Cộng hòa Vanuatu trước khi độc lập vào năm 1980 có tên là New Hebrides. Cùng với New Caledonia, đây là hai quần đảo thuộc địa của thực dân Pháp tại Nam Thái Bình Dương. Từ năm 1911, những người Việt Nam khi đặt chân đến hai hòn đảo này gọi New Hebrides là Tân Đảo, còn New Caledonia là Tân Thế Giới.
Người “Chân đăng” là ai?
Theo nhiều sử liệu, những người Việt Nam (trong văn bản của Pháp ghi là ‘Annamite’) đầu tiên đặt chân đến New Caledonia là phạm nhân và tù chính trị bắt đầu từ năm 1891. Họ có khoảng 800 người chủ yếu là tù nhân của nhà tù Poulo Condor, bị đưa sang đây theo diện khổ sai. Từ năm 1895, việc tuyển dụng được thực hiện trực tiếp tại cảng Hải Phòng. Năm 1923, 145 người lao động Bắc Kỳ đầu tiên chính thức đến New Hebrides theo diện mộ phu (tức là người phu được tuyển mộ).
Những người này đi xuất khẩu lao động có hợp đồng 5 năm ký với các công ty tuyển dụng của Pháp để vào làm trong các đồn điền. Cùng khoảng thời gian đó cũng có một số lượng lớn người lao động chọn đi làm công nhân ở New Caledonia. Cứ năm đàn ông thì mới có một phụ nữ. Hầu hết là đi để đổi đời, nhưng cũng nhiều người con gái, trốn nhà đi để khỏi phải lấy chồng.
Phần lớn họ là người đến từ đồng bằng sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam, đặc biệt là từ các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, những khu vực đông dân cư với mức sống rất thấp và nạn đói hoành hành. Các công nhân tự do được đưa đến đảo Thái Bình Dương, phu mỏ kền và cromit còn những người đi Tân Đảo thì thường ký làm phu đồn điền trồng cà phê và dừa.
Được biết, vào thời đó, hợp đồng lao động của người Việt ở Tân đảo và Tân Thế Giới là 10 đồng Đông Dương, trong khi đó mức thu nhập bình quân của người Việt ở quê nhà chỉ từ 5 hào đến 1 đồng. Thêm vào đó, chủ mỏ còn cam kết bao luôn cả các chi phí ăn ở. Đến những năm 30, tiền công lao động của phu mỏ ngày càng được cải thiện và đạt mức cao gấp 30 lần so với thu nhập của người nông dân ở Việt Nam. Lương phu mỏ nam trung bình 80 quan/ngày và nữ 50 quan.
|
Ngày 30/6/1946 cũng hát Quốc ca kéo Cờ đỏ Sao vàng lần đầu tiên tại Port Vila Tân Đảo. |
Chính bởi những điều khoản hấp dẫn đó mà đến những năm 1930, làn sóng tuyển dân phu ngày càng tăng. Các chuyến tàu đưa người Việt Nam ồ ạt sang Tân Đảo, Tân Thế Giới khai thác quặng và đồn điền, phục vụ cho thực dân Pháp trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Những người Việt khi đó được người Pháp và người bản địa gọi là người “Chân đăng”.
Từ “Chân đăng” theo tiếng Pháp gọi “D’engager” với nhiều cách lý giải. Có người gọi là “người đi đăng ký”, người gọi “đặt chân vào đăng ký tình nguyện... Cũng có người bảo rằng bởi xưa kia các cụ khi đi xin theo chân các thương nhân Pháp đi mộ phu thường nói: “Đăng ký cho tôi một chân đi Tân Đảo/Tân Thế (“Giới)” nên từ đó mà ra... Nhưng dù lý giải như nào cũng chỉ cần hiểu đơn giản: “Chân đăng” là để chỉ những người người Việt Nam đến làm việc ở New Caledonia, New Hebrides theo dạng hợp đồng.
Những lời hứa hẹn về mức lương và các ưu đãi hấp dẫn đã thu hút hàng ngàn lao động Việt Nam rời bỏ quê hương, mong thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, mang theo giấc mơ đổi đời. Tuy nhiên, sự thực tàn nhẫn của phận đời những người An Nam đi phu nơi xứ người đã khiến nhiều người không khỏi đau xót.
