Hai thập kỷ sống tăm tối bên cạnh thuỷ điện lớn

(PLO) - Hơn 20 năm nay, 23 hộ dân ở tiểu khu 7, xóm Khả, xã Bắc Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) vẫn từng giờ sống trong bóng tối. Khó ai có thể tin rằng, chỉ cách Nhà máy thủy điện Hòa Bình chưa đầy 30km mà tại đây người dân vẫn đang hàng ngày sống dựa vào phương tiện chiếu sáng duy nhất là đèn dầu...

Chiếc tivi từ ngày xin về vẫn nằm gọn trong góc nhà ông Nhện
Chiếc tivi từ ngày xin về vẫn nằm gọn trong góc nhà ông Nhện
Xóm “đói” điện giữa lòng phố thị
Men theo con đường dẫn vào xã Bắc Sơn, chúng tôi bắt gặp không ít cột điện được bố trí dọc theo con đường. 23 hộ dân thuộc tiểu khu 7 của xóm Khả nằm ngay bên mặt đường, nhưng nghịch lý ở chỗ xóm nhỏ nằm ngay dưới chân cột điện lại sống trong cảnh “đói” điện suốt 23 năm nay. 
Khi chúng tôi hỏi về tiểu khu 7, mọi người đều không biết, chỉ khi hỏi đến khu giãn dân của xã thì ai cũng nói đấy là xóm Đèn. Gọi như vậy bởi lẽ từ khi thành lập khu đến nay, người dân nơi đây vẫn chỉ có duy nhất một phương tiện chiếu sáng là đèn dầu. Ông Bùi Văn Luyện, một cao niên trong vùng cho hay: “Gia đình nào ở đây có điều kiện một chút thì dùng bình ắc quy, còn lại đều dùng tạm đèn tích điện. Nhưng nói thật, phương tiện chiếu sáng chủ yếu ở đây vẫn là đèn dầu”.
Theo đó, gia đình ông Luyện về đây sống từ năm 1993, là một trong những hộ đầu tiên sống tại khu giãn dân này. Suốt từ đó đến nay, gia đình ông luôn phải sống trong cảnh thiếu điện. Những năm gần đây, xã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình ông Luyện chuyển sang trồng atiso. Nhờ vậy kinh tế cũng có chút thay đổi, khấm khá hơn trước. Thế nhưng, thứ mà gia đình ông Luyện cũng như hàng chục hộ dân nơi đây thiếu và khao khát nhất vẫn là điện. 
Ánh đèn điện vẫn còn là ước mơ xa xỉ của gia đình ông cũng như bà con sống trong khu dân cư này. Vật dụng để thắp sáng trong nhà là chiếc đèn dầu duy nhất, mỗi tháng dùng tiết kiệm cũng mất 2 lít dầu. Một số gia đình đã có bình ắc quy điện để thắp sáng, tuy nhiên muốn dùng bình ắc quy thì hàng ngày phải mang đi nạp nhờ những người quen trong vùng kế cận. Mỗi lần nạp điện nhờ, họ phải trả ít nhất 10.000 đồng.
Hơn 20 năm nay, gia đình ông Bùi Văn Nhện, Tổ trưởng tiểu khu 7 vẫn sống nhờ ánh đèn dầu. Trong nhà vật dụng quý giá có lẽ là 2 chiếc tivi cũ do vợ ông đi làm thuê xin được. Hai chiếc tivi cũ vẫn nằm gọn trong góc nhà. Nhìn con gái, ông Nhện nói: “Bà ấy đi làm thuê trên Hà Nội, xin người ta cái tivi cũ về những mong có điện để con cái được xem, nhưng đã lâu rồi không có điện. Chắc đợi đến khi có điện thì tivi cũng hỏng rồi”.
“Người lớn chúng tôi thì không sao, nhưng thương các cháu nhỏ, học hành chẳng có được tý điện sáng mà cứ phải nhờ cái đèn dầu”, bà Sáu kế bên góp lời. Theo ông Nhện, hiện nay trong khu có gần 20 cháu đang theo học phổ thông ở địa phương. Tuy nhiên, ngày nào các em cũng phải học trong ánh đèn dầu tù mù tối tăm. Còn có những em nghỉ học giữa chừng chỉ vì không có điều kiện học tập đầy đủ.
