Hạnh phúc đong đầy của cô gái mê tranh giấy

(PLO) - Trong căn nhà thuê chật chội, đơn xơ, người mẹ trẻ ngồi xe lăn chơi cùng cậu con trai đầu lòng đang chập chững tập đi. Trong tiếng cười giòn tan, trong trẻo của con trai, chị tự hào kể về chuyện của mình,...
Gia đình hạnh phúc của chị Hương- anh Mạnh
Gia đình hạnh phúc của chị Hương- anh Mạnh

Chị Nguyễn Thu Hương (SN 1985, quê Hà Nội) khi sinh ra khỏe mạnh, lành lặn như bao người. Vào năm lên 8 tuổi, một trận ốm dai dẳng không rõ nguyên nhân khiến chân tay sưng phồng, co quắp lại. Suốt mấy tháng ròng, chị bị sốt cao, chân tay tê liệt. Những trận ốm, sốt cứ liên tục hành hạ chị.

Học hết lớp 6, chị tạm rời xa sách vở để ở nhà điều trị. “Có bệnh thì vái tứ phương”, nghe thấy ở đâu có thầy giỏi, hai cha con Thu Hương lại tìm đến chữa chạy. Năm 2003, có bao nhiêu tiền dành dụm trong nhà, cha mẹ Thu Hương dốc vét để thực hiện ca phẫu thuật chân cho con tại bệnh viện 108. Tuy nhiên, niềm hy vọng cô con gái xinh xắn được chân sáo tung tăng như bạn bè cùng trang lứa đã tan thành nước mắt khi ca phẫu thuật không thành công. Từ đó, cuộc đời Thu Hương gắn liền với chiếc xe lăn định mệnh.

Quá đau khổ, tuyệt vọng, Thu Hương chỉ biết vùi mặt khóc nức nở trong căn phòng riêng, nỗi đau đớn, mặc cảm rằng mình khuyết tật, trở thành gánh nặng cho gia đình khiến chị có lúc nghĩ đến cái chết. Nhờ tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ, sự động viên, ân cần của người thân đã vực Thu Hương dậy để  sống một cách có ý nghĩa. 

Năm 22 tuổi, một lần tình cờ Hương biết đến lớp học làm tranh giấy của một cô gái xương thủy tinh đã tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật, giúp họ có thu nhập, tự tin cởi mở với cuộc sống hơn. Cảm thấy thích thú nên Hương quyết định đến đây xin học nghề.

Ở xưởng tranh, chị được gặp gỡ, tiếp xúc với những người khuyết tật cùng cảnh ngộ, mỗi người một lứa tuổi, một khiếm khuyết khác nhau nhưng tất cả đều chăm chỉ, vui vẻ, có niềm tin trong cuộc sống.

Nhìn họ, Hương thấy được tiếp thêm động lực để phấn đấu. Với đôi bàn tay khéo léo và bản tính cần cù, tỉ mỉ, sau một thời gian cần mẫn học nghề, Thu Hương đã tự làm ra những sản phẩm tranh giấy đẹp, được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích. Chị cũng thổi tâm hồn lãng mạn, bay bổng và khát vọng của mình vào trong những bức tranh khiến những bức tranh giấy trở nên lung linh, có hồn hơn. Rất nhiều khách hàng mua tranh của chị đã dành lời khen tặng khiến Thu Hương vô cùng xúc động, càng miệt mài với công việc đầy say mê và cảm hứng bất tận.

Công việc ở xưởng tranh giấy không chỉ giúp Thu Hương có công việc, có thu nhập ổn định, mà quan trọng hơn nó còn giúp chị thay đổi cách sống, cách suy nghĩ. Từ một cô gái trầm lặng, sống khép kín, đầy mặc cảm và hoài nghi, Thu Hương đã cảm thấy tự tin, cởi mở và hòa đồng hơn.

Cũng tại trung tâm dạy nghề, vào năm 2013, chị đã gặp “người trong mộng” của cuộc đời mình. Đó là chàng trai Trung Mạnh (SN 1983, quê Thái Bình). Chàng trai đầy nhiệt huyết và đôn hậu ấy là tình nguyện viên tại trung tâm dạy nghề Sống Độc Lập dành cho người khuyết tật chị Hương sinh hoạt.

Anh Mạnh là người để ý đến Thu Hương trước, anh ân cần dành cho chị những quan tâm, chăm sóc. Trái tim thiếu nữ của Thu Hương cũng rung lên những làn sóng yêu đầu đời nhưng chị giấu kín xúc cảm và tự nhủ rằng chàng trai đôn hậu ấy luôn hào phóng giúp đỡ mọi người, anh đối xử với người khuyết tật nào cũng chu đáo, tận tình như thế. Còn anh Mạnh, vì mến Thu Hương nên anh theo dõi tài khoản Facebook của chị rồi kết bạn, chuyện trò.

Chị chia sẻ với anh về công việc làm tranh giấy của mình, về những khó khăn, lóng ngóng khi thiếu đi đôi chân lành lặn. Chị say mê khi nghe anh kể về quê lúa Thái Bình của mình, nơi có mẹ anh vất vả tảo tần tích cóp nuôi con lên thành phố ăn học.

