Luật Di sản văn hóa phân các khu vực bảo vệ di tích thành: Khu vực bảo vệ I (vùng có có các yếu tố gốc cấu thành di tích) và Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp với khu vực bảo vệ I.
Theo đó, về nguyên tắc, khu vực I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Trường hợp đặc biệt có yêu cầu xây dựng công trình trực tiếp phục vụ việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, việc xây dựng phải được sự đồng ý bằng văn bản của người có thẩm quyền xếp hạng di tích đó.
Đối với khu vực II, việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích cấp tỉnh phải được sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Việc xây dựng công trình quy định tại khoản này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích. (Điều 32).
Ngoài ra, điều 36 cũng quy định: Khi phê duyệt dự án cải tạo, xây dựng các công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích quy định tại Điều 32 của Luật này (khu vực I,II) mà xét thấy có khả năng ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích thì phải có ý kiến thẩm định bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch.
Bảo toàn là một trong những nguyên tắc của quá trình trùng tu được đưa ra trong Hiến chương Quốc tế (Venice) về Bảo tồn và Trùng tu Di tích và Di chỉ (1964): “Việc bảo tồn một di tích bao hàm bảo tồn một khung cảnh nằm trong phạm vi liên quan tới di tích. Khi hãy còn một khung cảnh truyền thống thì khung cảnh đó phải được bảo vệ. Không một công trình xây dựng gì mới, một sự phá huỷ hoặc sửa sang nào mà làm biến đổi mối tương quan giữa khối hình và màu sắc được phép tiến hành” (Điều 6).
“Tiến trình trùng tu là một thao tác có tính chuyên môn cao. Mục đích của trùng tu là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích, và phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực. Trùng tu phải ngừng lại ngay khi bắt đầu có sự phỏng đoán, hơn nữa trong trường hợp đó, nếu xét thấy nhất thiết phải làm thêm một cái gì đó vì lý do thẩm mỹ hoặc kỹ thuật thì bộ phận làm thêm đó phải phân biệt được với bố cục kiến trúc và phải ghi rõ dấu ấn niên đại lúc thực hiện.
Bất kỳ trong trường hợp nào, trước và sau khi trùng tu phải có nghiên cứu di tích về mặt khảo cổ và lịch sử” (Điều 9). Các phần xây đắp thêm chỉ được chấp nhận ở mức độ chúng vẫn tôn trọng các bộ phận độc đáo của toà kiến trúc, khung cảnh truyền thống của kiến trúc, tính cân đối của bố cục kiến trúc và mối quan hệ của kiến trúc với môi trường xung quanh (Điều 13).
Liên quan đến giải pháp công nghệ và vật liệu phục vụ trùng tu, cả Luật Di sản văn hóa, Thông tư hướng dẫn và cả những hiến chương quốc tế đều khuyến khích dùng vật liệu, kỹ thuật truyền thống. Vật liệu và kỹ thuật hiện đại có thể được sử dụng nhưng ở mức hạn chế và phải trên cơ sở nghiên cứu, tính toán kỹ.
Điều 4 Hiến chương Burra (1999) ghi: “Các kỹ thuật và vật liệu truyền thống cần được ưu tiên sử dụng trong việc bảo vệ ý nghĩa của kết cấu. Trong một số tình huống và dưới một số điều kiện nhất định nào đó, kỹ thuật và vật liệu hiện đại nào có lợi rõ rệt cho việc bảo vệ thì có thể tính toán để sử dụng”. “Việc sử dụng kỹ thuật và vật liệu hiện đại phải dựa trên những cứ liệu và kinh nghiệm vững chắc” (Điều 5).
Thông tư 15/2-19/TT-BVHTTDL cũng đề ra nguyên tắc trong hoạt động thi công, tu bổ di tích là: “Ưu tiên sử dụng phương pháp thi công truyền thống, chú trọng bảo tồn các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo vệ cấu kiện, thành phần kiến trúc trong suốt quá trình thi công tu bổ di tích”.
Như vậy có thể thấy, các quy định hiện hành đã khá rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa, thậm chí cần thiết phải có những quy chuẩn, ISO trong trùng tu di tích để tránh những đánh giá, nhận định, xét duyệt mang tính cảm tính, thiếu khách quan.
Theo TS Tạ Quốc Khánh (Viện Bảo tồn di tích), ở những công trình vẫn đang phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân (phần lớn đình, chùa, đền, mếu ở nhóm này) ngoài nhu cầu tu bổ các hạng mục cũ, trong quá trình tồn tại sẽ nảy sinh thêm nhu cầu xây mới các hạng mục phụ trợ. Có thể kể ra đây 03 hình thức xây mới hạng mục phụ trợ như sau:
+ Xây thêm các hạng mục để bảo vệ các yếu tố gốc, như xây nhà che bia, nhà để đồ tế khí (chuông, khánh, kiệu rước…).
+ Bổ sung những hạng mục còn thiếu nhưng cần thiết để cải thiện, đáp ứng nhu cầu sử dụng, phục vụ các hoạt động phụ trợ, như bổ sung những công trình phục vụ hoạt động tín ngưỡng (xây lầu Quan Âm, lầu Địa Tạng, xây ban thờ Mẫu, ban thờ hậu, tháp Phật…) hoặc phục vụ đời sống sinh hoạt của con người (như nhà khách, trai đường, khu nghỉ ngơi, sinh hoạt…)
+ Khôi phục các thành phần đã bị hủy hoại, mất mát: Trong lịch sử tồn tại, nhiều khi một vài hạng mục công trình bị hư hỏng, phá hủy (do thiên tai hoặc chiến tranh); khi có điều kiện, người ta sẽ tiến hành khôi phục nhằm hoàn chỉnh một tổng thể/ Trong trường hợp này sẽ nảy sinh hai vấn đề: một, phục hồi theo nguyên mẫu cũ khi có đủ tư liệu và hai, không đủ tư liệu để phục nguyên nhưng vẫn tồn tại nhu cầu cần phải có công trình đó. Những hạng mục được khôi phục có thể là Tam quan, Nghi môn, tường bao, bình phong, giếng nước; thậm chí là cả tòa Đại bái, Thượng điện….
(Nguồn: Vài suy nghĩ về việc trùng tu, tôn tạo di tích trong giai đoạn hiện nay, Tạp chí Kiến trúc).