Hành trình lửa Thiện Nhân của “cặp đôi xuyên biên giới“

(PLO) - Cái kết đẹp cho Hành trình Thiện Nhân là Greig và Na Hương đã kết hôn với nhau. Cô con gái kháu khỉnh, xinh đẹp là món quà lớn nhất cho cuộc sống hiện tại của họ.

Vợ chồng chị Na Hương và con gái.
Vợ chồng chị Na Hương và con gái.
Nơi “bốn mùa yêu thương”
Tôi gọi tổ ấm vợ chồng chị Hoàng Na Hương và Greig Craft là nơi “bốn mùa yêu thương”. Bởi ở đó cất giữ rất nhiều bức ảnh, clip về những nụ cười, nước mắt hạnh phúc của các ông bố, bà mẹ có con được phẫu thuật bộ phận sinh dục thành công. Ở đó, hạnh phúc gia đình hòa cùng với hạnh phúc của cộng đồng, của sự sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh.

Greig nói, Việt Nam là quê hương thứ hai mà anh muốn gắn bó đến trọn đời. Anh đến Việt Nam lần đầu vào năm 1989 với sự tò mò về một lịch sử, văn hóa nơi đây qua lời kể của bố - một chiến binh phục vụ trong quân đội Mỹ những năm 1954-1968. Ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Mỹ -Việt đã khiến anh mong muốn làm điều gì đó cho Việt Nam. 

Năm 1999, Greig thành lập Quỹ Phòng chống thương vong châu Á với mong muốn cải thiện môi trường giao thông, nâng cao nhận thức của người dân về an toàn giao thông và đặc biệt hướng tới đối tượng trẻ em. Anh cung cấp thiết bị y tế cần thiết, đồng sáng lập Hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam và mời nguyên tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam để phát động sáng kiến mũ bảo hiểm cho trẻ em năm 2000. Với những đóng góp của mình, Greig vinh dự được nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng Huân chương Hữu nghị vào năm 2011, là phần thưởng cao quý của Việt Nam dành cho người nước ngoài. 

Hoàng Na Hương gặp Greig khi đang công tác tại Quỹ Phòng chống thương vong châu Á. Hồi đó, Greig không để lại nhiều ấn tượng cho chị, ngoài hình ảnh một người đàn ông Mỹ có nụ cười ấm áp và trái tim luôn hướng về trẻ em hoạn nạn. Một vài lần, Greig chia sẻ với cô về việc muốn là cha đỡ đầu của bé Thiện Nhân – cậu bé bị động vật ăn một chân và toàn bộ bộ phận sinh dục. Anh muốn cùng chị Mai Anh giúp cậu bé tìm lại “góc đàn ông” của mình. 

Anh Greig và con gái.
Anh Greig và con gái. 
Trong quá trình cùng nhau hỗ trợ bé Thiện Nhân, chị chứng kiến tình cảm đặc biệt mà Greig dành cho cậu bé. Càng tiếp xúc với anh, chị càng thấy, trái tim anh rộng lớn và ấm áp quá. “Tình yêu chúng tôi bắt nguồn từ những điểm chung, từ sự đồng cảm và sẻ chia nên khoảng cách về địa lý hay khác biệt về văn hóa không còn là điều đáng lo ngại. Là một người từng trải, sống ở nước ngoài nhiều năm, làm nhiều công việc khác nhau, Greig luôn bên cạnh và dạy cho tôi từ những điều nhỏ nhất. Sự bao dung đó làm tôi luôn cảm thấy yên tâm và tự tin. Tôi sẵn sàng chia sẻ và luôn cảm giác được sống đúng với con người thật của mình” – chị Na Hương nói. 
Cái kết đẹp cho Hành trình Thiện Nhân là Greig và Na Hương đã kết hôn với nhau. Cô con gái kháu khỉnh, xinh đẹp là món quà lớn nhất cho cuộc sống hiện tại của họ. Chị luôn muốn học cách dạy con của chị Mai Anh – mẹ Thiện Nhân. Các con trai của Mai Anh rất tình cảm, yêu mẹ và có trách nhiệm. “Tôi không có ý định muốn con mình phải đi học ở trường đại học danh tiếng, tôi chỉ mong muốn con tôi luôn bình an và khỏe mạnh”.
Ươm những “chồi non”

Có lẽ chưa bao giờ vợ chồng chị Na Hương lý giải vì sao lại bắt đầu giúp đỡ trẻ con, dù để làm được những việc đó không đơn giản, đầy khó khăn và có những lúc chán nản. Thế nhưng, khi nhìn sự thay đổi trong tâm hồn của những bé đã được phẫu thuật thành công, nhìn những đôi mắt sáng ngời, hân hoan của những ông bố bà mẹ mà trước đó chưa bao giờ dám nói ra bệnh tật của con mình, các anh chị lại sẵn sàng vượt qua khó khăn để giúp đỡ các cháu nhỏ. 

