Nhiều bất hợp lý
Công trình thuộc Dự án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương, với tổng mức đầu tư 152,449 tỷ đồng; trong đó kinh phí xây dựng là 121,776 tỷ đồng, gồm phần bến chính dài 460 m và phần kè ngăn cát, giảm sóng dài 230m.
Mục đích nhằm đảm bảo đội tàu cá của thôn Đông Yên tại khu tái định cư mới và các xã lân cận, bến thuyền có thể chứa 336 chiếc tàu trong thời gian ít nhất 240 ngày trong một năm. Thậm chí, tàu thuyền có thể hoạt động an toàn trong bến neo đậu khi gió cấp 6, sóng cấp 5.
Đầu tư lớn như vậy, nhưng đáng nói dự án chưa bàn giao đã có biểu hiện xuống cấp ở các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng; khu vực xây dựng bến neo, đậu tàu thuyền bị cát lấn chiếm khiến công trình gặp nhiều bất cập và ngư dân không đồng tình.
Ngư dân Mai Văn P. (ở xã Kỳ Nam) bức xúc: Sống ở đây từ bé với nghề đi biển, chúng tôi rõ hơn ai hết. Họ xây dựng cửa ra vào tại vị trí nước quá nông, phía ngoài cửa bến neo đậu có một khu vực cạn nên khi có bão thì vị trí này sẽ hình thành những ngọn sóng cao, lớn hơn những vị trí khác dễ gây nguy hiểm cho tàu thuyền ra vào. Thực tế đơn vị thiết kế bến chưa tìm hiểu kỹ về khu vực này.
Trao đổi với lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, được biết: Hiện công trình bến neo đậu tàu thuyền ở phường Kỳ Phương đã hoàn thành khối lượng công việc nhưng chưa bàn giao vì có nhiều việc, liên quan về chất lượng và công trình này vượt khỏi tầm kiểm soát của Ban nên mọi việc phải để tỉnh giải quyết.
Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết vị trí được chọn lựa lúc đầu là ở khu vực phía Bắc Khu tượng, vị trí này đắc địa hơn để xây dựng bến thuyền vì có một mỏm núi chạy thẳng ra biển có thể che chắn tốt hơn, nhưng không hiểu sao đến phút chót lại thay đổi vị trí ? Đặc biệt, các bên đã thống nhất với nhau về việc chọn vị trí xây dựng chợ cá ở đâu, thì khi đó sẽ đặt bến neo đậu tàu thuyền ở đó.
Thế nhưng, vị trí bến neo đậu tàu thuyền thay đổi, chợ cá cũng vì thế mà vắng tanh không ai ngồi họp vì không thuận lợi, không có đường nối từ bến neo đậu xuống. Trong khi đó, đối với hàng trăm hộ ngư dân thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, nay chuyển đến khu TĐC Kỳ Phương và Kỳ Nam sinh sống) thì đánh bắt thủy hải sản là một nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm trước.
Cát vùi cọc neo thuyền |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Đại diện đơn vị thi công, Nguyễn Văn Thái - Cty CP xây dựng thương mại Bắc Á cho biết: Hiện công trình này đã hoàn thiện nhưng chưa bàn giao được, vì trong quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn, bản thân đơn vị thi công đã hết sức cố gắng đảm bảo tiến độ, cũng như chất lượng, đúng như hồ sơ thiết kế, bản vẽ.
Song trong quá trình bến thuyền vừa làm lại phải chấp nhận cho các thuyền bè của ngư dân ra vào tránh gió và đi biển, nên có một số điểm bị cát vùi, trong khi đó bến thuyền này thiết kế là chỉ đáp ứng cho chịu gió bão cấp 6; khó khăn nhất là bến này lại nằm giữa biển, không nằm vào bất kỳ luồng, lạch nào nên rất khó và thi công chủ yếu làm vào tháng 3,4,5.
Hiện công trình chưa đưa vào sử dụng, nhưng đã có hiện tượng cát ở ngoài biển theo sóng chảy vào trong âu thuyền khiến một khu vực lớn bị bồi lấp, làm cho diện tích bị thu hẹp. Theo chân một số ngư dân, tại công trình chúng tôi ghi nhận, một số khu vực tại bờ kè chắn cát có hiện tượng sụt, các trụ bê tông theo kiểu thùng chìm có dấu hiệu lệch, nghiêng ngả so với vị trí ban đầu. Các trụ bê tông dùng để neo tàu, thuyền bị cát vùi lấp hơn một nửa.
Theo ông Bùi Đức Toàn - Giám đốc đơn vị tư vấn thiết kế: Lúc đầu ý định của tỉnh Hà Tĩnh là xây dựng cầu cảng, nhưng sau đó chuyển sang thiết kế bến neo đậu tàu thuyền. Tiêu chí của UBND tỉnh và mục tiêu dự án của bến neo tàu thuyền trong điều kiện mưa bão vẫn chịu được gió bão, tránh sóng tràn, tức là được phép sóng tràn qua đê và không làm ảnh hưởng đến kết cấu của dự án; còn nếu không đứng vững thì đó mới là lỗi của thiết kế.
Ông Toàn cho biết, bến này không qui hoạch cho việc tránh trú bão, mà chỉ là một bến neo thuyền vào những ngày bình thường, còn Âu tránh bão thì độ cao của đỉnh đê phải cao hơn nữa chứ không phải như thế này. Còn nguyên nhân vì sao có hiện tượng bồi lấp và cát vùi, hiện công ty đang cố gắng tìm nguyên nhân xem có phải là lỗi nhà thiết kế hay không?.
Ngày 31/05, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh đã ký quyết định thành lập hội đồng khoa học để đánh giá thực trạng thiết kế, thi công sử dụng và đề xuất giải pháp điều chỉnh bến neo đậu tàu, thuyền này. Mùa mưa bão đang đến gần và nỗi lo không có chỗ neo đậu, tránh bão đang hiện dần đối với bà con ngư dân. Thiết nghĩ, UBND tỉnh Hà Tĩnh cần kiểm tra làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên. PLVN sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.