Hà Nội ngày càng thay da, đổi thịt
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Thực hiện lời Bác dạy, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nỗ lực không ngừng để bảo vệ, xây dựng và phát triển Thủ đô.
Ngày 1/8/2008 đánh dấu mốc son lịch sử mới, mở ra thời kỳ phát triển giàu tiềm năng của Thủ đô Hà Nội. Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) sáp nhập vào Thủ đô. Sau khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ đô, nay Hà Nội có 30 quận, huyện, thị xã với 584 xã, phường, thị trấn; diện tích hơn 3.358 km², dân số hơn 8,5 triệu người (theo thống kê META tính đến tháng 2/2022).
Hơn một thập kỷ trôi qua, trên khắp các vùng quê của ngoại thành Hà Nội thay đổi từng ngày, từng giờ. Nhiều người lao động đã được đào tạo nghề, được tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhờ những mô hình sản xuất, kinh doanh hay để làm giàu ngay trên đất quê hương.
Thủ đô tiếp tục gương mẫu đi đầu trên mọi “mặt trận,” đạt được những thành tựu nổi bật, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả nước. Hà Nội có điều kiện tốt hơn để bố trí lại các khu công nghiệp, các khu chức năng khác của Thủ đô cho phù hợp với yêu cầu thị trường, môi trường và cảnh quan. Thủ đô trở nên hấp dẫn, có sức hút hơn, thêm các nguồn đầu tư, góp phần khai thác, mở rộng tiềm năng sẵn có của địa phương và các thị trường liên quan.
Và Hà Nội đã thay da đổi thịt! Những công trình được xây dựng, những mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, thay đổi đời sống nhân dân được đề ra. Đi giữa phố phường Hà Nội những ngày này khó có thể hình dung khi xưa, mảnh đất này từng hứng đầy mưa bom bão đạn.
|
Hồ Gươm - mắt ngọc của Thủ đô Hà Nội. |
Phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Những công trình giao thông có quy mô, hiện đại là biểu tượng của sự tăng trưởng kinh tế và giao thông đô thị Hà Nội trong một thập kỷ qua, có thể kể đến như cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đại lộ Thăng Long, đường vành đai 3 và vành đai 3 trên cao, đường vành đai 2, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài… đã hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Những công trình này đã nâng cao năng lực giao thông của Thủ đô Hà Nội, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn. Cùng với đó, quy trình, quy chuẩn quản lý đô thị theo hướng hiện đại, hệ thống cây xanh, thảm cỏ, công viên, vườn hoa, chiếu sáng thực hiện theo yêu cầu kỹ, mỹ thuật tiên tiến, hình thành tuyến phố kiểu mẫu… hướng tới xây dựng đô thị thông minh.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp, thống nhất với đánh giá của các Bộ, cơ quan về tính cấp thiết và cấp bách phải đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (Dự án). Việc sớm triển khai Dự án sẽ góp phần cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua; các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hà Nội, Luật Thủ đô; các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Thành phố, các tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Đặc biệt, Dự án sẽ góp phần đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đóng vai trò quan trọng trong việc mở ra không gian phát triển mới, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, khai thác hiệu quả quỹ đất của Thủ đô và các địa phương trong khu vực; nâng cao kết nối vùng, gắn kết để phát huy hiệu quả các tuyến cao tốc hướng tâm hiện hữu; giảm thiểu thiệt hại chi phí xã hội do ùn tắc, tai nạn giao thông; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các địa phương… Đồng thời, còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Còn nhiều tiềm lực to lớn cần được thúc đẩy
Hiện nay, Hà Nội là một trong những trung tâm thương mại, tài chính - tiền tệ của cả nước. Công nghiệp được sắp xếp lại và có bước phát triển mạnh theo hướng ưu tiên các ngành hàng, nhóm sản phẩm công nghiệp có công nghệ hiện đại, hàm lượng trí tuệ cao, hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản, hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất tập trung; bước đầu hình thành nền nông nghiệp sạch, áp dụng công nghệ cao và phát triển nông nghiệp sinh thái.
|
Đường Thanh Niên đẹp đến nao lòng mỗi dịp hè về hoa phượng nở. |
Công tác giáo dục - đào tạo có sự phát triển toàn diện. Hà Nội trở thành trung tâm đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài của đất nước. Công tác y tế có bước phát triển vững chắc, Hà Nội là nơi tập trung nhiều bệnh viện lớn và hiện đại nhất nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chính sách xã hội được thực hiện tốt, chương trình xóa đói, giảm nghèo được triển khai tích cực… Hà Nội đã xây dựng và hoàn thiện được thế trận an ninh quốc phòng vững chắc, bảo đảm hòa bình; giữ vững ổn định chính trị; nhân dân được sống trong sự yên bình.
Hà Nội cũng là nơi luôn quan tâm phát triển văn hóa - xã hội để xứng đáng vị trí là trung tâm văn hóa của cả nước. Thành phố đã tổ chức quy hoạch, phát triển văn hóa; đã xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội, tăng cường tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử… Các phong trào xây dựng nếp sống văn minh được phát triển với nhiều hình thức phong phú, được các tầng lớp nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.
Hà Nội trở thành điểm đến của nhiều sự kiện quốc tế. Hình ảnh Thủ tướng Australia John Howard thong thả chạy bộ buổi sáng ở hồ Hoàn Kiếm; Tổng thống Pháp Francois Hollande tản bộ trong khu phố cổ; Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân; tháng 2/2019, Hà Nội đã được Hoa Kỳ và Triều Tiên chọn là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 2 giữa hai bên – đây cũng là dịp thủ đô Hà Nội kỷ niệm 20 năm nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng; ngày 20/10/2020, trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đi dạo một vòng quanh Hồ Gươm vào sáng sớm trước khi kết thúc chuyến công du ở Việt Nam… cùng những sự kiện được diễn ra tại Hà Nội càng thể hiện rõ tinh thần hòa bình, thân thiện có sẵn ở mảnh đất nghìn năm văn hiến.
|
Hoa sữa ngọt ngào các góc phố Hà Nội mỗi độ thu sang. |
Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng không gian sáng tạo. Tiêu biểu như: Không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm; không gian bích họa Phùng Hưng, Hợp tác xã Vụn Art (tranh ghép vải), dự án Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội... Bên cạnh đó, Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh xây dựng trung tâm sáng tạo, thành phố thông minh, quỹ văn hóa… nhằm khai thác, chuyển hóa các nguồn lực văn hóa thành sức mạnh, động lực phát triển Thủ đô.
Trên tất cả, Hà Nội vẫn còn mang trong mình nhiều tiềm lực to lớn cần được thúc đẩy hơn nữa cho phát triển bền vững, trong đó sự kiện được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”, ghi danh vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo, được bạn bè quốc tế tôn vinh là “Thành phố của lương tri và phẩm giá con người” là sự ghi nhận và nguồn động lực cho những nỗ lực của Thủ đô Hà Nội.
Hơn 2 năm qua, Hà Nội cùng cả nước căng mình chống dịch. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Thành phố đã thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khôi phục và phát triển kinh tế.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2022 tăng 5,83% (cả nước tăng 5,03%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện là 102.402 tỉ đồng, đạt 32,9% dự toán, tăng 19,6% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 76,26 nghìn tỉ đồng, tăng 7,8%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 9,1% - cao hơn cùng kỳ (6,8%)...