Tổng chỉ huy chiến trường Nam bộ thời kỳ chống Pháp
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (tháng 7/1908 - tháng 7/2018) - vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 18/7, Tỉnh ủy Hưng Yên, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) và Báo Quân đội nhân dân đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên”.
Với 40 bản tham luận, các nhà khoa học tập trung phân tích, lý giải, góp phần làm sáng tỏ và khẳng định thêm về cuộc đời, sự nghiệp, những cống hiến quan trọng của Trung tướng Nguyễn Bình đối với Đảng, cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên; làm sáng rõ phẩm chất cách mạng kiên cường, tài thao lược, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, vận dụng nghệ thuật quân sự trong xây dựng lực lượng và chiến đấu, tấm gương đạo đức cách mạng trong sáng, mẫu mực của ông.
Qua đó khơi dậy lòng tự hào về quê hương, đất nước, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước, quân đội, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Trung tướng Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, quê ở thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Thời trẻ, ông ra Hải Phòng làm thủy thủ trên tàu viễn dương chạy tuyến Việt Nam - Pháp.
Được Trần Huy Liệu vận động, ông tham gia cách mạng, gia nhập Việt Nam Quốc dân đảng. Sau hai ông đều bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Côn Đảo, bị Quốc dân đảng kết án tử hình nhưng đều may mắn thoát nạn. Riêng Nguyễn Phương Thảo bị đâm mù một mắt.
|
Trung tướng Nguyễn Bình |
Năm 1936, Nguyễn Phương Thảo được trả tự do, về Hải Phòng hoạt động cách mạng và xây dựng căn cứ riêng. Cũng trong thời gian này, ông đổi tên thành Nguyễn Bình, với ý nghĩa “Bình thiên hạ”, chính thức ly khai Việt Nam Quốc dân đảng.
Từ năm 1943, ảnh hưởng của ông mở rộng từ Hưng Yên sang Hải Phòng. Tháng 6 năm 1945, Nguyễn Bình thành lập chiến khu Đông Triều và đảm nhận nhiệm vụ tư lệnh. Khi cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, ông chỉ huy du kích đánh chiếm tỉnh lị Quảng Yên và cướp vũ khí ở một số huyện.
Khi thực dân Pháp đánh chiếm rộng ra toàn Nam bộ, Nguyễn Bình được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào Nam lo việc thống nhất các lực lượng vũ trang. Năm 1946 ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 20/1/1948, ông được Chính phủ phong quân hàm Trung tướng và cử làm Tổng chỉ huy chiến trường Nam bộ.
Cùng đợt có ông Võ Nguyên Giáp được phong Đại tướng và 9 người khác được phong Thiếu tướng là Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa và Trần Tử Bình. Khi Bộ Tư lệnh Nam bộ được thành lập vào tháng 10/1948, ông làm Tư lệnh. Ông còn là Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, Ủy viên quân sự Nam bộ.
Tháng 6/1951, Trung tướng Nguyễn Bình được Trung ương triệu tập ra Bắc dự hội nghị. Đoàn tùy tùng có một số cán bộ và 22 chiến sĩ bảo vệ, xuất phát từ Tân Uyên, xuyên qua vùng Đông Bắc Campuchia đi ra Bắc. Chiều 29/9/1951, khi đoàn dừng chân tại phum Kpal Rô Mia, Srê Dốc, huyện Sê San, tỉnh Stung Treng của nước bạn, Tướng Nguyễn Bình bị địch phục kích, hy sinh. Năm 1952, ông được truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhất.
Hành trình tìm mộ trung tướng sau nửa thế kỷ
Vào năm 2000 - khi 49 năm đã trôi qua, việc quyết định tìm mộ Trung tướng Nguyễn Bình chẳng khác gì “mò kim đáy biển” Nhưng sau mọi nỗ lực, với sự giúp đỡ của quân đội và nhân dân Campuchia, chỉ vài ngày, Đoàn tìm kiếm, quy tập đã tìm thấy mộ của ông.
Theo Quyết định số 52-QĐQP ngày 21/1/2000, ngày 24/2/2000, Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Quốc phòng đã bay sang Stung Treng, đi tìm hài cốt cố Trung tướng Nguyễn Bình. Đoàn gồm 14 người do Đại tá Đỗ Minh Nguyệt - Trưởng phòng Hậu phương của Cục Chính sách - Tổng cục Chính trị làm Trưởng đoàn. Đi cùng đoàn có Thiếu tướng Phùng Đình Ấm (Ba Cung) - người mà tháng 9/1951 nhận nhiệm vụ đi đón đoàn của Trung tướng Nguyễn Bình từ Nam bộ hành quân ra Việt Bắc.
Từ tọa độ đoàn Việt Nam chấm trên bản đồ, Thiếu tướng Khăm Chanh - Phó Tư lệnh Quân khu 1 cho biết, mộ Trung tướng Nguyễn Bình hiện nay thuộc xã Srê Dốc, huyện Sê San, cách tỉnh lị Stung Treng khoảng 60km đường chim bay. Xã Srê Dốc có 3 phum gồm: phum Kpal Rô Mia (thôn Đầu tê giác), phum Pré Phơết (thôn Phật dựa) và phum Rom Pé (thôn phía Tây).