Anh cũng chia sẻ những nhọc nhằn của chàng trai tỉnh lẻ một thân một mình trụ lại giữa chốn Hà thành. Anh kể về căn phòng trọ bé xíu như bao diêm, mùa hè nóng như nung còn mùa đông thì lạnh thấu xương- nơi anh đã sống suốt thời thanh niên trẻ trung sôi nổi để hun đúc ước mơ có công việc ổn định, không chỉ giúp đỡ cha mẹ mà còn làm được những việc có ích cho cộng đồng. 

Giữa họ dần hình thành sự đồng cảm sâu sắc. Từ tình bạn bè, tri kỷ, họ yêu nhau từ lúc nào không biết. Thời gian yêu Hương, Mạnh vừa đi học vừa làm tình nguyện viên tại trung tâm Sống Độc Lập của người khuyết tật Hà Nội. Tuy nhiên, như Hương thú nhận, hồi đó yêu vậy chứ cũng đâu dám mơ đến chuyện hạnh phúc tương lai, vì anh ấy lành lặn, khỏe mạnh, thông minh và tốt bụng, còn mình chỉ là một cô gái tật nguyền, chỉ khiến anh thương hại mà thôi.

Và rồi một biến cố xảy ra với Mạnh khi mẹ anh đột ngột ốm nặng. Anh buộc phải bỏ học về quê chăm sóc mẹ trong suốt nửa năm trời. Mẹ mất, anh đau đớn và hoàn toàn mất phương hướng. Bản thân anh chưa có gia đình, chuyện học hành lại dang dở, người thân yêu nhất luôn ủng hộ và tin tưởng anh đã đi xa. Trong lúc anh tuyệt vọng nhất, chị Hương luôn ở bên động viên anh bằng tất cả sự quan tâm chân thành của mình.

Lúc ấy, chị Hương cũng đang buồn phiền vì chuyện gia đình. Chị muốn tìm cách bỏ nhà đi thật xa, dù đôi chân không lành lặn. Biết chuyện, anh bắt xe từ Thái Bình lên Hà Nội để khuyên can chị. Nghe những tâm sự của Hương, anh thương người yêu đến thắt lòng. Giây phút ấy, anh quyết tâm ở bên người con gái này mãi mãi.

“Em đừng buồn như thế nữa. Anh nguyện là đôi chân cùng em bước đi trong cuộc đời này”- câu nói chân thật mà lại lãng mạn như thơ đó, thay cho lời cầu hôn của anh Mạnh gửi tới người con gái mà anh yêu thương. 

Ngày anh quyết định công khai tình cảm với chị cũng là ngày anh gặp phải sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình, họ hàng. Sợ Hương tủi thân, ban đầu anh phải giấu nhẹm chuyện này để tự mình thuyết phục gia đình, bảo vệ tình yêu. Sau rồi anh nghĩ, cần phải nói thật với người yêu mọi chuyện để cả hai cùng chung sức, chung lòng chứng minh cho gia đình biết tình yêu, sự quyết tâm của mình.

Sau nhiều gian truân, cuối cùng nhờ sự quyết tâm kiên trì bảo vệ tình yêu, đám cưới của Thu Hương - Trung Mạnh đã được tổ chức vào ngày 10/1/2015.  Sau ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ thuê một căn hộ nhỏ làm tổ ấm. Cưới nhau không lâu thì chị mang thai, nghén lên nghén xuống. Thương vợ, anh Mạnh chẳng nề hà việc gì, từ đi chợ nấu ăn đến giặt giũ, để vợ được nghỉ ngơi. Khi đi siêu âm được con trai đầu lòng, đôi vợ chồng trẻ như vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Tháng 1/2016, sau nhiều ngày mang nặng đẻ đau, tổ ấm của gia đình anh chị đã đón chào thêm một thành viên mới. Chị Hương tâm sự: “Em mang thai vất vả lắm, bản thân không đi lại được, mang thai nặng nề luôn phải có người bên cạnh giúp đỡ những sinh hoạt cá nhân. Khi sinh phải mổ, cũng may em bé ra đời khỏe mạnh, nặng 3,3 kg, giống bố như tạc khiến gia đình bên nội cũng cư xử bớt nặng nề hơn. Đứa con là sự bù đắp kỳ diệu của số phận, khiến em quên hết mệt nhọc, mặc cảm”. 

Hương tâm sự tiếp: “Ngày trước, em không nghĩ mình sẽ lấy chồng, sinh con và có gia đình hạnh phúc như thế này. Những sóng gió đã qua khiến chúng em thêm nâng niu, tôn trọng hạnh phúc mình đang có.” Hiện tại, vợ chồng Hương vẫn ở nhà thuê, bản thân Hương chưa có công việc cho thu nhập ổn định nên anh Mạnh vẫn là trụ cột kinh tế gia đình.

Thương chồng, chị cũng muốn đỡ đần, chung vai gánh vác với chồng. Chị mong muốn mở một cửa hàng nhỏ, bán tranh giấy và đồ dùng tạp hóa, góp phần tăng thu nhập cho cả gia đình. Cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn phía trước nhưng chúng tôi thấy hạnh phúc vẫn rạng ngời trong ánh mắt vợ chồng chị, trong tổ ấm nhỏ bé này. 

Đọc thêm