Phương án thứ nhất điều chỉnh tăng thêm 250.000 đồng/tháng đối với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng; điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. Mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/tháng.
Nếu theo phương án này thì có gần 213.000 người được tăng lương hưu. Tổng kinh phí điều chỉnh là 345,5 tỷ đồng mỗi năm, hoàn toàn do ngân sách nhà nước chi trả. Hạn chế của phương án này là tạo ra sự so sánh đối với những người nghỉ sau tháng 4/1993 có mức lương thấp.
Hiện nay, người nghỉ trước tháng 4/1993 chiếm 29,7% số người đang hưởng lương hưu. Họ có quá trình công tác trong giai đoạn đấu tranh, bảo vệ tổ quốc và thời kỳ đầu của xây dựng đất nước. Do chính sách tiền lương, cán bộ ở mỗi giai đoạn khác nhau nên mức lương hưu bình quân của những người này thấp hơn so với mức lương bình quân của những người nghỉ sau tháng 4/1993 và thấp hơn so với mức lương hưu bình quân chung.
Để khắc phục hạn chế trên, Bộ Lao động đưa ra phương án điều chỉnh thứ hai, tăng thêm 250.000 đồng/tháng đối với người nghỉ hưu cả trước và sau tháng 4/1993 có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng; điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. Mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/tháng.
Nếu theo phương án này, tổng số người được điều chỉnh là hơn 319.000, không bao gồm nhóm giáo viên có lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở. Tổng kinh phí điều chỉnh là 586,6 tỷ đồng/năm.
Lãnh đạo Bộ Lao động cho biết, phương án hai không tạo sự so sánh đối với người nghỉ sau tháng 4/1993 có mức lương thấp nhưng lại không đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng, làm mất đi sự tương quan về mức lương hưu.
Việc điều chỉnh đồng loạt này cũng tạo ra mặt bằng lương hưu tối thiểu mới với người có từ đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên, do đó không phù hợp với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Luật quy định mức lương hưu thấp nhất đối với người có từ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên bằng mức lương cơ sở, hiện tại là 1.150.000 đồng, nhưng nếu thực hiện điều chỉnh đối với nhóm này thì mức lương thấp nhất là 1.400.000 đồng.
Từ năm 2007 đến nay, Chính phủ đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã. Lương hưu đã được điều chỉnh tăng lên 178 %. Việc điều chỉnh lương hưu chủ yếu gắn với việc điều chỉnh lương cơ sở, tức là lương của người tại chức tăng như thế nào thì lương hưu của người nghỉ hưu tăng một mức tương tự như vậy.
Lãnh đạo Bộ Lao động cũng đưa ra phương án điều chỉnh lương hưu trong trường hợp mức lương cơ sở tăng lên 1.250.000 đồng/tháng (tăng 8,7 %) từ ngày 1/7/2016. Việc điều chỉnh này tiến hành theo hai bước. Trước tiên, điều chỉnh lương chung của tất cả người nghỉ hưu. Đối với người nghỉ trước tháng 1/2015 thì lương hưu tăng 87% so với mức lương tại thời điểm tháng 12/2014. Đối với người nghỉ từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2016, lương hưu tăng 8,7% so với mức hưởng tại thời điểm tháng 6/2016. Tổng kinh phí điều chỉnh là 689 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước chịu hơn 127,2 tỷ đồng còn 561,8 tỷ đồng do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả.
Sau khi điều chỉnh lương hưu chung như trên thì tiếp tục điều chỉnh lương đối với người có mức thấp. Mức điều chỉnh hoặc chỉ dành cho đối tượng nghỉ trước tháng 4/1993 hoặc chỉ dành cho đối tượng nghỉ sau thời gian trên.
Đối với 954 giáo viên mầm mon hưởng lương hưu với mức bình quân hơn 843.000 đồng/tháng, dưới mức lương cơ sở, Bộ Lao động cũng đưa ra mức điều chỉnh để đối tượng này không bị thiệt thòi. Theo đó, từ ngày 1/1/2016 trợ cấp bổ sung từ ngân sách nhà nước cho giáo viên mầm non có thời gian công tác trong ngành giáo dục trước năm 1995, khi nghỉ hưu có mức lương thấp hơn lương cơ sở lên bằng với lương cơ sở 1.150.000 đồng/tháng. Trường hợp từ ngày 1/7/2016, lương cơ sở được điều chỉnh lên mức 1.250.000 đồng/tháng thì tiếp tục trợ cấp cho giáo viên mầm non để lương hưu của họ bằng mức lương cơ sở mới.
Đến tháng 6/2015, cả nước có hơn 2,1 triệu người đang hưởng lương hưu, trong đó có 638.000 người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và 1,5 triệu người nghỉ hưu sau thời gian trên. Mức lương hưu bình quân là 3,92 triệu đồng. Có hơn 2.600 người hưởng mức lương hưu thấp hơn mức lương cơ sở với bình quân chung là 804.000 đồng/người/tháng. Khảo sát của Viện Lão hóa toàn cầu công bố ngày 8/9/2015 cho thấy có 95% số người Việt Nam được khảo sát lo lắng sẽ chịu cảnh nghèo, lo không đủ sống khi về hưu.