Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc cho biết, trong số gần 100 nữ tướng đã và đang được tri ân phụng thờ, Nữ tướng Lê Chân nổi lên như một biểu tượng cao đẹp cho truyền thống chống giặc ngoại xâm, mở mang bờ cõi vùng đông bắc của Tổ quốc, trở thành thần điện thiêng liêng tại các không gian thực hành tín ngưỡng của người dân Hải Phòng nói riêng và người dân ở các tỉnh thành khác thuộc châu thổ Bắc Bộ nói chung.
Ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc phát biểu khai mạc diễn đàn văn hoá. |
Những năm trở lại đây, cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa các cấp đã và đang có nhận thức mới về tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung và Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói riêng, đặc biệt là từ sau tháng 12/2016, sau khi UNESCO xét duyệt ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
“Chính từ thực tế này, việc quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu sự hiện diện của các nữ nhân vật lịch sử trong điện thờ Mẫu là một việc làm cần thiết để, một mặt, lý giải các khía cạnh lịch sử - văn hoá, trong hình tượng nữ anh hùng, trong đời sống tâm linh cộng đồng; mặt khác, để lý giải một thực tế mang bản sắc văn hoá sống động trong tâm thức của người dân khi Mẫu hoá các nữ anh hùng dân tộc. Từ đó hướng tới các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản phục vụ mục tiêu chấn hưng văn hóa và góp phần tạo động lực cho phát triển xã hội. Hiện tượng thần điện Lê Chân tại các không gian tín ngưỡng ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng là một ví dụ tiêu biểu cho các nhận thức văn hóa và hoạt động văn hóa thiết thực hiện nay”, ông Nam nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoàng Linh - Chủ tịch UBND quận Lê Chân phát biểu tại diễn đàn. |
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Linh - Chủ tịch UBND quận Lê Chân cho biết, quận Lê Chân nằm ở trung tâm TP Hải Phòng, có bề dày lịch sử về truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của TP. Trên địa bàn quận hiện nay còn tồn tại 18 di tích, trong đó có 9 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 8 di tích xếp hạng cấp TP; 4 di tích thuộc danh mục kiểm kê của TP.
Bên cạnh các di tích lịch sử gắn liền với Nữ tướng Lê Chân như đền Nghè, đình An Biên, còn có những điểm di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được Trung ương và TP xếp hạng như: đình Hàng Kênh, chùa Dư Hàng, đình Dư Hàng, đình Niệm Nghĩa..., đặc biệt quận có 1 di sản văn hóa được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội truyền thống nữ tướng Lê Chân. Đây được xem là những tài nguyên du lịch để phát triển du lịch văn hóa tâm linh và là điểm đến của nhiều du khách khi đến với quận Lê Chân và TP Hải Phòng.
Các tiết văn nghệ chào mừng. |
Trong định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025, quận xác định: Phát huy tối đa tiềm năng lợi thế, huy động mọi nguồn lực xây dựng và phát triển quận Lê Chân với tốc độ cao, bền vững; tập trung phát triển các nhóm ngành dịch vụ thương mại cao cấp là trung tâm tài chính thương mại y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, văn hóa du lịch của TP. Trong những năm qua, kinh tế quận đã không ngừng tăng trưởng, có sự chuyển dịch về cơ cấu theo đúng định hướng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục có xu hướng chuyển dịch từ công nghiệp dịch vụ sang dịch vụ thương mại, năm 2020 tỉ trọng ngành dịch vụ thương mại chiếm 67,66%, năm 2022 tăng lên chiến 72,26%. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế này có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực văn hóa và du lịch quận.
Các tiết mục văn nghệ đặc sắc tại diễn đàn. |
Việc tổ chức diễn đàn “ Nữ tướng Lê Chân – Giá trị văn hóa lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh” tại quận Lê Chân sẽ là cơ hội để quận thu nhận nhiều những ý kiến quan trọng của các chuyên gia, các nhà khoa học trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản văn hóa cho phát triển kinh tế xã hội. Qua đó đem đến một cái nhìn thấu đáo hơn, toàn diện hơn về vai trò của văn hóa với du lịch, xây dựng môi trường du lịch với văn hóa và văn hóa với du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế - văn hóa - xã hội của quận Lê Chân.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, cho ý kiến, tham luận vào những vấn đề trung tâm gắn với truyền thống tôn vinh các anh hùng dân tộc, trong đó nổi bật là Nữ tướng Lê Chân trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; các giải pháp trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống phục vụ sự nghiệp xây dựng kinh tế, văn hoá, du lịch tại địa phương…
Viện phát triển Văn hóa Dân tộc trao Giấy khen cho các nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng. |
Nhân dịp này, Viện phát triển Văn hóa Dân tộc trao tặng chứng nhận không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt cho 2 đền; trao tặng Giấy khen cho 15 nghệ nhân, đồng thầy, thanh đồng và các nhà tài trợ đã có đóng góp tích cực cho Diễn đàn “Nữ tướng Lê Chân - Giá trị văn hóa lịch sử và động lực phát triển du lịch văn hóa tâm linh”.