|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Hồi yêu nhau, Bình rất thích mùi cơ thể mộc mạc của Thủy dù cô chỉ dùng dầu gội hương chanh và không biết tới mỹ phẩm hay nước hoa. Thế nhưng sự việc hoàn toàn thay đổi khi Thủy mang thai rồi sinh ra cu Ngọc. Chế độ dinh dưỡng tốt khiến hai bầu sữa của Thủy luôn căng đầy sữa và thấm ướt ra các lớp áo bên ngoài.
Cu Ngọc khá ham ăn nhưng cũng không mấy khi bú hết được một bên tí của mẹ là đã no nê. Hệ quả là thằng bé bú bên này, sữa bên kia chảy ướt hết quần áo. Lúc đầu Thủy còn thay, về sau do bận rộn, cô chỉ lấy khăn mặt thấm rồi cuối ngày mới tắm giặt, thay quần áo dính sữa.
Bình xuất thân từ nông thôn, lên thành phố học rồi có công việc tốt, ngày càng thăng tiến nhưng anh vẫn giữ nếp sống đã quen từ nhỏ, trong nhà tuyệt nhiên không có mỹ phẩm hay nước hoa. Mấy tháng đầu, vợ chồng ngủ riêng để kiêng cữ, tới tháng thứ 4 anh “mò” vào với vợ lúc cu Ngọc đã say giấc. Dù ngực cương tức sữa nhưng Thủy vẫn ráng chiều chồng.
Mọi việc sẽ suôn sẻ nếu như Bình không theo thói quen rúc đầu vào hõm ngực của vợ. Một cảm giác chua nồng sực lên cổ, giống như khi say rượu “cho chó ăn chè”, Bình vội đẩy vợ ra, buột miệng “sao sữa hôi thế mà con ti được em nhỉ”. Thủy bị chê giận dỗi chảy nước mắt, đêm đó, chiến tranh lạnh đã xảy ra ngay giữa đêm hè oi bức…
Để cải thiện tình hình, Bình dò hỏi mấy cô bạn đồng nghiệp, biết nguyên nhân sữa hoi là do tuyến sữa, không thể thay đổi được hay cải thiện mà chỉ có Bình phải làm quen mà thôi. Tuy nhiên, cậu chàng cả đời không ăn bơ sữa, dị ứng với mùi bơ sữa không thể chịu được cái mùi hoi hoi, nồng nồng toát ra từ người vợ. Thế là họ đành chịu cảnh “chăn đơn, gối chiếc”, ít nhất là tới khi Thủy cai sữa cho con.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Không tới mức “ôm mặt chạy” như Bình nhưng anh Vũ Quang, nhân viên kinh doanh bất động sản chia sẻ rất “kinh” mỗi khi vợ nấu nướng xong mà chui luôn vào giường ngủ. “Mùi nước mắm, mùi tỏi ám đầy tóc tai, quần áo vợ, nói thật là mình không còn hứng mà ôm cô ấy vào lòng cho dù biết là tỏi, nước mắm cũng là do phục vụ bố con mình được ăn ngon”, anh Quang chép miệng kể. Hỏi chị vợ sao không tắm giặt thơm tho rồi hẵng đi ngủ, chị xẵng giọng: vẽ chuyện, nửa đêm mới xong bát núc, nhà cửa, đi tắm giờ đó để thành…tiên à. Mùi nước mắm, mùi sữa bỉm làm mất cảm giác của các ông chồng đã đành, nhiều anh còn gặp chuyện khó nói khi vợ bị “viêm cánh” hoặc “hôi miệng”.
“Hồi còn yêu nhau, nàng ấy xài các loại mỹ phẩm khử mùi hôi thì phải, mình thấy bình thường. Lấy nhau về, trời nóng nực, khi ngủ không điều hòa, mùi hôi từ nách nàng cứ tỏa hương, đã thế lại còn cứ thích được ôm mới ngủ, chẳng nhẽ lại nói thẳng, nói thật”, Đức Tuấn, chuyên viên quản lý công sản ở một khu đô thị chia sẻ.
Các chuyên gia trong lĩnh vực tình dục chỉ ra rằng, mùi vị đặc trưng của cơ thể từ những lần chăn gối thành công trong quá khứ có sức ám ảnh rất lớn đến cuộc sống ái ân của các cặp vợ chồng. Do vậy, cả vợ và chồng nên thẳng thắn góp ý cho nhau để cải thiện tình hình nếu như cơ thể có mùi “nặng” hoặc khiến đối phương “dị ứng”.
Như trường hợp của vợ chồng Thủy- Bình, Thủy nên hút sữa trước khi “vào cuộc”, như vậy làm giảm tình trạng sữa tiết ngoài ý muốn đồng thời Thủy cần có biện pháp giữ cho hai bầu vú khô, sạch, chống nhiễm trùng, viêm đầu vú do tắc tuyến sữa hoặc do để tình trạng sữa chảy, luôn trong tình trạng ẩm ướt, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập.
Tình trạng của vợ chồng anh Quang dễ xử lý hơn, chị vợ nên dùng mũ bịt tóc mỗi khi nấu nướng có mùi, thêm vào đó rất cần thay quần áo ngủ khi đi ngủ chứ không nên mặc quần áo ở nhà suốt ngày rồi tối lại leo lên giường, vừa mất vệ sinh lại khiến đối phương “cụt hứng”.
Khó nhất là các trường hợp mang tính chất “bệnh lý” như hôi nách hoặc hôi miệng. Trường hợp này, các bà vợ cần tới bác sỹ để tìm kiếm một phương pháp xử lý dứt điểm, không nên coi thường để lâu dài sẽ khiến chồng “kinh hãi” mà không còn hứng thú chuyện gối chăn, đã thiệt thòi cho các chị lại là cái “cớ” để anh chồng “trăng gió” bên ngoài.