Hai nỗi lo sau thông tin về ô nhiễm từ Đại sứ quán Mỹ

(PLO) - Sau khi Đại sứ quán Mỹ đưa ra thông tin ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã ngang bằng Bắc Kinh (Trung Quốc), nhiều người không khỏi hoang mang. Song các nhà chuyên môn giải thích đó chỉ là kết quả “khập khiễng” do vênh về chỉ số từng thời điểm. Xét đến cùng, đó là một thông tin cần các cơ quan chuyên môn đặc biệt lưu tâm.
Công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến bầu  không khí.
Công trình xây dựng gây ảnh hưởng đến bầu không khí.

Khốn khổ vì không khí ô nhiễm

Chỉ cần dừng xe ở một ngã tư dồn ứ những người và xe vẫn đang nổ máy, xe trước phì khói vào người đứng sau, xe của người đứng sau nhả khói vào người đứng sau nữa. Bên cạnh đó, các loại ô tô cũng đồng loạt làm cho bầu không khí bốc khói, ngột ngạt, nóng bức nên ai cũng có cảm giác mặt mình đang… bị nướng.

Hà Nội có bao nhiêu điểm đen ùn tắc giao thông là có bấy nhiêu “lò nướng” đáng sợ như thế. Theo thống kê của các cơ quan hữu trách, “thủ phạm” đầu độc không khí kinh hoàng nhất là các phương tiện giao thông, lên đến 70%. Trong số khoảng hơn bốn triệu ô-tô, xe máy (một con số đáng báo động) thì nhiều xe đã quá hạn sử dụng, cũ nát nhưng vẫn ngang nhiên lưu hành, cộng với các loại xe tự chế “uống xăng dầu như uống nước” đi đến đâu là xả khói làm cả phố mù mịt đang góp phần làm tăng lượng khí độc hại trong không khí cao lên gấp nhiều lần quy chuẩn cho phép.

“Thủ phạm” thứ hai là những công trình xây dựng với tốc độ… rùa, không được che chắn kỹ; những con phố, vỉa hè bị “đào lên rồi bỏ đó”; những chiếc xe tải cồng kềnh chở phế thải xây dựng, đất đá quá trọng tải làm rơi vãi ra đường đều làm những con phố sạch sẽ trở nên bụi mù mịt. 

Một “thủ phạm” đáng gờm khác, các nhà máy ở các khu công nghiệp quanh Hà Nội với những kỹ thuật còn lạc hậu, không kiểm soát được khói bụi, các chất thải rắn xử lý được ít nhưng thải ra nhiều đã và đang làm tăng thêm các khí SO2, NO2, CO… cho thành phố.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các làng nghề, ý thức người dân trong sinh hoạt đun nấu cũng góp phần làm không khí ô nhiễm. Nhất là, khi giá gas tăng cao, nhiều hộ gia đình đã “tích cực” dùng bếp than tổ ong, thậm chí có người mang cả lò bếp than ra vỉa hè để nhóm, thải khói độc mù mịt.

Theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, hiện nay nồng độ bụi trong không khí ở Hà Nội trung bình cao hơn từ 2-3 lần so với trị số tiêu chuẩn cho phép (TCCP), thuộc loại ô nhiễm nặng. Cục bộ ở những địa điểm có các công trường xây dựng mới hay sửa chữa nhà cửa, đường xá thì nồng độ bụi lớn hơn TCCP từ 3-5 lần, ô nhiễm rất nặng, nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng. 

Tiến sĩ Nguyễn Duy Bảo, nguyên Viện trưởng Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường cho biết, tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp của người dân sống cạnh nút giao thông, đường giao thông bị ô nhiễm không khí cao hơn nhiều những vùng khác. Ông Bảo chỉ ra: “Sống trong vùng ô nhiễm, người dân không chỉ bị tiếng ồn hành hạ, khó khăn trong sinh hoạt mà còn bị các triệu trứng ho có đờm, viêm họng, chảy nước mũi. Ngoài ra, họ cũng bị mắc bệnh về tim mạch cao hơn gấp đôi vùng dân cư khác…”.

Nỗi lo trạm quan trắc

Có một thực thế là, những trạm quan trắc (TQT) tự động không khí ở Hà Nội do Trung tâm (TT) Quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) Hà Nội) quản lý, đã bị “liệt” từ năm 2012. Đây là công cụ dùng “bắt bệnh” không khí, nhưng đã không được quan tâm đầu tư xây dựng lại từ sớm. 

Thời gian qua, có một số thông tin theo liệu quan trắc thu được tại trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục của Trung tâm Quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đặt tại vị trí nhà 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, có cảnh báo ô nhiễm không khí và qua quan trắc phát hiện thủy ngân có trong không khí. Từ đó kết luận ô nhiễm môi trường không khí của Hà Nội ở mức nguy hiểm là không chính xác.

Do số liệu quan trắc được nêu ra có tính chất cá biệt (chỉ có Trạm quan trắc tự động tại 1 địa điểm ở Nguyễn Văn Cừ). Số liệu quan trắc của trạm này chỉ có giá trị tại khu vực xung quanh vị trí đặt trạm, không thể là cơ sở để đánh giá chất lượng không khí xung quanh của toàn bộ Hà Nội nói chung. Song nói gì thì nói, đó cũng là điều cần các cơ quan chức năng phải rốt ráo hơn nữa trong kiểm soát ô nhiễm.

Hà Nội đang xem xét để ban hành kế hoạch chống ồn, bụi trên địa bàn với rất nhiều mục tiêu, như ngăn ngừa, kiểm soát, xử lý, giảm phát sinh các nguồn gây ô nhiễm không khí; đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật về môi trường; tiếp tục cải thiện chất lượng môi trường sống của người dân hướng tới phát triển bền vững.

Cùng với đó, thành phố cũng đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, như hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường không khí; giảm nguồn phát sinh bụi, phát tán bụi... Hà Nội cũng tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực môi trường không khí, các ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến con người, phát triển kinh tế- xã hội đề ra các biện pháp phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố. 

Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch là một quá trình liên tục, lâu dài, liên quan tới cộng đồng và phải áp dụng nhiều giải pháp tổng hợp về truyền thông, cơ chế chính sách, cải tiến công nghệ, quy hoạch. Đặc biệt, cần phải có là sự chung tay của cộng đồng, ý thức của người dân. Có như vậy mới hy vọng giảm ô nhiễm không khí ở Hà Nội.

Đọc thêm