Chứng quả ngộ Thiền
Năm 14 tuổi, Ngài phát tâm xuất gia chuyên dùng hạnh thanh tịnh để tự tu. Nhân đi du xuân, ngài gặp tổ Bà Tu Mật, có thưa hỏi như sau: Kính thưa thầy, ngài tu để được cái gì? Tổ Bà Tu Mật trả lời ngài: Ta tu để dược cái không tu. Nghe tổ trả lời lạ quá nên ngài hỏi: Tu mà để được cái không tu là tu làm sao? Tổ trả lời: Tức không dính mắc cái gì hết.
Vậy là, Ngài về trình thưa cùng cha mẹ xin theo tổ xuất gia, cha mẹ bằng lòng, theo tổ học một năm, một hôm ngài hỏi tổ: Bạch tổ nhờ con theo tổ tu học cái không tu hôm nay con đã biết cái không tu ấy.
Tổ bảo: Ông đừng lạm dụng lời người khác. Ngài thưa: Con rõ ràng thường biết thì làm sao lạm dụng lời người khác chứ. Tổ nói: Vậy ngươi nói chỗ thường biết xem có đúng không. Ngài liền chắp tay thưa trình với tổ bằng 64 câu kệ: “Hôm qua con chỉ ngồi chơi/ Tâm con Thanh tịnh, được “rơi về nhà”; Nhà con là chỗ hôm qua/ Thanh tịnh vắng lặng, nhìn xa vô cùng.
Tuần trước Tổ dạy con “Dừng”/ Luân hồi sinh tử con đừng ham mê; Nhờ vậy con rõ đường về/ Nhà xưa quê cũ, là quê Niết bàn. Về đó con được bình an/ Luân hồi sinh tử, không ràng buộc ta; Thầy dạy ý Phật Thích ca/ Hễ ai nhận được, vượt qua luân hồi. Tu Thiền thanh tịnh mà thôi/ Ai mà thanh tịnh, nhận rồi tánh Nghe; Cái nghe không phải tánh nghe/ Nếu nghe vật lý lên bè trầm luân. Rơi vào Phật tánh con mừng/ Mừng vì sanh tử đã dừng với con; Vào đây chỉ biết hằng còn/ Không sanh không tử không còn thứ chi.
|
Thiền tông thật là diệu kỳ/ Rơi vào Bể tánh cái chi cũng tường; Vào được không bị vấn vương/ Những thứ vật lý, buồn thương không còn. Thấy nghe thanh tịnh của con/ Con phát ra tiếng, tiếng còn mãi vang; Vang mãi vượt cả trần gian/ Khắp trong vũ trụ, tiếng vang khó lường. Tiếng nói khi ở trong vườn/ Chỉ có trăm thước, hết đường để đi; Thầy dạy Thiền tông diệu kỳ/ Không dính không mắc, cái chi cũng tường.
Hiện tại con hết vấn vương/ Những thứ vật lý, con thường rõ thông; Nhìn cảnh vật và núi sông/ Những thứ duyên hợp, họp xong tan lìa. Thiền tông chỉ rõ thứ kia/ Những thứ vật lý, xa lìa với con; Dầu vàng bằng núi bằng non/ Đến khi tắt thở không còn thứ chi. Thiền tông Phật dạy con ghi/ Khi lìa vật lý không chi phiền mình; Thiền tông, không phải lặng thinh/ Mà thấy cứ thấy mình đừng bận chi. Thiền tông thanh tịnh một khi/ Chừng nào được hút, qua thì màn trong; Là về quê cũ đã xong/ Vào trong Bể tánh là xong luân hồi.
Con trình chỗ nhận vậy thôi/ Xin thầy chỉ dạy, có lời nào sai; Xin cho con rõ được ngay/ Chỗ con thấy biết có sai chỗ nào? Nhờ Thầy chỉ dạy trước sau/ Nay con biết được đường vào vô sanh; Vào đây tuyệt diệu vô tranh/ Niết bàn thanh tịnh không sanh luân hồi. Con xin trình Thầy vậy rồi/ Xin Thầy xác nhận những lời của con; Lòng con nhất quyết Phải còn/ Lần theo chánh pháp, lòng con quyết làm. Dù cho núi lở sông tràn/ Cũng không lay chuyễn lòng an Phật truyền; Con xin phát đại thệ nguyền/ Dù cho thân nát, con nguyền không lay.
Khi Tổ Bà Tu Mật, nghe Ngài Phật Đà Nan Đề trình 64 câu kệ, nói lên được chỗ “Rơi vào Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh” của mình, Tổ dạy: Ngươi đã vượt qua của Hải Triều Dương, về được “nhà xưa” của mình. Tổ vị thứ Tám ta sẽ trao cho ngươi, vậy ngươi hãy lo buổi lễ truyền “Bí Mật Thiền Tông” này cho tươm tất, đúng 12 ngày nữa, ta sẽ truyền Bí mật Thiền tông cho ông, thay làm Tổ sư Thiền tông đời thứ Tám.
