Hành trình tu tập đỉnh cao pháp môn Thiền tông học của Tôn giả Xà Dạ Đa

(PLVN) - Tổ Xà Dạ Đa, sinh sau Đức Phật nhập Niết bàn 732 năm, ở nước Bắc Ấn, cha tên Xà Phiệt Đà, mẹ tên Ưu Phúc Hiền, theo Ấn Giáo. Trước đã sẵn lòng mến đạo, thông hiểu đạo lý, khi Ngài xuống miền Trung nước Ấn, vào chùa Tịnh An, gặp Tổ Cưu Ma La Đa, Ngài nhờ tổ giải nghi, rồi phát tâm xuất gia. 
Tôn giả Xà Dạ Đa - Vị tổ Thiền tông đời thứ 20.
Tôn giả Xà Dạ Đa - Vị tổ Thiền tông đời thứ 20.

Hành trình ngộ thiền 

Ngài xin Tổ Cưu Ma La Đa giải cho Ngài câu: Phật và chúng sanh Tánh thường rỗng lặng, đạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Tổ giải: Phật là trùm khắp và tự nhiên thanh tịnh trong sáng. Trong sáng này là nhờ điện từ quang tự nhiên không phải là điện từ Âm Dương trong các hành tinh cũng như thân của ông.

Trong thân của mỗi chúng sanh, ai cũng có 2 thứ điện từ: Một là điện từ quang tự nhiên trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh. Hai là điện từ Âm Dương trong vũ trụ nói làm trùm khắp, còn nói hạn hẹp là trong mỗi hành tinh, còn nói nhỏ là trong mỗi thân loài chúng sanh. Khi người tu Thiền tông mà tâm vật lý được thanh tịnh, thì điện từ Âm Dương dần dần bớt đi với họ.

Nhờ vậy, mà điện từ quang ở trong thân họ lần lần hiển lộ. Khi điện từ Âm Dương trong người của họ còn thật ít, tự nhiên điện từ quang trong Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh, hút điện từ quang trong thân của họ vào trong “Bể tánh Thanh tịnh Phật tánh”, cho nên trong kinh đức Phật dạy chỗ này như ông hỏi: Phật và chúng sanh tánh thường rỗng lặng.

Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn. Tôi xin nói rõ thêm, khi tâm vật lý ông được thanh tịnh, tức khắc điện từ quang mênh mông trong Phật tánh và điện từ Quang nhỏ xíu trong thân ông, hai phần điện điện từ quang này hòa cùng với nhau khó mà diễn tả được, chỉ người nào được hút vào, tự người đó biết thôi. Vì chỗ đó, đức Phật mới nói là không thể nghĩ hay bàn, là nói chỗ này vậy.

Họa hình Tôn giả Xà Dạ Đa trong các thư tịch cổ.
 Họa hình Tôn giả Xà Dạ Đa trong các thư tịch cổ. 

Ngài vừa nghe tổ Cưu Ma La Đa giải thích, bỗng Ngài khóc và trình với Tổ: Con vừa nghe Thầy vừa dẫn giải Phật và chúng sanh, sao tự nhiên con như bị mất mình, hiện tượng lạ ấy là gì, kính xin thầy giải thích cho con hiểu.

Tổ dạy: Người nào vừa nghe một câu kinh tuyệt cao trong nhà Phật, mà có hiện tượng như con nói, người đó đã cảm nhận được Thanh tịnh thiền mà Như Lai dạy nơi thế giới này. Tổ nói thêm: Vậy, con có muốn theo ta học đạo thiền không, nếu con muốn, ta sẽ dạy con chỗ “Bí mật Thiền tông” cho.

Ngài liền trình thưa với Tổ: Kính thưa Thầy, con xin theo Thầy xuất gia, học đạo Thiền tông, để nhận ra chỗ cao sâu của pháp môn Thiền tông học này. Tổ nhận Ngài làm đồ đệ và dạy Ngài những bí yếu của pháp môn Thiền tông. Sáu năm sau Tổ hỏi Ngài: Con theo sư phụ học đạo Thiền tông, nay đã được 6 năm, vậy con nhận được gì trong đạo Thiền tông học này, hãy trình bày cho ta biết?

Ngài liền trình với Tổ bài kệ 36 câu như sau: Trước đây con nguyện con cầu/ Để tìm chân lý, và cầu thoát ly; Thiền tông quả thật diệu kỳ/ Để tâm thanh tịnh, cái chi cũng tường. Hiện tại con hết đau thương/ Con đường sanh tử, con thường rõ thông; Nhờ Thầy chỉ dạy thật lòng/ Con lìa vật chất, thong dong Niết bàn.

Con nay thật sự bình an/ Rơi vào Bể tánh, như vào nhà con; Sông núi thế giới vẫn còn/ Là của vật lý, không còn ham mê. Nhờ Thầy con biết đường về/ Niết bàn thanh tịnh là quê của mình; Tâm con thanh tịnh tuyệt linh/ Rõ rành Bể tánh, của mình ngày xưa. Ngày xưa con khẩn sớm trưa/ Hao mòn sức lực, mà chưa thấy gì; Thầy dạy đơn giản diệu kỳ/ Chỉ cần thanh tịnh cai chi cũng tường. Hiện tại con hết đau thương/ Niết bàn thanh tịnh là đường con đi;

Con nay không phải cầu chi/ Quê hương chân thật, tức thì thấy ngay. Tâm con thanh tịnh suốt ngày/ Vật chất không thích, còn hoài tịnh thanh; Nhìn trong tam giới như tranh/ Con Thấy cứ thấy, không giành thứ chi. Lời Thầy quả thật diệu kỳ/ Vừa nghe đã ngộ, cái chi cũng lìa; Từ nay con thường sớm khuya/ Luôn luôn thanh tịnh, thì lìa trầm luân. Hiện nay con rất vui mừng/ Vì đã dứt được, tử sinh luân hồi; Thiền tông đơn giản vậy thôi/ Luân hồi sinh tử, dứt rồi với con.

