Hải Phòng: Tránh xử lý vi phạm về đê điều theo kiểu “phạt cho tồn tại”

(PLO) - Như PLVN đã phản ánh, tình trạng vi phạm pháp luật đê điều ở Hải Phòng đang có xu hướng gia tăng. Các hình thức vi phạm chủ yếu như xây dựng công trình nhà xưởng, lập bến bãi tập kết kinh doanh vật liệu xây dựng trong phạm vi bảo vệ đê, lấn chiếm lòng sông, bãi sông; các khu dân cư tập trung  vẫn tiếp tục tồn tại,  xây dựng mở rộng…
Một trường hợp lấn chiếm, vi phạm Luật đê điều ở Hải Phòng
Một trường hợp lấn chiếm, vi phạm Luật đê điều ở Hải Phòng
Để khắc phục tình trạng trên, hạn chế thấp nhất những vi phạm pháp luật về đê điều và tránh trường hợp “bắt cóc bỏ đĩa”, UBND TP Hải Phòng cũng như các sở, ban ngành đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Bá Tiến, Chi cục trưởng Chi cục quản lý đê điều - PCLB TP Hải Phòng, để có thể giải quyết dứt điểm những tồn tại nêu trên, ngoài việc thực hiện xử phạt vi phạm hành chính như hiện nay thì cần phải đẩy mạnh tuyên truyền đến cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB, Pháp lệnh Bảo vệ và khai thác các công trình thủy lợi. 
Tăng cường kiểm tra, rà soát trên các tuyến đê, giải quyết dứt điểm các vụ việc vi phạm tồn đọng; kiên quyết giải tỏa các công trình xây dựng trái phép, bãi kinh doanh vật liệu trong hành lang bảo vệ đê, hành lang bảo vệ dòng chảy, ngăn chặn những vi phạm mới phát sinh.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Tuyến – Hạt trưởng hạt quản lý đê điều huyện Thủy Nguyên cho rằng, để có thể giải quyết vi phạm cũ triệt để và không phát sinh vi phạm mới thì cần phải thực hiện việc ký cam kết không vi phạm pháp luật về đê điều với các hộ dân sinh sống quanh đê, từng bước tuyên truyền, phổ biến trên loa đài các xã về Luật đê điều…
Ông Trần Đình Thọ - Hạt trưởng hạt quản lý đê điều An Lão – Kiến An, Hải Phòng nhìn nhận, ngoài việc duy trì thường xuyên công tác quản lý đê điều thì các hạt cần phân công mỗi kiểm soát viên phụ trách một tuyến đê, theo dõi liên tục để phát hiện kịp thời các vi phạm về hành lang đê điều, sử dụng bãi sông…
Lập biên bản hiện trường ngay khi có vi phạm để xem xét và kiến nghị biện pháp xử phạt lên chính quyền sở tại để xử lý theo thẩm quyền. Ngay khi nhận được kiến nghị của cơ quan chuyên môn về vi phạm đê điều, chính quyền địa phương cần quan tâm và xử lý ngay từ ban đầu.
Theo hạt quản lý đê điều tại các địa phương, để có thể giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm Luật đê điều tại Hải Phòng, trước hết cần phải xây dựng hệ thống đường hành lang ven đê để hình thành một ranh giới để người dân không lấn chiếm được. 
Đồng thời, dành kinh phí thích đáng để di dời những gia đình, công trình, doanh nghiệp nằm trong hành lang thoát lũ. Một vấn đề quan trọng khác là cần phải có sự đồng lòng giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc “mạnh tay” với xử lý vi phạm. 
Kiên quyết xử lý dứt điểm những hành vi vi phạm
Chia sẻ về công tác quản lý đê điều trên địa bàn Hải Phòng hiện nay, ông Đỗ Trung Thoại – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, từ năm 2011 đến hết năm 2013, các đơn vị chức năng TP Hải Phòng đã ra quân xử lý 63 trường hợp vi phạm. Mặc dù việc xử lý vẫn được duy trì, nhưng theo đánh giá hoạt động này còn chậm trong khi tình trạng vi phạm đang diễn biến phức tạp. 
Trước thực trạng đó, UBND TP Hải Phòng đã có các Quyết định, chỉ thị chỉ đạo các sở, ban ngành về triển khai thực hiện chấp hành Luật Đê điều, trong đó có việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về đê điều để có phương án gia cố, bảo vệ an toàn; cũng như tập trung lực lượng, phương tiện, vật tư hoàn thành công trình tu bổ, nâng cấp đê điều trước mùa mưa bão. 
Ông Thoại cho biết thêm, ngoài việc ban hành những Quyết định, chỉ thị chỉ đạo về công tác bảo vệ đê điều, UBND TP Hải Phòng cũng đã yêu cầu các ngành chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê các hộ dân nằm trong hành lang bảo vệ đê điều để lập quy hoạch sử dụng đất ngoài bãi sông có đê; quy hoạch bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên các bãi sông; đồng thời rà soát kỹ lại việc giao đất, cho thuê đất trong phạm vi bảo vệ đê điều để có biện pháp xử lý (thu hồi hoặc chuyển đổi sang hình thức sử dụng đất) tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng cây chắn sóng, giải phóng mặt bằng phục vụ tu bổ đê điều…
Hy vọng, với sự quyết tâm chỉ đạo của Hải Phòng, những tồn tại, vi phạm về đê điều sẽ sớm được khắc phục, tránh trường xử lý theo hình thức “bắt cóc bỏ đĩa” hay xử phạt cho tồn tại. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần có hoạt động liên ngành TP rà soát, thống kê, kiểm tra lại những trường hợp vi phạm đã lập thành văn bản để những vi phạm thực sự được xử lý nghiêm, khắc phục lại những sai phạm đảm bảo an toàn cho những tuyến đê trong mùa mưa lũ./.

Đọc thêm