh họa. Nguồn Internet

Nội dung vụ án

Phản ánh đến Báo PLVN, chị Đỗ Việt Hà cho biết, chị kết hôn với anh Vũ Phạm Bình Nguyên (trú tại số B7, lô B15, Đông Quan, tổ 49, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy) vào năm 2014. Giữa chị và anh Nguyên có một con gái chung là cháu Vũ Nguyên Khánh An (SN 2014). Trong quá trình chung sống, do cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc nên chị đã đệ đơn ly hôn anh Nguyên đến TAND quận Cầu Giấy.

Ngày 28/2/2017, TAND quận Cầu Giấy đưa vụ án “Tranh chấp hôn nhân gia đình” giữa nguyên đơn là chị Hà và bị đơn là anh Nguyên ra xét xử. 

Bản án số 05/2017/HNGĐ-ST ngày 28/2/2017 của TAND quận Cầu Giấy đã quyết định: Chấp nhận đơn yêu cầu ly hôn và xử chị Hà được ly hôn anh Nguyên. Về con chung, giao cho chị Hà là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác; anh Nguyên có quyền thăm nom con chung không ai được cản trở. Về tài sản chung, chị Hà và anh Nguyên tự nguyện đề nghị không giải quyết, nên tòa không giải quyết.

Ngày 13/3/2017, anh Nguyên có đơn kháng cáo không chấp nhận đơn ly hôn của chị Hà. Nếu phải ly hôn, đề nghị tòa án giao con cho anh chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngày 23/6/2017, TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử - do Thẩm phán Phan Quyết Thắng làm chủ tọa phiên tòa. Bản án số 60/2017/HNGĐ-PT phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của anh Nguyên, sửa Bản án sơ thẩm số 05/2017/HNGĐ-ST ngày 28/2/2017 của TAND quận Cầu Giấy, giao cháu Khánh An cho anh Nguyên là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc cho đến khi đủ 18 tuổi hoặc có sự thay đổi khác.

Án phúc thẩm bị kháng nghị

Không đồng tình với quyết định của TAND TP Hà Nội, chị Hà cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án còn rất nhiều mâu thuẫn cần được làm rõ. Cụ thể, tại phiên tòa tình tiết được tranh luận nhiều nhất là việc anh Nguyên đang nuôi con riêng và thường xuyên đi công tác, việc chăm con hoàn toàn nhờ vào mẹ đẻ, nhưng nội dung này đã không được cho vào nội dung của bản án. Bên cạnh đó, bản án có sự mâu thuẫn về thời gian nhằm có lợi cho bị đơn. 

“Trong phần tóm tắt nội dung bản án sơ thẩm có ghi nhận tôi do mâu thuẫn với anh Nguyên nên đã chuyển ra ngoài ở từ tháng 9/2016, tính đến thời điểm xét xử phúc thẩm vào ngày 23/6/2017 là 10 tháng. Tuy nhiên, HĐXX lại cho rằng tôi không ở với anh Nguyên đã được 01 năm, cháu Khánh An đã quen nếp sống cũ để làm cơ sở cho rằng tôi không đủ điều kiện nuôi con? Chẳng lẽ HĐXX không biết tính thời gian hay họ đã cố tình làm như vậy?’’, chị Hà cho biết.

Cho rằng phán quyết của cấp phúc thẩm không khách quan, chị Hà đã làm đơn gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ngày 23/11/2017, Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 19/2017/KN-HNGD đối với Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 60/2017/HNGĐ-PT ngày 23/6/2017 của TAND TP Hà Nội về phần con chung giữa nguyên đơn là chị Hà với bị đơn là anh Nguyên. Đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm theo hướng sửa Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 60/2017/HNGĐ-PT của TAND TP Hà Nội về phần con chung. Tạm đình chỉ thi hành Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 60/2017/HNGĐ-PT của TAND TP Hà Nội về phần con chung cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm. 

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm nêu rõ: xét về điều kiện nuôi con chung thì chị Hà và anh Nguyên đều có công việc và thu nhập ổn định, đủ điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc con chung. Tuy nhiên, đến thời điểm xét xử phúc thẩm cháu Khánh An mới được 3 tuổi 1 tháng, lẽ ra trong trường hợp này tòa án phúc thẩm cần giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, giao cho chị Hà trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc cháu mới đúng. Hơn nữa, cháu là bé gái còn nhỏ tuổi nên rất cần sự chăm sóc, nuôi dưỡng trực tiếp của người mẹ mới đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của cháu. Tòa án cấp phúc thẩm giao cháu cho anh Nguyên trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc là không đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự.

Đọc thêm