Hạn chế thực thi pháp luật bảo vệ môi trường do... pháp luật

Điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) tại 6 tỉnh, TP (Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM) cho thấy, môi trường xuống cấp một phần là do việc xử lý vi phạm còn chưa triệt để.

Điều tra, khảo sát về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) tại 6 tỉnh, TP (Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP.HCM) cho thấy, môi trường xuống cấp một phần là do việc xử lý vi phạm còn chưa triệt để.

100% cơ sở vi phạm

Theo số liệu trong dự thảo báo cáo của Bộ Tư pháp về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) tại 6 tỉnh, TP (đang được lấy ý kiến để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ), địa phương nào cũng có vi phạm pháp luật về BVMT.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2010, 58,8% cơ sở ở Hà Nội bị phát hiện và xử phạt vi phạm với số tiền là 600 triệu đồng. Cùng thời gian, TP.HCM kiểm tra và xử phạt 100 đơn vị có sai phạm về BVMT. Năm 2009, các cơ quan chức năng của Nghệ An tiến hành kiểm tra tại 71 cơ sở, 9 cuộc thanh tra và ban hành 34 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức kinh tế, truy thu hơn 1 tỷ đồng phí BVMT.

Kết quả thanh kiểm tra cho thấy, chỉ khoảng 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, còn hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý theo qui chế xử lý chất thải y tế.
Từ năm 2003 đến 6/2010, TP. Đã Nẵng cũng tiến hành 356 cuộc thanh tra chuyên ngành về BVMT, phát hiện và xử lý đối với 2.450 cơ sở, cá nhân vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 1,1 tỷ đồng. Còn Cần Thơ thực hiện 7 cuộc thanh tra đối với 32 doanh nghiệp, phát hiện và xử lý 6 doanh nghiệp với tổng số tiền là 246 triệu đồng.

Tổng hợp kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện cho thấy, các vi phạm pháp luật về môi trường nổi lên ở một số lĩnh vực với một số vi phạm điển hình là vi phạm các qui định về báo cáo đánh giá tác động môi trường (chưa được phê duyệt hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường); về xử lý chất thải, nước thải (chủ yếu ở các khu công nghiệp, làng nghề); về quản lý, xử lý chất thải nguy hại, chất thải y tế; về BVMT trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện GTVT, nguyên nhiên liệu, vật liệu, phế liệu…

“Hổng” ngay trong xử lý

Hệ thống văn bản về pháp luật BVMT đang ngày càng hoàn thiện nhưng nhiều vướng mắc cơ bản liên quan đến việc điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm về môi trường vẫn chưa giải quyết được triệt để. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 199 mới ban hành đã bổ sung môt số tội phạm để giải quyết bức xúc trong việc xử lý đối với tội phạm về môi trường nhưng chưa qui định cụ thể dấu hiệu “hậu quả nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”, “đặc biệt nghiêm trọng”; chưa chấp nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự các doanh nghiệp khi có hành vi VPPL môi trường.

Kiểm tra 92 khu công nghiệp (KCN) thì 26 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng 50% trong số xử lý nước thải chưa đạt yêu cầu và vượt qui chuẩn Việt Nam; 37 KCN xả thải vượt qui chuẩn Việt Nam. Hầu hết các KCN chưa có bãi trung chuyển chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại tập trung theo qui định. Mới có 3 KCN có bãi trung chuyển chất thải rắn thông thường.
Bên cạnh đó, một số hình thức xử lý không có tính khả thi cao, khó áp dụng, ảnh hưởng đến nhiều yếu tố xã hội khác nhau nên các cơ quan có thẩm quyền rất hạn chế áp dụng biện pháp này và khi áp dụng cũng khó thi hành.

Có thể thấy ngay ở qui định, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường “buộc di dời cơ sở đến vị trí xa khu dân cư và phù hợp với sức chịu tải của môi trường” (khoản 2 Điều 4 Nghị định 117/2009/NĐ –CP) nhưng thực tế, khi áp dụng thì hầu như không có cơ chế giải quyết được các vấn đề như lao động, việc làm, điều kiện trụ sở. Hay qui định tại điều 12, 13 NĐ này về xử lý vi phạm về tiếng ồn và độ rung trong khi không đủ trang thiết bị để xác định vi phạm nên các cơ quan có thẩm quyền rất khó khăn trong xử lý hành vi này…

Không những thế, mức xử phạt đối với các hành vi VPPL về BVMT đã được tăng cao nhưng mức phạt của người có thẩm quyền xử phạt lại chưa được sửa đổi, bổ sung tương ứng. Hậu quả là, trong nhiều trường hợp, việc xử phạt không được thực hiện một cách kịp thời,  gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống sinh hoạt của các cơ quan, tổ chức, công dân…

Do đó, khi báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực BVMT, Bộ Tư pháp dự kiến kiến nghị ban hành mới, sửa đổi, bổ sung gần 100 văn bản pháp luật có liên quan để “bít lỗ hổng”, tạo ra sự chặt chiệm hơn trong công tác quản lý và xử lý các vi phạm pháp luật về BVMT.

Huy Anh

Đọc thêm