Nhân dân xã này hầu hết là người Mơ Nông, chỉ có vài gia đình người Khơme gốc Lào. Xã Srê Dốc là nơi đóng quân của Tiểu đoàn 421, Trung đoàn 42 trực thuộc Quân khu 1. Địa bàn xã này rất rộng nhưng dân chúng vẫn tập trung đông nhất tại phum Kpal Rô Mia.
5 tiếng sau khi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 421 đến phum Kpal Rô Mia mời Chủ tịch xã Srê Dốc và vị Trưởng phum Kpal Rô Mia, một cụ ông hơn bảy mươi tuổi, mái tóc xoăn đang ngả màu bạc đến gặp Đoàn tìm kiếm giới thiệu ông tên là Nhoi Sa Rô, hiện là Trưởng phum Kpal Rô Mia.
Già Nhoi Sa Rô kể, 49 năm trước, lúc đó ông 24 tuổi, đang làm Đội trưởng dân quân thì bộ đội Việt Nam đến ở phum này hai đêm. Nhoi Sa Rô không biết tên ông chỉ huy, cấp gì, nhưng theo thói quen đồng bào nên gọi là ông là “Lục Thum” (tức ông lớn).
Lục Thum có bốn cái răng vàng và bị hư con mắt bên trái. Hôm đó, Nhoi Sa Rô đi làm giao liên dẫn đường cho ông Vàng và 15 anh em bộ đội Việt Nam khác từ làng Sray Cô đến đón đồng đội ở sông Sê Công. Khi bọn lính commăngđô (biệt kích) vào phum sục sạo bắt heo, gà, chúng phát hiện Lục Thum đang ở ngoài chòi.
Chúng bao vây nổ súng và Lục Thum bị trúng đạn chết ngay trong chòi canh ruộng. Ngay tối hôm đó, Nhoi Sa Rô với Rom Chưm và một số người cùng phum đã cùng một số anh bộ đội Việt Nam khiêng xác Lục Thum đi khoảng 6km rồi dùng thuyền vượt sông sang bờ Nam sông Srê Dốc để mai táng.
Phum trưởng Nhoi Sa Rô kể tiếp, lúc đó đang mùa mưa, nước sông dâng cao. Tôi phải tìm vạt đất ven rừng mà nước không thể lên tới được để chôn Lục Thum. Sau đó, bộ đội Việt Nam rút đi đâu không rõ. Vài ngày sau, ông Vàng cùng anh em đi theo đến đắp mộ của Lục Thum thật cao rồi lâu lâu sau không biết đã lấy xác Lục Thum đi chưa. Nếu chưa lấy mang đi thì chắc chắn Lục Thum vẫn còn nằm đó.
Sáng 27/2/2000, trên đường đến mộ do hai vị bô lão hướng dẫn, Đoàn đi ngang qua phum Kpal Rô Mia, bà con chạy ùa ra đón như đón người thân đi xa lâu ngày trở về. Đồng bào Mơ Nông vùng này có khá nhiều người biết tiếng Việt. Ai cũng nói to: “Tìm cái mộ ông Lục Thum đó dễ lắm mà!”.
Ngôi mộ của Trung tướng Nguyễn Bình tọa lạc trên một vạt rừng thưa cách bờ Nam sông Srê Dốc chừng 70-80m. Mưa rừng gió núi chưa đủ sức bào mòn vì trên mồ vẫn còn lớp cỏ dày bám rễ vào đất và đúng như lời ông già Nhoi Sa Rô nói. Khi đào sâu xuống cách mặt bằng của đất chừng một mét thì hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình đã được tìm thấy.
Khi di hài của Trung tướng Nguyễn Bình được mang về nước, bà Hoàng Thị Thanh - phu nhân Trung tướng yêu cầu kiểm tra hài cốt. Bà nói, sinh thời, Tướng Nguyễn Bình bị hỏng một mắt (phải lắp mắt giả bằng một hòn bi ve thủy tinh) và trước khi ông ra Bắc dự hội nghị, bà đã cẩn thận đơm lại hàng cúc áo (loại cúc bằng xương của thời bấy giờ).
Chắc chắn những thứ đó sẽ không bị phân hủy trong lòng đất. Vì vậy, nếu trong hài cốt còn đủ những di vật này thì mới công nhận đó đích thực là hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình.
Trước sự chứng kiến của nhiều người, khi mở tiểu sành để xem, bà Thanh tìm rất cẩn thận. Cuối cùng, bà kêu lên: “Đây rồi!” khi cầm hòn bi ve và mấy chiếc cúc áo xen lẫn trong hài cốt. Những di vật đó dù đã biến màu nhưng không thay đổi hình dáng.
Ngày 29/2/2000, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã di chuyển hài cốt của Trung tướng Nguyễn Bình về an táng tại Nghĩa trang TP HCM. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.