Chị Na Hương bên các con
 Chị Na Hương bên các con
Tháng 8/2011, 123 gia đình đã đưa con đến khám lần đầu tiên. Tiếp đó, 30 em được mổ vào tháng 11/2011. Hồi đó, ngoài chi phí tự bỏ tiền cho bác sỹ… sang Việt Nam mổ, kinh phí cho toàn bộ các cuộc phẫu thuật hầu như không có. Greig phải kêu gọi tài trợ, bỏ tiền nhà ra để lo cho các cháu tại các bệnh viện. Mỗi năm hai lần, họ cuống cuồng tìm kinh phí cho các kỳ phẫu thuật. 
Năm 2015, chương trình có phẫu thuật cho em bé mồ côi người Campuchia. “Cậu bé bị bỏ rơi ngay sau khi sinh vào đêm giao thừa và sống trong bệnh viện cho đến năm 4 tuổi thì được đón về trại trẻ mồ côi. Ông bố của trại trẻ vụng về chăm con đã làm trái tim của các bà mẹ mủi lòng và hiện tại các mẹ ở TP.HCM đang thay nhau chăm sóc cho cậu bé. Có phải đây là tình yêu không biên giới? Không cần hiểu tiếng nhau, chỉ cần những cái ôm ấm áp và sự chăm sóc của người mẹ đã giúp cậu bé vượt qua nỗi đau thể xác cũng như nỗi đau thiếu hụt của tâm hồn. Cứ như thế, chúng tôi có động lực để vượt qua khó khăn để tiếp tục chương trình” – chị cho biết.
Ấn tượng với bữa cơm gia đình

Hơn 20 năm sống ở Việt Nam, Craft vẫn nói, anh ấn tượng với Tết cổ truyền Việt Nam là những bữa cơm gia đình. Đó là sự đoàn tụ, sum vầy và tất cả các thành viên sẽ cùng nhau thưởng thức những bữa cơm ngon. Anh đặc biệt thích những món ăn cổ truyền của Việt Nam như bánh chưng, các món mứt, thích tham gia nấu và chuẩn bị bữa cơm của chiều 30 Tết cùng gia đình tại Việt Nam. 

“Trước đây, người dân Việt Nam đốt pháo khắp nơi, đó là điều khiến tôi không ấn tượng. Tôi bị giật mình bởi những âm thanh dữ dội của pháo. Nhưng bây giờ, hiện tượng đốt pháo đã không còn nhiều” - Greig nói. 

Vợ chồng chị Na Hương hạnh phúc bên con gái.
Vợ chồng chị Na Hương hạnh phúc bên con gái. 

Quen với văn hóa, các món ăn ở Việt Nam nên Greig cũng dễ hòa nhập. Dù thế, anh cũng gặp một số khó khăn khi tìm hiểu về các tập tục, đặc biệt là những điều kiêng kị khi đến chúc Tết tại các gia đình trong ngày đầu năm và lúng túng trong việc mừng tuổi cho trẻ em. Câu tiếng Việt anh hay nói nhất là: “Chúc mừng năm mới, chúc sức khỏe”.

“Anh ấy không thể nhớ hết các đại từ nhân xưng trong tiếng Việt nên rất khó khăn trong việc chào hỏi: cô, dì, chú, bác… và cả nhà luôn có những lúc cười giòn tan vì sự nhầm lẫn đáng yêu này” – chị Na Hương nói vui.

Trên hành trình đi tìm “lửa Thiện Nhân”, vợ chồng chị Na Hương - Greig còn có thêm 3 đứa con khác. Ba người con trai của chị Mai Anh vẫn gọi chị là mẹ và Greig là cha. Anh chị thường đón chúng về nhà mình vào dịp nghỉ lễ hay cuối tuần. Mỗi lần các con gặp nhau, anh em đều quấn quýt, vui vẻ. Chị nói: “Yêu thương nên đến từ trái tim. Sau những nỗ lực và cố gắng của mình, tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc vì mình dám sống, dám làm và làm tất cả bằng trái tim”./.

Đọc thêm