Đúng 7h25 ngày 22/1, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ca mang thai hộ đầu tiên ở Việt Nam đã được phẫu thuật thành công trong niềm vui sướng và hạnh phúc tột độ của gia đình em bé. Đó là một bé gái bụ bẫm, xinh đẹp, được bố mẹ đẻ đặt tên Đinh Quỳnh Anh, nặng tới 3,6kg.
Không giấu nổi sự xúc động, trong làn nước mắt nghẹn ngào, chị T.T.M (quê Hà Nam), mẹ đẻ cháu bé đã nói lời cám ơn chân thành đến các y, bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương vì đã mang hạnh phúc bất ngờ, to lớn này đến cho gia đình chị...
Chị M. chia sẻ, suốt 16 năm chờ đợi, anh chị mới có được niềm hạnh phúc này. Chị bị mổ nội soi từ năm 2001 vì có bất thường ở tử cung nên không thể tự mình mang thai, dù buồng trứng và các chức năng sinh sản khác hoàn toàn bình thường.
Các bác sỹ cho biết, chỉ khi nào Nhà nước cho phép mang thai hộ (MTH), vợ chồng chị mới có cơ hội làm cha mẹ. Vì thế khi quy định về MTH có hiệu lực, anh chị vội vã bắt xe lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương để tìm hiểu thông tin và thủ tục cho việc MTH.
Sau khi được hướng dẫn, anh chị lại lục tục kéo nhau về quê bàn bạc, nhờ người MTH. Người MTH cho vợ chồng chị M. là người cô họ năm nay đã 46 tuổi. Chi phí cho một ca MTH cũng tương đồng với kinh phí để thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau khi trao em bé cho bố mẹ đẻ của em, GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - người trực tiếp thực hiện ca mổ đẻ cho biết, ông rất vui mừng khi được trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật đặc biệt này.
Thứ trưởng Tiến cho hay, hiện sức khỏe của người MTH sau khi được mổ đẻ cũng rất tốt và đang hồi phục. Thành công của trường hợp MTH đầu tiên này ở Việt Nam thể hiện kỹ thuật MTH của nước ta ngang tầm thế giới và chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật này.
Mặc dù ca phẫu thuật đã thành công nhưng ông Tiến cũng thể hiện lo ngại khi cho biết tỷ lệ thành công của những trường hợp này chỉ đạt khoảng 60-70%. Theo GS-TS Nguyễn Viết Tiến, việc pháp luật quy định theo hướng chỉ cho phép thực hiện MTH đối với các cặp vợ chồng chưa có con chung là hoàn toàn đúng đắn. Bởi trong trường hợp đã nhờ MTH nhưng kết quả không đạt được như mong muốn, đứa bé bị tàn tật sẽ rất khó xử cho gia đình và xã hội.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cũng thể hiện quan điểm rằng, kỹ thuật tiến hành MTH không có gì khó khăn, tuy nhiên các bệnh nhân không nên quá lạm dụng kỹ thuật này. Chỉ khi không thể thực hiện được các biện pháp khác mới phải áp dụng MTH.