Tổ vừa nghe Ngài trình 36 câu kệ, biết Ngài đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, nên có dạy như sau: Ông nay đã đạt được “Bí mật Thiền tông”, vậy 21 ngày sau ta sẽ truyền “Bí mật Thiền tông” lại cho ông làm Tổ sư Thiền tông đời thứ Hai Mươi. Đúng 21 ngày sau, lễ truyền Thiền tông được thực hành. 

Gặp người nối truyền

Sau được truyền tâm ấn, Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa các nước, lần lượt đến thành La Duyệt. Trong thành này hiện có số đông chúng tăng học đạo. Nghe tin Ngài đến, họ đua nhau đến yết kiến. Chúng đến trước nhất, người lãnh đạo là Bà Tu Bàn Đầu. Người này tu hành tinh tấn suốt ngày đêm không nằm và sáu thời lễ bái, mặc y vá, ăn một bữa, lòng đạm bạc không mong cầu. Đồ chúng nhân đó rất kính trọng ông.

Ngài gọi đồ chúng bảo: Người khổ hạnh tu hành thanh tịnh này có thể được Phật đạo chăng? Đồ chúng đáp: Thượng nhân này tu hành tinh tấn như thế, đâu không được đạo. Ngài bảo: Người này cùng đạo xa vậy. Dù khổ hạnh trải qua nhiều kiếp, chỉ giúp cho gốc vọng, đâu thể chứng đạo? Đồ chúng hỏi: Nhân giả chứa đựng được pháp gì mà chê thầy tôi? Ngài đáp: Ta chẳng cầu đạo cũng chẳng điên đảo, ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn, ta chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng, ta chẳng biết đủ cũng chẳng tham cầu.

Bà Tu Bàn Đầu nghe lời vui vẻ nói bài kệ tán thán rằng: Đảnh lễ tam muội lớn/ Chẳng cầu được Phật đạo/ Chẳng lễ cũng chẳng khinh/ Tâm chẳng sanh điên đảo/ Chẳng ngồi chẳng lười biếng/ Chỉ ăn không cần ngon/ Tuy hoãn mà không chậm/ Tuy gấp mà chẳng thô/ Nay con gặp chí tôn/ Cúi đầu vâng Phật dạy. Ngài bảo chúng: Người tu hạnh đầu đà này, bọn ngươi không thể bì kịp.

Vì ông ấy kiếp trước tu hạnh bất khinh nên mới được như vậy. Vừa rồi, ta chê ông, bởi thấy ông đạo tâm tha thiết, sợ e như sợi đàn thẳng quá phải đứt nên ta không khen ông, muốn ông tiến đến chỗ vô sở đắc và dừng trụ nơi đất An Lạc. Ngài lại gọi Bàn Đầu hỏi: Ta nói trái ý ông, tâm ông chẳng động chăng? Bàn Đầu thưa: Đâu dám động tâm. Tôi nhớ bảy đời về trước sanh cõi An Lạc, vì mộ đạo nên thờ trí giả Nguyệt Tịnh làm thầy.

Thầy Nguyệt Tịnh dạy tôi: “Không bao lâu nữa ngươi sẽ chứng quả Tư Đà Hàm, nên siêng năng tinh tiến. Phàm tu hành như trèo lên cao, phải cố gắng tiến lần lên, không cho sụt xuống. Nếu lỡ có sụt, muốn trèo lên lại càng khó”. Lúc đó, tôi đã tám mươi tuổi, nương gậy mới có thể đi được. Khi ấy, gặp Bồ Tát Đại Quang Minh ra đời, tôi muốn đến lễ Ngài, bèn đi đến tịnh xá, lễ bái xong trở về.

Chợt gặp thầy Nguyệt Tịnh quở trách tôi: “Dốt quá, tại sao ông lại khinh cha trọng con? Hôm trước, ta thấy ông sắp được chứng quả, hôm nay đã mất”. Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, nên không phục những lời quở ấy. Tôi cầu xin thầy Nguyệt Tịnh chỉ lỗi cho tôi. Thầy Nguyệt Tịnh dạy: “Vừa rồi, ngươi đến đảnh lễ Bồ Tát Đại Quang Minh tại sao lại dựng cây gậy vào mặt Phật vẽ trên vách, Ngươi do lỗi này nên sụt quả vị”.

Tôi nhớ kỹ lại, thật đúng như lời thầy Nguyệt Tịnh quở. Từ đó về sau, phàm có nghe lời nào, chẳng dám không tin. Dù bị những lời chửi mắng vẫn coi như gió thổi ngoài tai. Huống là, nay Tôn giả dùng chánh pháp chỉ dạy thì đâu dám phiền buồn. Cúi xin đấng đại từ thương xót đem đạo mầu chỉ dạy cho con.

Ngài liền dạy: Đại pháp nhãn tạng của Như Lai, nay ta trao cho ngươi, ngươi nên truyền bá chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ: Nói ra hợp vô sanh/ Đồng cùng tánh pháp giới/ Nếu hay hiểu như thế/ Suốt thông sự lý tột. Bà Tu Bàn Đầu lễ bái vâng lệnh. Ngài ngồi ngay trên tòa lặng lẽ qui tịch. Đồ chúng sau đó làm lễ hỏa táng rồi thu xá lợi của Ngài xây tháp thờ phụng.

Đọc thêm