Hạn chế tình trạng thông đồng, dìm giá trong đấu giá tài sản

(PLVN) -Trước tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” tại một số tổ chức đấu giá tài sản, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá đòi hỏi phải ngày càng chuyên nghiệp hóa nhằm tránh thất thoát tài sản công.

Trong năm 2020, cả nước có 1.070 đấu giá viên đã được Sở Tư pháp cấp thẻ đấu giá viên đang hành nghề trong hơn 400 doanh nghiệp đấu giá tài sản và hơn 60 Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản; các đấu giá viên đã thực hiện được 24.445 cuộc bán đấu giá thành (giảm gần 17,7% so với năm 2019). Có thể thấy, các tổ chức đấu giá tài sản và đội ngũ đấu giá viên tại địa phương thời gian qua đã có sự phát triển về số lượng và cải thiện một bước về tiêu chuẩn, chất lượng hành nghề đã đóng góp tích cực vào hoạt động đấu giá tài sản tại các địa phương.

Tuy nhiên, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay một số tổ chức đấu giá tài sản vẫn còn tình trạng vi phạm trình tự, thủ tục dẫn đến bị hủy kết quả đấu giá; còn tình trạng “bao che”, “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” giữa người tham gia đấu giá, người có tài sản, tổ chức đấu giá tài sản; xuất hiện hiện tượng “bảo kê” của băng nhóm “xã hội đen” có hành vi “đe dọa, cưỡng ép” những người tham gia đấu giá nhằm thao túng cuộc đấu giá diễn ra phức tạp, gây thất thoát tài sản, ảnh hưởng an ninh, trật tự tại địa phương.

Đặc biệt, tài sản đấu giá ở Việt Nam hầu hết là tài sản công (đấu giá quyền sử dụng đất chiếm hơn 90%), do đó, dễ dẫn đến nguy cơ trục lợi. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức được đưa ra bán thông qua đấu giá chiếm rất ít (0,06%) so với số cuộc đấu giá tài sản bắt buộc.

Nhìn nhận về tình trạng này, Bộ Tư pháp cho rằng, đa số hành vi “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, “cò mồi, đe dọa, cưỡng ép” không diễn ra trực tiếp tại cuộc đấu giá mà diễn ra trước khi tổ chức đấu giá với các thủ đoạn, tính chất hết sức tinh vi và có xu hướng ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, đấu giá viên, cơ quan quản lý nhà nước không thể phát hiện bằng các biện pháp thông thường mà phải đòi hỏi nghiệp vụ chuyên ngành (giám định chữ ký, ghi âm, điều tra) với sự vào cuộc, điều tra, phát hiện của cơ quan công an.

Từ thực tiễn nêu trên, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu giá tài sản, trong đó có việc chấn chỉnh tình trạng “thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ” trong đấu giá tài sản, nhất là tài sản công. Cụ thể, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản, trong đó nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản; phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành về định giá, xác định giá khởi điểm tài sản đấu giá, các tài sản phải bán thông qua đấu giá, hoàn thiện các quy định về cơ chế tăng cường, giám sát trách nhiệm của người có tài sản đấu giá. Tổ chức thực hiện thí điểm việc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến đối với một số loại tài sản công do bộ, ban, ngành ở Trung ương quản lý; quyền sử dụng đất tại địa phương có giá trị lớn, đặc thù, phức tạp.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, thanh tra, phát hiện và xử lý vi phạm, chuyển cơ quan công an xử lý các vụ việc theo thẩm quyền theo quy định; tiếp tục nâng cao chất lượng của các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ đấu giá viên. Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhất là hoàn thiện hơn nữa các tính năng của Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản.

Đọc thêm