Những ngày thời tiết mát thì dân đỡ khổ, còn những ngày nắng nóng, các hộ trong khu đều phải mang cơm cùng vật dụng gia đình tránh nóng trong hang núi gần nhà. Cả xóm kéo nhau trú trong hang từ 11h trưa cho đến tận 4h chiều mới về nhà. Tuy vậy, cũng chẳng đỡ hơn khi đêm xuống, không khí vẫn bí bách vì nóng. 
Trong nhà không có đồ điện, cuộc sống hơn 20 năm nay thắp sáng nhờ đèn dầu là thực trạng chung của 23 hộ dân nơi đây. Ông Nhện cho biết: “Trước năm 2008 có một số hộ dân tự ra khu này để làm kinh tế, nhưng đến năm 2008 xã có chủ trương giãn dân ra đây, bà con ra đây là đúng với chủ trương của xã nhưng đến giờ này xã vẫn chưa cho điện”. 
Khi chúng tôi thắc mắc về chuyện đường dây chạy qua khu dân cư và cột điện chỉ cách nhà chừng vài trăm mét thì nhận được không ít ý kiến bức xúc. Một người dân than thở: “Xã nói rằng vì không có dự án về xóm nên dân chúng tôi không được dùng điện đó. Vậy nên chỉ cách cột điện vài trăm mét nhưng chúng tôi vẫn không được dùng điện”.  
Cột điện chỉ cách nhà dân trong xóm chừng vài trăm mét nhưng họ vẫn không được sử dụng.
 Cột điện chỉ cách nhà dân trong xóm chừng vài trăm mét nhưng họ vẫn không được sử dụng.
Khi nào “lời hứa” của xã mới được thực hiện?
Rất nhiều lần người dân ở đây đã hỏi chính quyền xã về vấn đề “đói” điện trong các cuộc họp cử tri. Tuy nhiên, những gì họ nhận lại được là lời hứa “sắp có” của xã. Bà Sáu cho biết: “Lần nào hỏi xã về điện thì cán bộ xã đều nói là sang năm sẽ có, nhưng cứ hết năm này tới năm khác mà dân chúng tôi vẫn phải dùng đèn dầu. Chúng tôi vẫn chờ điện mà cũng chẳng biết kêu với ai nữa, nhưng đến khi chúng tôi nghe thấy trên đài truyền thanh nói rằng Bắc Sơn 100% đã có điện thì lúc ấy mới té ngửa. Cán bộ cứ hứa mà mãi chẳng có điện”.
Tìm gặp ông Bùi Văn Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn để trao đổi về khu 7, xóm Khả, ông cho hay: “Về xóm Đèn đó chưa có điện là đúng sự thật, hiện tại xã cũng đã có ý kiến lên huyện xin dự án cấp điện cho xóm. Còn trước đây xã đã có văn bản ý kiến lên huyện hay chưa thì tôi chưa nắm rõ, vì tôi mới nhận công tác. Tuy nhiên, hiện tại tôi cũng đang cố gắng xin huyện để bà con ở đó có điện sớm được ngày nào hay ngày đó”.
Khi được hỏi về đường dây điện nằm gần ngay khu dân cư, ông Tứ cho hay: “Đường dây điện đó là kéo vào trong khu Đằng Long, dự án này được đầu tư cách đây mấy năm. Tuy nhiên, tôi cũng không rõ nguyên nhân vì sao khi mà cột điện chỉ cách xóm Đèn có mấy trăm mét mà dân lại không được đấu điện vì ngày đó tôi chưa đảm nhận chức vụ”.
Nếu như trẻ em ở xóm khác có điện, có tivi để xem, để thỏa mãn nhu cầu giải trí thì với các em ở xóm Đèn, cuộc sống chỉ xoay quanh căn nhà với ánh đèn dầu mỗi tối. Những mầm non tương lai của bản làng đang dần “héo úa” khi mà những điều kiện thiết yếu trong cuộc sống không được đáp ứng./.