Vỡ mộng nơi xứ người
Theo nhiều con cháu của những người “Chân đăng” đầu tiên kể lại, cuộc sống của cha ông họ những ngày đầu sang Tân Đảo, Tân Thế Giới vô cùng vất vả khổ cực. Họ phải làm việc nặng nhọc nhưng vẫn thường xuyên bị đánh đập dã man. Đàn bà thì bị cưỡng hiếp, nhiều người không chịu đựng nổi phải tự chặt một ngón tay để xin về, nhưng rồi dần dần chặt tay cũng không được về nữa. Những người “Chân đăng” bị coi như những “nô lệ da vàng”. Lương chỉ được 80 quan một năm, mức lương chỉ bằng 1 tháng so với cam kết ban đầu.
Bởi khi ở Việt Nam không ai biết được những điều kiện lao động khổ cực đó nên sang đến nơi chẳng còn đường lui. Mọi người khi đó chỉ còn biết bảo nhau cố làm cho hết hạn hợp đồng rồi sẽ được tự do. Nhưng, nhiều người trong số họ đã chết trước khi có cơ hội nhìn thấy mảnh đất quê hương một lần nữa.
|
Phái viên Vũ Hoàng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (áo com-lê sẫm màu, đứng giữa) cùng bà con Việt kiều Tân thế giới hồi hương. |
Ngày nay trên mảnh đất New Caledonia, ở khắp các nghĩa trang Tiébaghi, Voh, Paagoumène... vẫn còn rất nhiều ngôi mộ được ghi bằng thứ tiếng Việt xưa cũ không dễ nhận ra. Có rất nhiều mộ bia được ghi bằng chữ Hán. Trên những ngôi mộ đó còn ghi những thông tin của người đã nằm xuống mang họ Trần, họ Nguyễn... Quê quán được ghi là Nam Định tỉnh, Thái Bình tỉnh... Thậm chí, nhiều bia mộ còn ghi quốc hiệu Đại Nam quốc trên đầu bia. Những bia mộ này được lập vào những năm thập niên 1920 đến 1950.
Đặc biệt, từ sau năm 1945, nhiều bia mộ ở đây còn khắc rất đậm nét quốc hiệu mới của nước Việt Nam độc lập là “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Thậm chí, có bia mộ còn ghi rõ cả tiêu đề “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” bên dưới Quốc hiệu.
Trước đó, từ năm 1940 khi Chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra thì việc đi lại giữa Tân Đảo và Việt Nam bị cắt đứt. Tuy nhiên, cộng đồng người Việt ở đây mặc dù xa quê hương nhưng vẫn luôn hướng về Tổ quốc, nghe thông tin qua đài thì ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Bác Hồ. Mỗi khi có tin chiến thắng mọi người đều ăn mừng. Tới khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngay giữa mảnh đất thuộc địa của Pháp họ đã liều lĩnh kéo lá cờ đỏ sao vàng lên ngang hàng với cờ Pháp. Các hội người Việt treo ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trong hội quán. Bà con Việt kiều ở đây cũng đã gửi về nước hàng triệu quan để đóng góp cho kháng chiến.
|
Một ngôi mộ của người Việt ở Tân Đảo. |
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều người Pháp thù hận người Việt ở Tân Đảo và công khai chửi bới, dùng bạo lực, phá hoại tài sản của bà con. Các tổ chức của người Việt bèn nhân cớ này đấu tranh đòi quyền được hồi hương. Kết quả là 90% về miền Bắc, 10% ở lại vì có nhiều con cái, tài sản, không ai về miền Nam.
Cuối cùng thì vào ngày 30/12/1960 con tàu Eastern Queen (Nữ hoàng phương Đông) đã đưa 551 người rời Tân Đảo cập bến Hải Phòng ngày 12/1/1961. Khi đó, đích thân Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra đón kiều bào ở cảng. Trước đó vào năm 1959, Chính phủ đã ký hẳn một Nghị quyết về việc đón tiếp kiều bào ở Thái Lan, Tân Đảo, Tân Thế Giới về nước, đây cũng là tiền đề cho sự thành lập Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sau này.
Trong hai năm 1963, 1964 có thêm 11 chuyến tàu nữa đưa hàng nghìn người từ hai quần đảo xa xôi về nước, rồi họ lại tản ra theo phân công của các đơn vị, nhiều người đi mãi Tuyên Quang, Lào Cai có người đi vùng mỏ Quảng Ninh, người thì ở lại ngay Hải Phòng.
(Còn nữa)