Hàng loạt “kế sách” cho mùa lễ hội Bính Thân

(PLO) - Cứ mỗi mùa lễ hội, nỗi lo bị chen lấn, bạo lực, giẫm đạp xin ấn, cướp lộc, “chặt chém”, ăn xin bủa vây, ngộ độc thực phẩm, chứng kiến cảnh xẻ thịt thú rừng… khiến nhiều người chùn bước. Để thu hút khách thập phương, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ban tổ chức một số lễ hội đã đưa ra “kế sách” nhằm “trong lành” hóa lễ hội. 

Đền Gióng năm Bính Thân có còn bạo lực?
Đền Gióng năm Bính Thân có còn bạo lực?
 Không treo xác động vật, phát ấn từ sáng sớm

Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương 2016 cho biết, tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp, vực sâu không an toàn, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích. 

Ông Hậu cũng khẳng định, việc quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội cũng bị cấm, sẽ không tái diễn trong lễ hội năm nay. 

Ban Tổ chức cũng quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh dịch vụ, không đổi tiền lẻ trong khu vực lễ hội; thường xuyên kiểm tra mọi hoạt động, xử lý nghiêm những vi phạm theo quy định của Nhà nước, đặc biệt là các tệ nạn xã hội như bói toán, mê tín dị đoan, đồ chơi trẻ em nguy hiểm, hàng hoá không rõ nguồn gốc… 

Nhằm hạn chế sự “chặt chém”, Ban tổ chức cũng cho dựng gần các panô, biển báo thông báo rõ ràng giá vé thắng cảnh, giá vé đò… cho du khách và thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin và xử lý kịp thời những vi phạm. 

Ban Tổ chức Lễ hội Đền Trần (Nam Định) cũng đưa ra giải pháp hạn chế cảnh cướp lộc, tranh ấn. Do năm nay lễ dâng hương và khai ấn diễn ra vào ngày cuối tuần, dự kiến lượng du khách về dự lễ đông hơn nên Ban tổ chức lễ hội đã quyết định sẽ tiến hành phát ấn cho nhân dân và du khách sớm hơn năm trước 30 phút nhằm tạo điều kiện cho những người ở xa về có thể nhận ấn sớm, hạn chế tình trạng chờ đợi, ùn tắc, tránh tình trạng xô đẩy, chen lấn. 

Cụ thể, Ban Tổ chức sẽ bắt đầu phát ấn từ 5 giờ 30 phút sáng 15 tháng Giêng Âm lịch (tức ngày 22/2 dương lịch). 

Ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử khu văn hóa Đền Trần cho biết, Lễ hội Đền Trần Nam Định sẽ không ấn định số lượng ấn phát ra cho nhân dân và du khách thập phương vì còn tùy thuộc vào sức khỏe của các cụ nhà đền phân công nhau làm. 

Tuy nhiên, ông Hoạt nói “chắc như đinh đóng cột”: “Chúng tôi cam kết sẽ không thiếu ấn cho du khách và nhân dân”. Như vậy, người dân có thể yên tâm, không phải lo thiếu ấn để phải xô đẩy, cướp ấn. 

Kín đáo chém lợn, không mang gậy vào lễ hội

Lễ hội Ném Thượng (tổ chức vào ngày mùng 5 và 6 tháng Giêng Âm lịch) với tục chém lợn gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua và đã dấy lên không ít tranh cãi về nghi thức chém lợn ở sân đình. Trước những thắc mắc xung quanh việc có tổ chức nghi lễ chém lợn giữa sân đình trong ngày hội làng Ném Thượng hay không, ông Lưu Đình Thực, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh  không khẳng định 100% là không có hoạt động này. 

Lý do là năm 2015, UBND tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra phương án và được sự thống nhất của người dân địa phương là tổ chức nghi lễ chém lợn tế diễn ra kín đáo. Song vào phút chót, người dân tự ý thay đổi kịch bản, tiếp tục chém lợn công khai ngay giữa sân đình. 

Ông Lưu Đình Thực cho biết, năm nay nghi lễ này sẽ được chuyển ra chỗ kín đáo hơn ở phía Tây sân đình. Việc dừng tổ chức chém lợn là vấn đề nhạy cảm, cần kiên trì, vận động thuyết phục quần chúng nhân dân.

Còn về Hội Lim diễn ra vào  12 - 13 tháng Giêng, UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đã lên kế hoạch chi tiết nhằm đảm bảo an ninh trật tự, hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, ăn xin, ăn mày tại khu vực lễ hội...

Ban Tổ chức cho biết, địa phương đã xây dựng nhiều biện pháp nhằm hạn chế tối đa những điểm quan họ hát chui, ngửa nón quyên tiền.

Bạo lực ở đền Gióng cũng làm nhiều khách thập phương quan ngại. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sóc Sơn (Hà Nội) Đoàn Văn Sinh cho hay, lễ hội năm nay sẽ không cho phép đoàn rước mang gậy để hạn chế bạo lực, xô xát có thể xảy ra. 

“Để hạn chế bạo lực, chúng đã yêu cầu tuyển chọn đoàn hộ giá kiệu rước hoa tre là những người có tư cách đạo đức tốt, đoàn rước tuyệt đối không được mang gậy vào lễ hội; đồng thời tăng cường thêm lực lượng an ninh từ huyện, xã hỗ trợ.

Đây là lễ hội truyền thống, vì vậy màn cướp lộc vẫn diễn ra như bình thường nhưng không dùng gậy, chỉ chen lấn không để xảy ra xô xát, đánh nhau”- ông Sinh nhấn mạnh.

“Kế sách” đã có, nhưng mùa lễ hội Bính Thân có thực sự “trong lành” hay không lại là chuyện khác. Đã nhiều năm, các vị lãnh đạo tỉnh, ban, ngành, Ban Tổ chức đều hứa hẹn sẽ “dẹp loạn” trong mùa lễ hội, nhưng thực tế biết bao cảnh hỗn loạn, “chặt chém”, bạo lực đã xảy ra.

Các nhà nghiên cứu văn hóa, dư luận bất bình, nhưng các vị ấy vẫn “bình thản”, không phải chịu bất kỳ trách nhiệm, kỷ luật nào. Và mỗi mùa lễ hội, công việc của họ là hứa sẽ cố gắng để lễ hội “sạch” hơn. Còn việc “sạch” hay không, mùa lễ hội sau lại… tính tiếp!

Không có chế tài xử phạt cho Ban Tổ chức, cộng thêm sự thiếu ý thức của người dân, câu chuyện  về sự lộn xộn, tạp nham tại mùa lễ hội năm 2016 sẽ nối dài?

Đọc thêm