Gặp người nối truyền
Sau khi đắc pháp, Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa khắp nơi. Đến nước Đề Già, Ngài đi qua cổng nhà họ Tỳ Xá La, chợt thấy trên nóc nhà có hào quang trắng xông lên hư không. Ngài chỉ chúng xem và bảo: Trong nhà nầy hiện có một vị thánh nhân, tuy miệng không nói một lời, chân không đi một bước, mà thật là bậc căn khí đại thừa. Dù không ra ngoài đường mà biết việc xúc uế. Quả là người nối pháp cho ta, khiến Phật pháp hưng thịnh. Vị này, sau sẽ độ được năm trăm người chứng quả thánh.
Ngài nói xong, có người trưởng giả trong nhà bước ra làm lễ thưa: Tôn giả cần điều gì dừng lại đây? Ngài bảo: Ta đến tìm người thị giả, chớ không cần gì. Trưởng giả thưa: Nhà tôi đâu có người kỳ đặc mà Ngài tìm, chỉ có đứa con trai tên Phục Đà Mật Đa không biết nói, không biết đi, tuổi đã năm mươi, nếu Ngài cần tôi cho, không tiếc.
Ngài bảo: Đứa con ông nói đó chính là người tôi tìm. Trưởng giả thỉnh Ngài vào nhà. Phục Đà Mật Đa vừa trông thấy Ngài liền ngồi dậy, chấp tay nói kệ: Phụ mẫu phi ngã thân, Thùy vi tối thân giả ? Chư Phật phi ngã đạo, Thùy vi tối đạo giả? Dịch: Cha mẹ chẳng phải thân/ Ai là người chí thân ? Chư Phật phi đạo tôi/ Cái gì là tột đạo?
Ngài nói kệ đáp: Nhữ ngôn dữ tâm thân/ Phụ mẫu phi khả tỷ/ Nhữ hạnh dữ đạo hiệp/ Chư Phật tâm tức thị/ Ngoại cầu hữu tướng Phật, Dữ nhữ bất tương tợ, Nhược thức nhữ bổn tâm, Phi hiệp diệc phi ly.
Dịch : Lời ngươi cùng tâm thân, Cha mẹ không thể sánh, Hạnh ngươi cùng đạo hiệp, Chư Phật chính là tâm. Ngoài cầu Phật có tướng, Cùng ngươi không chút giống, Nếu biết bổn tâm ngươi, Chẳng hiệp cũng chẳng lìa. Mật Đa nghe bài kệ xong rất hoan hỷ, bước xuống đảnh lễ Ngài và đi bảy bước, một lòng thành khẩn xin xuất gia. Ngài chấp nhận cho xuất gia,liền triệu tập chúng hiền thánh làm lễ truyền giới cụ túc. Sau đó, Ngài lại dặn dò Mật Đa: Pháp nhãn của Như Lai thầm truyền đến đời ta, nay ta trao lại cho ngươi, ngươi nên truyền trao chớ đoạn dứt. Nghe ta nói kệ: Hư không vô nội ngoại, Tâm pháp diệc như thử, nhược liễu hư không cố, Thị đạt chơn như lý.
(Dịch : Hư không chẳng trong ngoài, Tâm pháp cũng như thế, Nếu hiểu rõ hư không, Là đạt lý chơn như). Mật Đa hân hạnh được truyền pháp vui mừng vô hạn, liền nói kệ khen ngợi: Ngã sư thiền Tổ trung, Thích đương vi đệ bát, Pháp hóa chúng vô lượng, Tất hoạch A-La-Hán. (Dịch : Thầy tôi trong thiền Tổ, Hiện là vị thứ tám, Giáo hóa chúng không cùng, Thảy được quả La Hán). Ngài truyền pháp xong, sắp vào Niết bàn. Hôm ấy đang ngồi trên bổn tòa, Ngài an nhiên thị tịch. Số chúng Ngài độ có đến năm trăm vị chứng nhị quả. Toàn chúng trà tỳ hài cốt Ngài, lượm xá lợi xây bảo tháp tôn thờ.
Trong các thư tịch cổ đều thống nhất vẽ Tổ thứ tám- Phật Đà Nan Đề người béo tốt, ngồi bệt tựa gốc cây, chân phải xếp bằng, chân trái chống nghiêng, tay trái để trên đùi, tay phải đang ngoày tai. Tổ mặc áo phanh ra hở cả ngực và bụng, quần dài tết gấu lại như đăng ten, cổ tay đeo vòng. Tượng Tổ thứ 8 ở chùa Tây Phương bày ở góc ngoài, phía bên phải tòa chùa trong, được bám sát hình trong sách “Thiền Uyển Kế Đăng Lục” tạo một khối căng tròn, óng ả, mặt hỉ hả, đôi mắt hóm hỉnh, miệng cười dễ dãi, khuôn mặt sáng sủa, tất cả toán lên sự thông minh, mềm mỏng, dễ gần. Đây là pho tượng đặc biệt sống động, dù cái que bị mất vẫn luôn gợi động tác ngoáy tai, ngoài sự kích thích còn biểu hiện sự giao tiếp và ứng xử văn hóa uyên bác.